Đúng 40 năm trước, ở tuổi lên 5, cậu bé Lê Bá Hùng theo cha qua Mỹ trên USS Blue Ridge - một trong những chiến hạm thực hiện cuộc hải hành cuối cùng từ Đà Nẵng đi Sài Gòn (29.3.1975) sơ tán những người Mỹ cuối cùng, những binh lính chế độ Sài Gòn rời Việt Nam. Gần 40 năm sau, trong nhiều lần trở lại quê mẹ gần đây, anh đều về với tư cách chỉ huy cấp cao trên những chiến hạm lừng danh của Hải quân Mỹ, và cũng đúng vào dịp 30.4…
Sáng 6.4, đội tàu chiến của Hải quân Mỹ đã cập cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), mở đầu đợt hoạt động giao lưu hải quân thường niên lần thứ 6 (NEA) với Hải quân Nhân dân Việt Nam. Chỉ huy hai tàu trong chuyến ghé thăm lần này lại là đại tá Lê Bá Hùng - Phó Chỉ huy biên đội tàu khu trục số 7 - sĩ quan người Mỹ gốc Việt. Lê Bá Hùng đã theo cha sơ tán theo các chiến hạm của hải quân để sang Mỹ dịp 30.4.1975. Trong nhiều lần trở lại quê mẹ gần đây, anh đều về với tư cách chỉ huy cấp cao trên những chiến hạm lừng danh của Hải quân Mỹ, và đúng vào dịp 30.4…
Sự ngẫu nhiên lý thú
Đại tá Hùng quê Thừa Thiên - Huế. Ông tốt nghiệp hạng ưu tại Học viện Hải quân Mỹ năm 1992 với bằng cử nhân về kinh tế, từng làm sĩ quan chỉ huy trên nhiều chiến hạm, khu trục lớn của Hải quân Mỹ, giành được nhiều giải thưởng về "hoạt động tác chiến hiệu quả" (năm 2009), giải thưởng "Đơn vị Hải quân nổi bật" (năm 2010)... Đại tá Hùng từng phục vụ tại Hạm đội 2, Bộ Tư lệnh Liên quân Mỹ, từng là trợ lý điều hành cho hai tư lệnh thuộc Hạm đội 7; trợ lý quân sự cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ...
Đúng 40 năm về trước, cũng dịp 30.4, khi đất nước ngừng tiếng súng, 5 tuổi, cậu bé Lê Bá Hùng gieo neo theo cha sơ tán theo các chiến hạm của hải quân để sang Mỹ. Năm đó, USS Blue Ridge là một trong những chiến hạm thực hiện cuộc hải hành cuối cùng từ Đà Nẵng đi Sài Gòn (29.3.1975), rồi sơ tán những người Mỹ cuối cùng, những binh lính chế độ Sài Gòn rời VN, trong đó có Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ.
Năm 2012, Lê Bá Hùng trở lại Việt Nam đúng dịp 30.4, cũng trên chính con tàu USS Blue Ridge, nhưng với tư cách trợ lý điều hành cho Tư lệnh thuộc Hạm đội 7. Con tàu dẫu vô tri, nhưng cũng là “nhân chứng” của lịch sử, sự xuất hiện của nó ở thời điểm đó như đã gợi bao ký ức buồn vui của nhiều người.
Khác với lần đầu tiên trở về đất mẹ - năm 2009, lúc đó, Lê Bá Hùng là Hạm đội trưởng USS Lassen, trong lần trở về này, Lê Bá Hùng không còn âu lo, hồi hộp, mà anh thân thiện, hòa đồng. Hùng chào hỏi, bá vai những người quen biết, thăm hỏi, trò chuyện thật nhiều. Anh cho biết rất hào hởi khi mỗi lần được nhận nhiệm vụ trở lại Việt Nam. Tôi hỏi, cảm nhận của anh về không khí hòa hợp, hòa giải dân tộc với tư cách là người Việt Nam ở Mỹ, nhất là người có những chuyến hải hành đặc biệt, nhiều lần đi - đến Việt Nam đúng dịp 30.4?
Lê Bá Hùng không trả lời cụ thể, nhưng anh không giấu được sự xúc động: "Bất cứ khi nào Hải quân Mỹ cử tôi đến công tác tại Việt Nam, tôi thực sự cảm thấy rất cảm kích, vì như tôi đã nói, Việt Nam có một chỗ rất đặc biệt trong trái tim tôi và trong trái tim của gia đình tôi. Là một người Mỹ, điều làm cho tôi cảm kích nhất là có cơ hội được phục vụ cho đất nước mình, cũng như cơ hội mà tôi, một người nhập cư đã nhận được. Xây dựng và phát triển các quan hệ với các đối tác trong khu vực là công việc quan trọng của Hải quân Mỹ, đó cũng chính là mục đích của những chuyến thăm này".
Một trong những hoạt động quan trọng
Tổng lãnh sự Mỹ tại TPHCM - bà Rena Bitter - cho biết, giao lưu của lực lượng hải quân 2 nước lần này là một trong những hoạt động quan trọng đánh dấu kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Các hoạt động này sẽ thúc đẩy hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng niềm tin trong lĩnh vực hàng hải, và phát triển quan hệ giữa người dân và hải quân hai nước. Bà Rena Bitter cũng cho biết đánh giá của Chính phủ Mỹ về tiến trình bình thường hóa giữa 2 nước Mỹ - Việt Nam nhanh nhất so với bất kỳ quốc gia nào.
Tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Fitzgerald và tàu tác chiến gần bờ USS Fort Worth - một trong những đôi tàu được đánh giá hiện đại nhất của Đệ thất hạm đội thuộc Hạm đội Thái Bình Dương- Hải quân Mỹ ghé thăm Việt Nam lần này. Chương trình kéo dài trong 5 ngày, tập trung vào một loạt các sự kiện phi tác chiến và các hoạt động trao đổi kỹ năng về quân y, tìm kiếm và cứu nạn, an ninh hàng hải.
Các trao đổi chuyên môn sẽ tập trung vào lĩnh vực hàng hải, kiểm soát thiệt hại trên tàu, giải cứu tàu ngầm. Ngoài ra, các thủy thủ còn trình diễn buổi hòa nhạc trên Công viên Biển Đông, đường Hoàng Sa (Đà Nẵng), tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng và các hoạt động giao lưu thể thao.
Hoạt động giao lưu NEA được phát triển từ các chuyến thăm tàu Hải quân Mỹ thường niên đến Đà Nẵng cách đây hơn 10 năm. Tàu khu trục USS Curtis Wilbur (DDG54) là tàu đầu tiên của Hải quân Mỹ ghé thăm cảng Đà Nẵng vào ngày 28.7.2004. Gần đây nhất, tàu khu trục USS John S.McCain (DDG) thăm Đà Nẵng năm 2014.
Mỗi năm, hoạt động giao lưu NEA sẽ phức tạp hơn, hải quân hai nước tiến hành giao lưu trên biển. Và, nói như đại tá Lê Bá Hùng, để tiến tới các hoạt động giao lưu tác chiến, “hai bên vẫn tiếp tục có những đối thoại để sắp tới có những hợp tác tốt hơn. Khi chúng tôi hiểu nhau hơn thì sẽ có những hợp tác thực sự trên biển”.
Theo Lao động