Đại gia Việt có "tuồn" cổ phiếu sang sân sau để né thuế?
Dư luận đang đặt nghi vấn sau hàng loạt thương vụ chuyển nhượng cổ phiếu sang công ty riêng của các ông lớn.
Mới đây, ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG - HOSE) cho biết, đã hoàn tất việc bán 3 triệu cổ phiếu HSG theo phương thức giao dịch thỏa thuận, thời gian giao dịch từ ngày 16/7 đến 21/7/2014.
Như vậy, số lượng cổ phiếu ông Vũ nắm giữ tại Hoa Sen đã giảm từ 18,87 triệu cổ phiếu xuống còn 15,87 triệu cổ phiếu (tương đương tỷ lệ 16,47%). Với tỷ lệ này, ông Vũ hiện là cổ đông lớn thứ 3 tại Hoa Sen, sau Công ty Tam Hỷ và Red River Holdings.
Trước đó (ngày 11/7), Công ty TNHH một thành viên Tam Hỷ do ông Lê Phước Vũ là Chủ tịch, kiêm Tổng gám đốc cũng có thông báo đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu HSG theo phương thức thỏa thuận. Dự kiến, sau khi thực hiện giao dịch, Tam Hỷ sẽ nắm giữ 24 triệu cổ phiếu HSG, tương đương 24,92% và tiếp tục là cổ đông lớn nhất của Hoa Sen.
Việc ông Vũ chuyển nhượng cổ phiếu từ sở hữu cá nhân sang công ty riêng không phải là mới. Từ giữa tháng 3/2014, ông Vũ đã đăng ký giao dịch thỏa thuận 24 triệu cổ phiếu HSG. Mặc dù số lượng cổ phiếu này được ông Vũ thông báo đã bán hết, nhưng Tam Hỷ cho biết, đơn vị này chỉ mua vào được 21 triệu cổ phiếu, do giá cổ phiếu không được như kỳ vọng.
Một trường hợp khác là cổ phiếu MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động. Ngay trước phiên chào sàn (ngày 11/7), 4 lãnh đạo chủ chốt của Thế giới Di động đã chuyển nhượng 25,29 triệu cổ phiếu, trong đó, 19,73 triệu cổ phiếu chuyển nhượng cho công ty riêng của 4 người này.
Theo bản cáo bạch của MWG chốt ngày 26/6, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc MWG đã chuyển nhượng 9,1 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ; ông Trần Lê Quân, thành viên HĐQT độc lập chuyển nhượng 6,82 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH Tri Tâm; ông Điêu Chính Hải Triều, thành viên HĐQT, kiêm Giám đốc kỹ thuật chuyển 1,91 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH một thành viên Sơn Ban và ông Trần Huy Thanh Tùng, Trưởng ban Kiểm soát chuyển 1,91 triệu cổ phiếu cho Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Trần Huy. Sau chuyển nhượng, cá nhân các lãnh đạo trên chỉ còn nắm giữ 1 - 2% số cổ phiếu niêm yết.
Dư luận đang đặt câu hỏi liệu có hay không hành vi né thuế khi các đại gia đua nhau chuyển nhượng cổ phiếu sang công ty riêng?
Không đồng tình với cách suy diễn trên, tại cuộc họp báo nhân sự kiện Nick Vujicic trở lại Việt Nam diễn ra tại Hà Nội tháng 4/2014, ông Lê Phước Vũ khẳng định: “Đó là cách mà các nhà đầu tư trên thế giới đều áp dụng và hoàn toàn đúng pháp luật”.
Ông Vũ dẫn chứng về trường hợp tỷ phú giàu nhất thế giới Bill Gates. Trong tổng số gần 80 tỷ USD tài sản sở hữu cá nhân, hiện Bill Gates đang nắm giữ 330 triệu cổ phiếu Microsoft, tương đương 14,7 tỷ USD. Phần lớn tài sản của Bill Gates lại nằm trong các khoản đầu tư của Cascade Investment LLC, một công ty đầu tư thuộc sở hữu của Bill Gates và gia đình. Công ty này sở hữu cổ phần lớn tại rất nhiều doanh nghiệp, như Berkshire Hathaway của Buffett, Công ty Đường sắt quốc gia Canada, Coca Cola…
Liên quan vấn đề trên, ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng phòng cao cấp Tư vấn tài chính doanh nghiệp (Công ty Chứng khoán Bản Việt) cho hay, ngoài mục đích quản lý hiệu quả tài sản, cách làm này giúp các đại gia tránh được sự chú ý từ bên ngoài có thể ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống cá nhân. Tùy vào khung pháp lý từng thời điểm, việc làm này có thể giúp các đại gia quản lý hiệu quả tài sản và nghĩa vụ thuế khi phát sinh thu nhập từ cổ phiếu mà các công ty riêng này nắm giữ, quản lý đầu tư cá nhân…
Ngoài việc đảm bảo lợi ích chính đáng cho các doanh nhân, ông Sơn cho rằng, nếu các doanh nhân đảm bảo tuân thủ theo các quy định liên quan như công bố thông tin, thuế… và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các cổ đông, thì việc làm này là bình thường và "cần nhận được cái nhìn cởi mở hơn từ công chúng”.
Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo