Đại gia Việt phản đòn, ông lớn ngoại ngã ngửa
Cuộc chiến ly kỳ
Báo cáo quản trị 2014 Vicostone cung cấp một thông tin khá bất ngờ: Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vicostone (VCS) - Hồ Xuân Năng nắm cổ phần chi phối của công ty đã đi thâu tóm Vicostone. Ông Năng là cổ đông lớn CTCP Phượng Hoàng Xanh A&A (Phenikaa) với tỷ lệ nắm giữ 90% vốn, tương ứng 54 triệu cổ phần.
Như vậy, người thâu tóm Vicostone không ai khác chính là chủ tịch công ty, người đã gắn bó với DN này từ năm 2004 với tư cách là người đại diện phần vốn Tổng công ty Vinaconex trong thời gian đầu và ở vị trí lãnh đạo làm thuê trong nhiều năm sau đó.
Thau tóm không còn là chuyện mới ở Việt Nam, nhưng vụ việc tại VCS có nhiều diễn biến ly kỳ khi nhóm cổ đông nội lấn lướt ngoại, lãnh đạo của công ty bị thâu tóm đã thâu tóm lại công ty đi thâu tóm là một trường hợp hiếm hoi.
Cuộc đối đầu giữa nhóm cổ đông nội và nhóm cổ đông ngoại tại Vicostone (VCS) kéo dài vài năm đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất của DN này. Câu chuyện tưởng chừng rơi vào bế tắc, không lối thoát.
Từ một DN làm ăn thuộc tốp tốt nhất TTCK với lợi nhuận khủng, doanh thu tăng trưởng đều qua các năm, phần lớn sản phẩm tiêu thụ ở các thị trường Mỹ, EU, Úc..., Vicostone bất ngờ rơi vào vòng xoáy. Trong các năm 2012 và 2013, DN này bắt đầu báo cáo lợi nhuận suy giảm, không trả cổ tức và thậm chí tuyên bố hủy niêm yết tự nguyện.
Sự bất hòa giữa các nhóm cổ đông lớn trong và ngoài nước có lẽ đã là một thảm họa đối với nhiều cổ đông nhỏ của VCS. Cổ phiếu VCS rớt trở về ngưỡng 1x bất chấp các chỉ số tài chính đều rất tốt. Nhiều NĐT ngầm ngùi tháo chạy khỏi một trong những cổ phiếu tốt nhất trên sàn.
Đây là khoảng thời gian xảy ra cuộc đối đầu khốc liệt giữa nhóm cổ đông nước ngoài đại diện là Red River Holding nắm giữ gần một nửa tổng số cổ phần với nhóm cổ đông trong nước, trong đó có một số thành viên HĐQT và lãnh đạo lâu năm của VCS.
Tuy nhiên, sóng gió dường như đã qua đi đối với Vicostone khi thị trường đón nhận thông tin Vicostone đã bị Phenikaa thâu tóm với tỷ lệ 58%. Ba cổ đông ngoại sở hữu hơn 46% cổ phần thoái vốn trong tháng 6 và tháng 7/2014 đã tạo cơ hội cho Phenikaa mua lại và nắm quyền kiểm soát Vicostone.
Thế trận tự vệ
Gạt sang một bên những ảnh hưởng không mong muốn của cuộc chiến giữa các nhóm cổ đông lớn, có thể thấy, không ít các NĐT trong nước đã có sự lớn mạnh rất nhanh trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng vào thế giới. Các NĐT nội đang cạnh tranh trực tiếp với NĐT nước ngoài.
Tại Bibica, gần đây Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (SSIAM) - công ty con của Công ty Cổ phần chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã thoái 20% vốn. Sau giao dịch, Bibica không còn là công ty liên kết của SSI. Tuy nhiên, một số DN thuộc sở hữu hoặc liên quan tới đại gia ngành chứng khoán Nguyễn Duy Hưng như CTCP Thực phẩm PAN (PAN Food), Đường Mặt Trời, Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre vẫn đang nắm giữ một tỷ lệ lớn tại Bibica.
Ông Nguyễn Duy Hưng vẫn là một đối trọng với ông lớn Hàn Quốc Lotte tại doanh nghiệp bánh kẹo Bibica.
Cũng trong năm 2014, SSI của ông Nguyễn Duy Hưng cùng một số thành viên chủ chốt của SSI và nhóm NĐT có liên quan đã mua lại toàn bộ hơn 61 triệu cổ phần SSI, tương đương tỷ lệ 17,51% từ cổ đông lớn ANZ.
Trước đó, đại diện Nhựa Tiền Phong (NTP) - một trong những doanh nghiệp nằm trong tầm ngắm thâu tóm của Nawaplastic Industry (Saraburi) - công ty nhựa lớn của Thái Lan, cho biết, trong xu thế hội nhập doanh nghiệp nội khó tránh nguy cơ bị thâu tóm, nhất là khi giá cổ phiếu xuống thấp, song cũng không dễ để các đại gia ngoại thao túng doanh nghiệp Việt.
Trên thực tế, tại NTP, cổ đông lớn nhà nước SCIC vẫn nắm giữ trên 37%, Nawaplastic gần 24%, ủy viên HĐQT Đặng Quốc Dũng & vợ nắm 9,3%.
Cuối tháng 1/2015, một NĐT cá nhân - ông Hồ Phi Hải đã bất ngờ chi 134 tỷ đồng để trở thành cổ lớn của Nhựa Tiền Phong. Số cổ phần nói trên được mua lại từ nhà đầu tư nước ngoài. NĐT này sau đó còn mua thêm nhiều cổ phiếu hiện đã nắm giữ trên 6% cổ phần NTP. Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, Nawaplastic vẫn chỉ nắm giữ một tỷ lệ cổ phần khá khiêm tốn tại NTP cho dù rất muốn tấn công sâu hơn vào thị trường nhựa đầy tiềm năng của Việt Nam.
Trước đó, khá nhiều doanh nhân Việt đã thế chân các tập đoàn ngoại tại các doanh nghiệp trong nước và thậm chí mở rộng ảnh hưởng của mình qua các vụ mua bán thâu tóm cổ phần từ các doanh nghiệp nước ngoài.
Trong năm 2013, Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn (SGP) đã liên tục đưa các thông tin về thương vụ thế chân tập đoàn ngoại Daio Paper của Công ty cổ phần đầu tư U&I (Unigroup). Chủ HĐQT Công ty cổ phần Mai và cộng sự (Mai & CO), ông Mai Hữu Tín đã trở thành đối tác mới của Giấy Sài Gòn sau khi mua lại toàn bộ số cổ phần (và nợ) của Công ty giấy Daio (Nhật), với tỉ lệ sở hữu 42,3%, tương đương 416 tỉ đồng vốn điều lệ.
Gần đây, Tập đoàn FPT mua lại 100% cổ phần của công ty RWE IT (Slovakia) còn Vinamilk chi 7 triệu USD mua công ty sữa Mỹ.
Có thể thấy, năm 2015 là năm của hội nhập. Hàng loạt các hiệp định thương mại với nhiều khu vực có hiệu lực trong năm nay, nhiều hiệp định lớn như TPP cũng có thể được ký kết. Sự hội nhập vào sân chơi chung của thế giới là xu thế không thể tránh được, doanh nghiệp nội không chủ động hội nhập thì các doanh nghiệp nước ngoài cũng tự tìm đến.
Những nỗ lực vươn lên của các doanh nhân, doanh nghiệp trong nước về năng lực tài chính, về trình độ quản lý, về sự tự tin... để chơi ngang ngửa với các ông lớn ngoại có lẽ là một tín hiệu đáng mừng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé
8 chương trình đào tạo của trường Đại học Đông Á được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng
Lễ hội Áo dài Đà Lạt 2024 với nhiều điểm nhấn độc đáo