Đại gia xẻ núi xây mộ đá tiền tỷ
Chứng kiến sự hoành tráng và cầu kỳ của những "dinh thự" dành cho người đã khuất mới thấy hết được sự xa hoa của giới nhà giàu khi họ sống và cả khi đã lìa đời.
Chúng tôi đã từng có dịp đến xã Minh Quân (huyện Trấn Yên, Yên Bái). Chẳng nói ai cũng biết đây là một xã miền núi còn nghèo. Vì vậy kiếm được ngôi nhà xây tiền tỷ cũng rất khó. Vậy mà ở xã nghèo này lại đang có khu mộ đá nguyên khối trị giá lên tới vài tỷ đồng. Chủ nhân của khu mộ đá này là ông Hoàng Đức Hùng, 75 tuổi, trú tại thành phố Yên Bái.
Để làm công trình này, ông Hùng đã thuê hẳn một công ty chuyên về tư vấn thiết kế xây dựng. Sự cầu kỳ, cẩn thận và hoành tráng khiến cho bất kỳ ai qua đây cũng phải gật gù, và không ít người khao khát. Khu mộ đá rộng chừng 500m2 tọa lạc ngay trên đỉnh một quả đồi, được cho là phong thủy đẹp nhất tại đây. Đường lên khu mộ ông Hùng cho làm hẳn một con đường rộng 3m dài chừng 300 mét ngược lên núi để ô tô có thể lên tận nơi. Tất cả những chi tiết dù nhỏ nhất ở khu mộ này đều được làm bằng đá.
Chính chủ nhân sẽ lựa chọn, trực tiếp thuê đục đẽo tận Hoa Lư - Ninh Bình.
Khuôn viên là một lăng mộ lớn và 5 ngôi mộ nhỏ. Hai mộ lớn được đặt rất trang trọng ở chính giữa, đó là tro cốt của thân phụ, thân mẫu của ông Hùng.
Tất cả như bức bình phong, trụ cổng, 12 bức tượng đá tạc 12 con giáp đều được đục đẽo hết sức cầu kỳ… tất cả đều được dùng những tảng đá nguyên khối. Xung quanh được làm hệ thống tường rào bằng đá và đèn cao áp, cây cảnh hết sức cầu kỳ. Ông Hùng tự hào: "Tôi lựa chọn vị trí quả đồi này để đặt khu lăng mộ vì nó có phong thủy rất đẹp, được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Phía sau tựa vào dãy núi cao, đứng từ trên khu mộ nhìn bao quát được cả một khu vực rộng lớn, ruộng vườn, sông suối".
Để có được khu lăng mộ ai nhìn cũng phải trầm trồ, ông Hùng đã phải lặn lội đi khắp các nghĩa trang của các "đại gia" từ Hà Nội, Hải Phòng, thậm chí còn vào tận phía Nam để tham khảo. Sau khi lên ý tưởng, công ty tư vấn thiết kế kẻ vẽ từng chi tiết dù nhỏ nhất. Bên cạnh khu mộ đá, ông Hùng còn cho xây thêm ngôi từ đường ngay chân núi. Chi phí cho ngôi nhà này cũng lên tới hơn 500 triệu.
Theo như đại gia này thì đó là nơi con cháu tụ họp, quây quần mỗi khi đến thăm mộ ông bà. Ông Hùng giải thích việc xây lăng mộ rằng: "Đây thực chất không phải để khoe mẽ với thiên hạ là mình nhiều tiền mà muốn báo ân đến những bậc sinh thành”. Chi phí cho toàn bộ khu này lên tới hơn 3 tỷ đồng. Và cho đến khi công trình hoành tráng ấy hoàn thiện, cái tên Hùng "cà chua" bắt đầu nổi như cồn. Ông Hùng làm gì, ở đâu, quá khứ như thế nào được người ta lục tung và tìm ra hết.
Ông Hùng vốn tham gia quân đội, sau đó làm công nhân cho một công ty quân đội tại Yên Bái. Do mặt lúc nào cũng đỏ gay như cà chua nên ông được mọi người đặt tên là Hùng "cà chua". Đã từng có thời gian ông cùng vợ sống khá chật vật, nuôi 6 người con ăn học. Đại gia Hùng "cà chua" đã có thời gian phải ngồi vật vạ ở chợ bán thịt lợn. Mãi sau này chuyển sang buôn bán xe máy và bây giờ có một hiệu vàng lớn bậc nhất tỉnh Yên Bái. Khi cuộc sống đã đủ đầy, con cái thành đạt ông Hùng quyết định xây dựng khu lăng mộ cho cha mẹ, những mong được đền đáp công ơn sinh thành.
Những khu mộ "lăng vua phủ chúa" ở Hà Nội
Cứ vào mỗi ngày cuối tuần, con đường lầy lội bùn đất thuộc xã Vật Lại, Phú Sơn (Ba Vì, Hà Nội) lại chứng kiến hàng đoàn xế hộp xịn nối đuôi nhau về thắp hương cho mộ của người thân. Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng được coi là khu nghĩa trang của những đại gia đầu tiên ở Việt Nam. Những ngôi mộ ở đây đều được xây dựng hết sức cầu kỳ, đặc biệt là không “đụng hàng” với ai. Không khó để kiếm được những khu mộ trị giá cả tỷ đồng. Giá cho mỗi mét vuông đất tại nghĩa trang "đại gia" này dao động từ 12-15 triệu đồng.
Theo những người sống quanh khu vực này thì giá đất được đẩy lên là do các đại gia sợ hết đất. Họ thi nhau chọn lựa những khu đất có địa thế đẹp, sau đó xây dựng mộ sẵn, sau này sẽ dùng. Hiện tại đất của công ty quản lý công viên nghĩa trang không còn đất mới. Tuy vậy muốn vẫn có đất vì có thể mua theo cách chuyển nhượng giữa người này với người khác.
Ở công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng chỉ cần có tiền mua đất, còn muốn xây dựng kiểu gì là do chủ, không theo khuôn khổ và quy định của cơ quan chủ quản. Chính vì thế các đại gia thỏa sức sáng tạo, khoe độ lắm tiền nhiều của. Họ đua nhau xây dựng những khu mộ to đẹp chi phí lên tới cả chục tỷ đồng. Chúng tôi được gặp ông Hải - người nổi tiếng khéo tay và có con mắt thẩm mỹ nhất ở khu vực này. Ông thường xuyên được các đại gia thuê xây dựng, đắp vẽ mộ.
Ông Hải nói: "Những mộ ở đây hầu hết là của các đại gia. Những gia đình này rất giàu có, họ không tiếc tiền trong việc xây dựng. Không bao giờ họ quan tâm đến sự đắt rẻ, điều quan trọng nhất là ưng ý. Không xây kiểu cổ thì họ xây bằng đá. Mà đã là đá thì phải là đá nguyên khối mua từ Ninh Bình, còn xây bằng đá ong thì phải đá ong Thạch Thất".
Ông Hải đưa chúng tôi đi tham quan những khu mộ bằng đá nguyên khối giá trị cả chục tỷ đồng, rồi cả những khu mộ được xây dựng như nhà từ đường lớn, thậm chí như thể một ngôi chùa. Những ngôi mộ hoành tráng này việc xây dựng hết sức công phu. Chủ nhân đã phải thuê những kiến trúc sư có nghề thiết kế chi tiết. Móng được đào sâu tận 5 mét, bắn đá, đổ bê tông cốt thép… khi thi công có người được thuê giám sát, chỉ cần một chi tiết không đúng sẽ được thay thế và sửa lại. Ông Hải cười: "Xây mả mà còn khó hơn xây nhà cho người còn sống đấy".
Không chỉ có những ngôi mộ đẹp, những người giàu có lại hay chữ, họ thường đặt cho khu mộ nhà mình những cái tên hết sức hoa mỹ ví dụ như: "Tiên cảnh nhàn du". Đây là khu mộ được đánh giá là kỳ công và tốn kém bậc nhất. Toàn bộ được dựng kiên cố bằng đá, chạm khắc tinh xảo. Đá trắng, đá xanh nguyên khối, nguyên tảng được chở từ Ninh Bình ra. Những phiến đá này đặc biệt không có đường vân dù chỉ nhỏ như sợi chỉ. Người đến đây sẽ có cảm giác như mình đang tham quan một khu di tích nào đó.
Ngôi mộ là sự kết hợp hài hòa cả cảnh quan thiên nhiên với những phiến đá đầy uy nghi. Từ hàng rào, lối đi, thảm cỏ, cổng ra vào, xích đu, ghế đá… tất cả đều vô cùng ấn tượng.
Bà Nghiên (nhân viên Ban Quản lý Công viên nghĩa trang Vĩnh Hằng) cho hay: "Đây là ngôi mộ được con cháu thường xuyên đến thăm nom. Mỗi lần đến họ thường ở đây cả ngày, hương khói. Họ còn nấu nướng, ăn uống. Đêm đến còn thắp điện sáng rực một vùng chuyện trò vui vẻ". Đặc biệt hơn nữa, khu mộ này được đặt trên một miếng đất được coi đẹp bậc nhất ở đây.
Diện tích khoảng 200m2, với 6 tòa lầu cao chừng 5m, mái của ngôi mộ được đắp uốn lượn, gắn rồng phượng, lợp ngói lưu ly tráng men. Cổng vào khu mộ như thể cổng thành. Tượng người cùng hai con sư tử đá đặt ngay lối vào tạo sự uy nghiêm. Phía khuôn viên là đủ tượng: tượng Quan Âm, ngựa voi lính tráng bàn ghế đá… Tường bao cũng được xây dựng vô cùng cầu kỳ, xung quanh được trồng điểm cau lùn, hoa leo.
Bà Nghiên chia sẻ: "Khu mộ này mới chỉ có một ngôi có hài cốt, còn khoảng chục cái nữa chưa được gắn bia. Chủ nhân của khu này nói là đã vào tận Huế xem các mẫu, xem kiến trúc ở đó rồi về nghiên cứu làm theo. Nghe nói đây là khu mộ của một đại gia ngành ngân hàng. Chi phí lên tới cả chục tỷ đồng”.
Dẫu biết, khi có tiền người ta hoàn toàn có quyền làm những điều mình muốn. Chẳng biết những người đã mất có vui, có mỉm cười khi mình trở thành những "người âm tỷ phú"? Trong khi đó xã hội vẫn còn quá nhiều những người nghèo, những người chẳng có nổi túp lều che nắng che mưa.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trịnh Hòa Bình cho rằng: "Vẫn biết rằng việc thờ cúng tổ tiên là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam từ ngàn đời. Chúng ta nên duy trì và phát huy truyền thống ấy. Tuy nhiên, nét truyền thống đó vẫn luôn được xem là từ tâm. Nghĩa là người đời đánh giá những người đang sống có tử tế, có tri ân với những người đã khuất hay không hoàn toàn không phải dựa vào những biểu hiện phô trương của họ. Tôi thấy việc nhiều đại gia bỏ hàng tỷ đồng xây lăng mộ cho người đã khuất chủ yếu chỉ cốt thể hiện được cái tôi của họ, để họ khẳng định với xã hội rằng tôi là người lắm tiền nhiều của”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo