Đại tướng Võ Nguyên Giáp với một chữ… “Nhẫn”
Nói về chữ Nhẫn của vị tướng huyền thoại, người ta hay nói về phương cách ứng xử của ông. Nên hiểu chữ Nhẫn như thế nào cho đúng với tầm vóc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là điều hết sức quan trọng, vì chữ Nhẫn có thể nói về sự kiên nhẫn, sự nhẫn nhịn, thậm chí là sự nhẫn nhục...
Nhà sử học Dương Trung Quốc bình luận rằng, chữ Nhẫn ở Đại tướng Võ Nguyên Giáp là sự trải nghiệm, nhìn thấy tính tất yếu của lịch sử để tạo được sự bình thản trước nhiều thách đố trong thực tiễn đời sống.
Thách thức trong chiến tranh cách mạng có thể vượt qua rất nhanh, nhưng thách thức trong đời thường thì lại là điều không dễ vượt qua, chính vì thế mà chúng ta thấy phẩm chất của ông càng sáng tỏ, càng thuyết phục . Ông là người có niềm tin tuyệt đối vào những điều đúng đắn, tin vào lẽ phải, vào sự nghiệp mà ông đã lựa chọn.
Còn với giới trẻ ngày nay thì sao? Chữ Nhẫn đúng nghĩa chính là sự kiên trì, là lòng tin vào lẽ phải. Mà điều này có thể nhìn thấy từ bài học lịch sử trong những ngày đầu tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Khi chúng ta đã hết sức nỗ lực để gìn giữ hòa bình không được thì quyết tâm bước vào cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thị sát tình hình và có vấn đề đặt ra là nếu phải nổ súng thì chúng ta giữ được Thủ đô Hà Nội bao lâu?
Lúc ấy, Bác hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp và các tướng lĩnh: Liệu có giữ được hai tuần không? Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ấy đang là Tổng chỉ huy các lực lượng quân đội quốc gia và dân quân tự vệ, trả lời: Sẽ quyết tâm giữ được 1 tháng.
Ngay lúc ấy, Bác Hồ có nói một câu rất hay: Quyết tâm chưa đủ, mà phải là tín tâm, tức là phải có niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng. Với tín tâm như vậy, vị Đại tướng anh hùng cùng với quân và dân Hà Nội đã giữ được Thủ đô suốt 2 tháng trời trước sự tấn công tàn bạo của kẻ thù, để có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ.
Một vị tướng uy danh đã tạo nên những chiến thắng vang dội chấn động địa cầu, nhưng trong con mắt của hàng triệu chiến sĩ, nhân dân và cả các sử gia... Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng thật bình dị. Ông có một tuổi thơ hồn nhiên, đáng yêu, như nhiều đứa trẻ khác ở khắp các làng quê Việt Nam.
Trong một cuốn sách nói về Đại tướng của chúng ta, Giáo sư sử học người Mỹ Cecil B. Currey đã viết: Cũng như bọn trẻ tinh nghịch trong làng, cậu bé Giáp rất ham chơi, đi chân đất chạy khắp làng để đánh đáo, đánh bi, chơi quay, đánh lộn nhau, đi theo đàn ngỗng, đàn vịt rồi lấy sỏi ném vào chúng cho chúng chạy tán loạn rồi reo ầm lên và cười ngặt nghẽo… Tuy đã già nhưng mỗi khi nhắc lại những ngày đầu đến trường, ông hạ giọng nhẹ nhàng nói: “Đó là lần đầu tiên xa mẹ, cả hai mẹ con đều khóc".
Đại tướng luôn nói rằng, người mẹ chịu thương chịu khó luôn có ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp, đến cuộc đời của ông. Đại tướng luôn thể hiện tính nhân văn trong từng ứng xử của mình. Một người đã luôn phải đối diện với những thách thức của chiến tranh, giữa chết chóc và đổ vỡ, nhưng vẫn luôn lạc quan hướng đến tương lai, ông truyền cảm hứng không chỉ cho quân và dân ta mà còn mở rộng tấm lòng với cả những người ở phía đối địch với mình.
Vì thế mà một Thượng nghị sĩ Mỹ đã viết trong hồi ức của mình rằng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người vô cùng tinh tế. Khi nói chuyện với người Mỹ, ông không dùng từ “thất bại” mà là “sai lầm” trong cuộc chiến tại Việt Nam. Bởi nếu là “sai lầm” thì còn có thể sửa chữa được.
Nhà sử học Dương Trung Quốc kể rằng, có lần con trai của cố Tổng thống Mỹ Kennedy sang Việt Nam và xin gặp Đại tướng. Chàng trai này khi đó 38 tuổi còn Đại tướng đã 88 tuổi. Anh ta muốn tìm hiểu về miền đất đã để lại những hệ lụy cho lịch sử Mỹ, trong đó có ông bố của mình. Anh ta đã hỏi Đại tướng một câu: Ông nghĩ gì về ông bố của tôi?
Đại tướng đã trả lời rất chân thực với các giá trị lịch sử, nhưng đồng thời cũng truyền vào đó những điều lạc quan hơn, tốt đẹp hơn: “Ông Kennedy là người đã để cho cuộc chiến tranh của Mỹ lún sâu ở Việt Nam. Tôi cảm thấy rằng, lúc ông bắt đầu thấy mình sai lầm thì rất tiếc là ông bị ám sát”. Lúc ấy, người con trai của Kennedy hình như cũng cảm thấy nhẹ lòng.
Và điều quan trọng hơn, Đại tướng đã nói: “Các bạn còn trẻ, những người trẻ Việt Nam và những người trẻ của Mỹ chỉ biết đến một cuộc chiến tranh rất khác biệt giữa hai quốc gia chúng ta. Đại tướng chỉ vào bức ảnh mà ông chụp chung với Bác Hồ và nói: Bức ảnh kia là do những người Mỹ chụp cho chúng tôi. Trách nhiệm của các bạn là từ bài học chiến tranh phải tìm ra được bài học hòa bình. Tương lai của đất nước phụ thuộc vào các bạn. Các bạn trẻ Việt Nam và Mỹ phải viết tiếp những trang sử hòa bình, hợp tác, cùng phát triển”.
Điều đó cho thấy, Đại tướng luôn nhìn vào quá khứ bằng đôi mắt của tương lai, từ bi kịch của quá khứ nhưng luôn hướng đến sự lạc quan. Bởi thế mà ngày hôm nay, khi đã về với đất mẹ Quảng Bình, Đại tướng vẫn luôn là thần tượng của giới trẻ. Họ học được ở ông bài học nhận thức về lẽ sống, về con người. Khi đã đạt đến đỉnh cao của vinh quang, ông cũng không bao giờ quên những người đồng đội, đồng chí của mình.
Cả dân tộc Việt Nam, hôm nay và mãi mãi sau này không bao giờ quên ông – vị Đại tướng trong lòng dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc