Đại tướng Ngô Xuân Lịch: "Làm kinh tế là nhiệm vụ chiến lược của quân đội"
Sáng 12/7, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - kiểm tra và làm việc tại Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn. Buổi làm việc còn có sự tham dự của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Phát biểu tại đây, Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết, Thường vụ Quân ủy Trung ương rất quan tâm đến hoạt động kinh tế quốc phòng. Theo ông, quân đội làm kinh tế là chủ trương nhất quán của Thường vụ Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng. Thời gian tới sẽ tiến hành sắp xếp lại hoạt động kinh tế trong lực lượng vũ trang.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh rằng sản xuất kinh tế kết hợp nhiệm vụ quốc phòng là chức năng, chiến lược lâu dài của quân đội. Việc này góp phần củng cố kinh tế quốc phòng, nâng cao tiềm lực công nghiệp quốc phòng. Quân đội tham gia làm kinh tế cũng góp phần hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế đất nước thông qua hoạt động hợp tác kinh tế với bên ngoài.
“Thực tế 70 năm qua cho thấy, tham gia kinh tế là chức năng cơ bản, thể hiện truyền thống của quân đội. Quân đội luôn thực hiện tốt chức năng đội quân sản xuất, thu nhiều kết quả quan trọng”, Đại tướng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho rằng, những năm gần đây quân đội tham gia tốt trong công tác xóa đói giảm nghèo. 23 khu kinh tế quốc phòng hiện nay với hàng triệu hecta đã tạo điều kiện cho hàng nghìn hộ dân cư sinh sống ổn định. Điều này cũng tạo thế trận chiến lược từ Bắc vào Nam. Nhiều đơn vị kinh tế quốc phòng bố trí trên địa bàn trọng yếu có ý nghĩa hết sức quan trọng.
“Có những vùng khó khăn chỉ có quân đội mới đứng chân làm được. Trong sự nghiệp phát triển kinh tế, doanh nghiệp quân đội không ngừng đổi mới, sáng tạo, chiếm thị trường trong nước, nước ngoài và trở thành đối tác kinh tế uy tín. Như vậy, có thể thấy nhiệm vụ làm kinh tế đã, đang và sẽ là nhiệm vụ chiến lược của quân đội”, đại tướng Lịch nói.
Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch lưu ý trong toàn quân, sản xuất kinh tế phải chấp hành nghiêm pháp luật Nhà nước và quân đội. Đơn vị kinh tế quân đội phải gắn bó với nhân dân, chính quyền địa phương nơi đơn vị đứng chân để tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân.
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch, thời gian tới, Bộ Quốc phòng sẽ tham mưu làm tốt phát triển kinh tế gắn với nhiệm vụ quốc phòng, đặc biệt ở vùng chiến lược. Mục tiêu là nâng cao hiệu quả kinh tế quốc phòng, xây dựng thế trận lòng dân với an ninh vững chắc.
Bên cạnh đó, ông Lịch cũng cho biết quân đội sẽ sắp xếp lại cơ cấu doanh nghiệp sau khi đề án được Thủ tướng Chính phủ thông qua.
“Quân đội nhất quán là kiên quyết thoái vốn, cổ phần hóa, thậm chí giải thể các hoạt động kinh tế thuần túy. Sắp xếp doanh nghiệp cho phù hợp với việc phát triển kinh tế quốc phòng gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”, Đại tướng Lịch nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nếu như trước đây quân đội có 300 doanh nghiệp thì rút còn 88. Và trong đề án sắp tới chỉ rút còn 17 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch cho biết đã yêu cầu bàn giao đất quốc phòng chưa sử dụng cho các địa phương để phục vụ phát triển kinh tế. Đồng thời, quân đội sẽ kiên quyết xử lý nghiêm sai phạm trong sử dụng đất quốc phòng, tham gia kinh tế của các tổ chức, cá nhân vi phạm.
“Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều văn bản và xử lý nhiều cá nhân vi phạm.
Chúng tôi sẽ rà soát, kiểm tra, thanh tra những cá nhân, doanh nghiệp không làm tốt. Để làm sao doanh nghiệp quân đội làm kinh tế phải là tấm gương cho đơn vị bên ngoài noi theo. Để các cấp, các ngành, nhân dân tin tưởng việc làm của quân đội là đúng đắn, vì đất nước, nhân dân. Giữ hình ảnh bộ đội Cụ Hồ trong chiến đấu và làm kinh tế”, Đại tướng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, thời gian qua quân đội đã bàn giao nhiều đất quốc phòng cho các địa phương trên cả nước phát triển kinh tế. Bộ luôn tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương, trừ những vị trí trọng yếu liên quan đến thế trận phòng thủ.
End of content
Không có tin nào tiếp theo