Đắk Nông: Bể bơi hơn 700 triệu đồng bỏ không 4 năm, phụ huynh bức xúc
Công trình hồ tập bơi cho trẻ em và học sinh do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông) làm chủ đầu tư. Công trình có tổng mức đầu tư trên 730 triệu đồng từ nguồn vốn xã hội hóa và ngân sách của huyện này.
Qua tìm hiểu, công trình khởi công ngày 15/7/2014 và hoàn thành ngày 15/9/2014, với hai hạng mục chính là hồ tập bơi và hệ thống phòng tắm, thay đồ. Cụ thể, hồ tập bơi có chiều dài khoảng 12m, rộng 6m và sâu 1,5m. Hai phòng thay đồ cạnh hồ bơi có tổng diện tích khoảng 10m2.
Tuy nhiên, hồ bơi lại không có đường ống cấp, thoát nước và hệ thống lọc, xử lý nước, do đó, chỉ đưa vào sử dụng được một thời gian ngắn, nước trong bể bơi dơ bẩn nhưng không thay thế được.
Theo phản ánh của người dân trên địa bàn, sau khi hoàn thành, công trình hồ tập bơi hầu như không được khai thác, sử dụng như kỳ vọng. Hiện nay, công trình đã biểu hiện xuống cấp. Bể bơi không có nước và nhếch nhác, rác thải từ nhiều nơi đổ về, trong khi đó nhà thay quần áo cỏ mọc um tùm, nhiều thiết bị đã xuống cấp.
Ông Nguyễn Văn Dương (xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức) cho biết, mấy năm trước nghe tin huyện được đầu tư xây dựng hồ bơi, phụ huynh vui mừng lắm, cho rằng việc xây dựng hồ bơi rất cần thiết, sẽ hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em, rèn luyện thể chất cho các cháu. Thế nhưng, từ khi xây dựng đến nay, hồ bơi này hầu như “nằm bất động”. Đặc biệt, vào ngày hè, nhiều phụ huynh cũng có nhu cầu cho các cháu học sinh tập bơi nhưng bể bơi lại không hoạt động. Đã nhiều lần ông Dương đưa con lên rồi lại phải về vì bể bơi đầy rác và cũng không có nước trong bể.
Trước tình trạng nhiều học sinh trên địa bàn gặp tai nạn đuối nước, bà Phạm Thị Dung (xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức) có ba con đang là học sinh trong huyện nên có nhu cầu cho con đi học bơi. Tuy nhiên, bà Dung ngán ngẩm trước tình trạng hồ bơi của huyện chỉ để ngắm vì không bơm nước vào, các cháu nhỏ phải ra ao, hồ để tập bơi.
“Cứ vào mùa hè, các cháu lại rủ nhau đi tắm ao, tắm hồ. Nhiều gia đình lo lắng nên cũng muốn tìm cho con cái một nơi tập bơi cho an toàn, thế mà cả huyện được một cái hồ bơi to đẹp, nhưng lại bỏ không mấy năm nay”, bà Dung cho hay.
Theo ông Phan Xuân Thạch, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy Đức (đơn vị quản lý, khai thác công trình), sở dĩ công trình không phát huy hiệu quả là do không được đầu tư đồng bộ, thiếu nguồn nước cung cấp. Ngoài ra, đơn vị quản lý cũng không được cấp kinh phí để thuê huấn luyện viên dạy bơi và duy trì các hoạt động.
Cũng theo ông Thạch, chỉ có duy nhất năm 2017, công trình này hoạt động được khoảng hơn 1 tháng. Thời điểm đó, Phòng Văn hóa - Thông tin tự bỏ kinh phí từ nguồn ngân sách chi thường xuyên để mở 3 lớp dạy bơi, với khoảng 60 học sinh trên địa bàn xã Đắk Búk So. Thế nhưng, do nguồn nước cung cấp cho bể bơi được bơm từ giếng ăn của đơn vị, nên rất bất tiện, nhanh nhiễm bẩn.
"Để có đủ nước cho bể bơi hoạt động thì phải bơm liên tục 3 ngày. Sau khoảng 1 tuần sử dụng, nước trong bể bơi bị nhiễm bẩn, nhưng lại không có đường thoát nước để vệ sinh. Như vậy thì làm sao mà hoạt động cho được", ông Thạch thông tin.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Xuân Đan, Trưởng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tuy Đức, do công trình xây dựng tại vị trí không thuận lợi và không có kinh phí vận hành nên thời gian qua học sinh trên địa bàn vẫn chưa sử dụng được. Trong năm học mới, Phòng sẽ kiến nghị với UBND huyện vận hành lại hồ bơi, đồng thời lập thời khóa biểu để học sinh hai cấp THCS và Tiểu học được học bơi tại đây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất