Đại hội lần thứ X Đảng bộ TP. HCM: Xây dựng TP Văn minh-Hiện đại-Nghĩa tình
Đến dự Đại hội có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm, Ủy viên Bộ Chính trị - Bí Thư Thành ủy TP.Hà Nội Phạm Quang Nghị, Bí Thư Trung ương Đảng- Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, cùng nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ ngành Trung ương và địa phương, các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại hội.
Giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế - xã hội của cả nước
Vị trí, vai trò đầu tàu về kinh tế - xã hội của TP.HCM đối với khu vực và cả nước tiếp tục được giữ vững và phát huy, góp phần cùng cả nước kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Tổng sản phẩm nội địa tăng bình quân 9,6% một năm, tăng dần trong 3 năm cuối nhiệm kỳ, chiếm tỉ trọng 21,5% GDP quốc gia; thu nhập bình quân đầu người trên 5.500 USD, gấp hơn 2,5 lần so với cả nước; đóng góp hơn 30% thu ngân sách nhà nước, tăng gấp 2 lần giai đoạn 2006 - 2010.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư xây dựng tích cực, ngày càng hình thành rõ nét đô thị văn minh, hiện đại với không gian đô thị không ngừng được mở rộng, tạo điều kiện cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Tăng trưởng kinh tế luôn gắn với phát triển văn hoá, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; đã hoàn thành cơ bản chương trình giảm nghèo và chuyển sang giai đoạn mới rất ấn tượng với yêu cầu giảm nghèo bền vững.
Là một địa bàn chiến lược trọng yếu, TP.HCM luôn quan tâm lãnh đạo hoàn thành nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chủ động đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả các âm mưu, hoạt động "diễn biến hoà bình", gây bạo loạn lật đổ, chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thế trận lòng dân và tiềm lực quốc phòng, an ninh; góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước.
TP.HCM đã chủ động hơn trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học, cao đẳng, đào tạo nghề, tạo chuyển biến bước đầu trong đảm bảo nhu cầu lao động chất lượng cao cho 9 ngành dịch vụ, 4 ngành công nghiệp trọng yếu và xuất khẩu lao động; đẩy mạnh đào tạo nghề cho lao động nông thôn; xây dựng nguồn nhân lực cho lĩnh vực y tế, văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao, hệ thống chính trị, đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Cải cách hành chính có tiến bộ, tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến sản xuất - kinh doanh, chữa bệnh, học tập,… của Nhân dân, chất lượng thực hiện công vụ ngày càng nâng lên. Đẩy mạnh hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế , từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu.
Nâng cao chất lượng quy hoạch gắn với chiến lược bảo vệ môi trường; tiếp tục di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; từng bước nâng cao nhận thức cộng đồng; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về môi trường; ô nhiễm nguồn nước sông rạch, không khí, tiếng ồn do sản xuất, giao thông giảm đáng kể .
Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng bộ TP.HCM cũng là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của toàn Đảng, đã diễn ra trong bối cảnh tình hình có nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng gặp không ít khó khăn, thách thức.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ những vấn đề trọng yếu: Một là, Đảng bộ và nhân dân Thành phố cần nhận thức và luôn có ý thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, vị trí quan trọng của TP.HCM - một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế; là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan toả lớn đối với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị rất quan trọng của cả nước…
Hai là, huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế để tạo sự đột phá trong tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế… Ba là, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch; tập trung chỉ đạo và có những giải pháp đủ mạnh để huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông…
Bốn là, đổi mới và nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục - đào tạo, xây dựng con người, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao… Năm là, lãnh đạo và tổ chức thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự, an toàn xã hội… Sáu là, tiếp tục xây dựng Đảng bộ thật sự trong sạch, vững mạnh; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, làm cho chính quyền thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân…
Bảy là, phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, thực hiện thật tốt các chính sách thuận lòng dân; chăm lo xây dựng, đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội, đổi mới mạnh mẽ phương thức tập hợp các tầng lớp nhân dân, xây dựng lực lượng nòng cốt ở các lĩnh vực, địa bàn trọng yếu….
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng, Đại hội lần thứ X Đảng bộ TP.HCM với tinh thần "vì cả nước, cùng cả nước", tập trung trí tuệ, phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, tiếp tục đóng góp ý kiến để có những quyết định đúng đắn về phát triển thành phố trong thời kỳ mới, xây dựng TP.HCM ngày càng phồn vinh, văn minh, hiện đại; mãi mãi xứng đáng là Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu, Thành phố Anh hùng, Thành đồng của Tổ quốc.
End of content
Không có tin nào tiếp theo