Đại tướng Lê Đức Anh: "Phải xử lý nghiêm cán bộ làm sai vụ cưỡng chế"
Mặc dù tuổi đã cao, nhưng Đại tướng Lê Đức Anh – Nguyên Chủ tịch nước, Nguyên Bộ trưởng Quốc phòng vẫn luôn quan tâm theo dõi sát sao các thông tin liên quan tới vụ việc cưỡng chế đất đai đối với ông Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.
Chiều ngày 31/1 vừa qua, chia sẻ với Báo Giáo dục Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh nói: “Tôi vẫn luôn quan tâm theo dõi các tin tức xung quanh vụ việc này những ngày qua. Tôi không hiểu chính quyền thu hồi khu đất đó nhằm mục đích gì? Đây là vấn đề rất cần được làm rõ, đó là mấu chốt”.
Trả lời câu hỏi: Nếu như vụ việc này không được chính quyền giải quyết thấu tình đạt lý, Đại tướng có ý kiến không? Đại tướng Lê Đức Anh nhấn mạnh: “Đây là việc mà chính quyền Hải Phòng cần phải xử lý thẳng thắn, phải xử lý một cách cụ thể, làm rõ những sai phạm của từng cán bộ địa phương. Muốn được lòng dân thì phải xử lý nghiêm những cán bộ làm sai, không xử lý nghiêm sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân”.
Trước đó, vào sáng 13/1, trao đổi với Phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam, Đại tướng Lê Đức Anh đã cho biết đây là vụ việc có rất nhiều điều khiến ông phải suy nghĩ. “Trước tiên phải nói rõ rằng: việc phản ứng một cách tiêu cực bằng cách dùng súng bắn trả lực lượng chức năng là sai trái và cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm khắc. Tuy nhiên, còn rất nhiều điều cần phải tiếp tục điều tra làm rõ và trả lời rõ ràng để dư luận hiểu. Thứ nhất, nếu Đoàn Văn Vươn là một người lương thiện được người dân địa phương quý mến, vậy lý do gì khiến anh ta phải có hành vi tiêu cực như vậy. Điều này cần khẩn trương làm rõ.
Thứ hai, tại sao sự việc lại để kéo dài nhiều năm, tại sao có sai sót mà không quản lý được, phải chăng chính quyền địa phương có sự buông lỏng quản lý. Gần hai chục hec-ta chứ đâu phải nhỏ như chiếc chén.
Mặt khác, việc cơ quan công an tiến hành cưỡng chế mà không có sự kết hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để nảy sinh phức tạp cũng là một thiếu sót. Nếu mình làm được tốt thì những hành vi chống trả lực lượng chức năng đã không xảy ra”, Đại tướng Lê Đức Anh nói.
Vụ việc cưỡng chế đất đai đối với ông Đoàn Văn Vươn thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận cả nước. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu Chủ tịch UBND TP Hải Phòng kiểm tra làm rõ đúng, sai, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong việc giao đất, sử dụng đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Đoàn Văn Vươn; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trong khi sự việc đang trong quá trình giải quyết thì dư luận lại được nghe những phát biểu ông Đỗ Trung Thoại - Phó Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng tại cuộc giao ban báo chí sáng 17/1, khẳng định việc ngôi nhà ông Đoàn Văn Vươn bị phá là do nhân dân bất bình với việc làm của ông Vươn chứ không phải do lực lượng cưỡng chế làm.
Phát biểu này của ông Thoại hoàn toàn trái ngược với những gì mà Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng đã nói trước đó vào ngày 12/1: Việc lực lượng chức năng phá nhà ông Vươn là do các đối tượng cố thủ trong đó.
Nói về ý kiến của ông Thoại, Đại tướng Lê Đức Anh nhận định: “Bảo dân làm việc đó là không có. Dân đâu có quyền, mà dân không bao giờ làm được”.
Ngoài ra, vị Phó Chủ tịch TP Hải Phòng còn nói rằng: “Đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia trong quy định của Luật đất đai không phải đất sản xuất nông nghiệp để giao ổn định trong 20 năm. Vì thế, giao bao nhiêu năm là do địa phương và người thuê đất thỏa thuận với nhau”.
Về vấn đề này, GS.Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nêu rõ quan điểm: “Nói và làm phải căn cứ trên pháp luật chứ đừng nói không có căn cứ pháp luật, tại sao một cán bộ ở tầm của Phó Chủ tịch thành phố Hải Phòng mà lại nói thiếu căn cứ như vậy? Cần phải hỏi lại cho rõ là lãnh đạo của Hải Phòng nói như vậy là căn cứ vào điều luật cụ thể nào, hay là anh tự nghĩ ra?”.
Cũng theo GS.Đặng Hùng Võ, đối với đất của ông Đoàn Văn Vươn chỉ thu hồi với 5 trường hợp: Thứ nhất là thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, pháp triển kinh tế (theo dự án đầu tư…); Thứ hai là người sử dụng đất cố ý hủy hoại đất; Thứ ba là cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế; Thứ tư là người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất; Thứ năm là đất được giao nhưng sau từ 12 đến 24 tháng không đưa vào sử dụng (số lượng tháng tùy theo từng loại đất), không có trường hợp thu hồi do hết hạn. Đây là quy định tại Khoản 1 Điều 34 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai.
GS.Đặng Hùng Võ khẳng định: “Điều quan trọng nhất là pháp luật đất đai của ta chưa bao giờ cho phép cấp huyện được tự quy định về thời hạn và hạn mức diện tích sử dụng đất. Thẩm quyền quan trọng này thuộc Quốc hội và Chính phủ. Thời hạn và hạn điền đối với đất nông nghiệp là những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, sẽ được xem xét và quyết định cụ thể trước ngày 15/10/2013.
Đối với trường hợp của anh Đoàn Văn Vươn, anh Vươn đang còn sống, không tự nguyện trả lại đất, không có hành vi hủy hoại đất, đang sử dụng đất có hiệu quả từ năm 1993 và 1997 tới nay; Vậy Nhà nước chỉ thu hồi khi đất đó phải chuyển mục đích sử dụng theo quy hoạch vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quốc phòng, an ninh hay có dự án phát triển kinh tế thuộc diện được áp dụng cơ chế Nhà nước thu hồi đất, trường hợp này phải được thể hiện trong quy hoạch, có dự án được UBND thành phố chấp thuận và có chủ trương thu hồi đất”.
GS. Đặng Hùng Võ nhận định, chính quyền huyện Tiên Lãng đã sai lầm một cách có hệ thống về việc cấp đất, thu hồi đất, hủy hoại nhà của dân bên ngoài khu vực cưỡng chế. Cán bộ địa phương không thực thi đúng pháp luật, thậm chí không hiểu rõ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trường hợp anh Đoàn Văn Vươn là người sử dụng đất đã có công sức khai phá đất hoang hóa, đất bãi bồi thì việc thu hồi đất phải tính toán cẩn thận, vì Nhà nước không lấy không công sức của nông dân đã bỏ ra nhiều năm cải tạo.
Theo Giáo dục Việt Nam
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp
Vĩnh Phúc nỗ lực 'xanh' hoá để phát triển bền vững
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển