Đắk Nông: Đầu tư 10 tỷ đồng để xây dựng 20 hồ bơi trong trường học
1 tháng, 8 học sinh tử vong do đuối nước
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, từ đầu năm 2018 đến nay, trung bình mỗi tháng đều có 1 vụ đuối nước liên quan đến trẻ em. Hậu quả khiến 12 trẻ có độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi tử vong. Chỉ tính riêng từ cuối tháng 4/2018 đến cuối tháng 5/2018, đã xảy ra 3 vụ tai nạn đuối nước, khiến 10 em thương vong, tất cả trong số này đều là học sinh từ cấp 1, cấp 2.
Mới đây nhất, sáng ngày 28/5, trên địa bàn thôn 1A, xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long đã xảy vụ đuối nước khiến hai anh em ruột là Huỳnh Lê Ng. (SN 2010) và Huỳnh Phúc T. (SN 2013) tử vong.
Theo anh Huỳnh Công Mẫn, bố của hai nạn nhân, sáng cùng ngày anh đi trồng chanh dây thuê nên để hai cháu ở nhà với bà nội. Đến khoảng 9h30 sáng, bà nội có việc riêng, nên dặn hai cháu ở nhà chơi với các bạn trong xóm. Tuy nhiên, trong lúc chơi đùa, hai anh em có rủ nhau ra hồ nước trước nhà chơi, do bất cẩn nên hai anh em bị trượt chân, ngã xuống hồ và bị đuối nước.
Mặc dù đã được người dân xung quanh phát hiện, cứu vớt lên nhưng cả hai không biết bơi và bị chìm dưới nước quá lâu nên hai cháu đã tử vong.
Trước đó, một vụ đuối nước thương tâm khác cũng xảy ra tại xã Đắk Buk So (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) khiến 4 học sinh thiệt mạng, 2 em khác nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Vào khoảng 14h ngày 9/5, do được nghỉ học nên 6 học sinh Trường THCS Đắk Buk So bao gồm 5 học sinh lớp 9E và 1 học sinh lớp 8E rủ nhau đi chơi tại hồ thôn 1, xã Đắk Buk So. Bất ngờ, một em trong nhóm trượt chân rơi xuống hồ, những em còn lại chạy tới tìm cách kéo bạn lên khiến tất cả đều rơi xuống nước.
Vụ việc được một người dân phát hiện, sau đó người dân cùng lực lượng chức năng tìm cách vớt các em lên. Sau khi tìm kiếm, đến khoảng 15h cùng ngày, 6 học sinh được đưa lên Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức cấp cứu nhưng 4 em đã tử vong. Còn hai em nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Ngay sau sự việc này, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông trực tiếp đến thăm hỏi, động viên gia đình 4 em học sinh thiệt mạng, đồng thời gửi vòng hoa chia buồn, hỗ trợ gia đình các nạn nhân. Theo thông tin từ Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, hiện đơn vị này cũng đã đề nghị Bộ GD-ĐT có hình thức khen thưởng một số học sinh trong vụ đuối nước trên vì hành động “quên mình cứu bạn”.
Bố trí 10 tỷ đồng để xây dựng bể bơi trường học
Theo thống kê của Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông, từ năm 2015 đến đầu 5/2018, toàn tỉnh có 128 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích, trong đó trên 76% là tai nạn đuối nước. Tình trạng này cho thấy, tai nạn đuối nước ở trẻ em vẫn là vấn đề nhức nhối tại địa phương này.
Tỉnh Đắk Nông có địa hình phức tạp, nhiều sông, suối, ao, hồ tự nhiên sâu nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em, học sinh. Trong khi đó, tình trạng trẻ em tự ý đi tắm khi không có người lớn giám sát còn diễn ra ở nhiều nơi. Đây chính là nguy cơ xảy ra các vụ trẻ em bị tai nạn đuối nước dẫn đến tử vong trong thời gian qua.
Qua ghi nhận ở một số nơi thì không chỉ tắm vào giờ trưa, cuối giờ chiều mà nhiều nơi các em còn tranh thủ trên đường đi học rủ nhau xuống khe suối, hồ thủy lợi, thậm chí dòng sông lớn để tắm. Đây là những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, đe dọa tính mạng của các em.
Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, công tác phòng chống đuối nước ở trẻ em trên địa bàn tỉnh hiện gặp nhiều khó khăn. Mặc dù tỉnh Đắk Nông liên tục có chỉ đạo về việc phòng chống tai nạn thương tích (trong đó có đuối nước) nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Một số địa phương hiện vẫn chưa có các sân vui chơi giải trí cho trẻ em, sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, địa phương còn lỏng lẻo nên ngoài các giờ học hoặc các dịp hè các cháu thường rủ nhau đi tắm ở các ao, hồ nếu không có người lớn giám sát thì rất dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc.
Cũng theo bà Hạnh, ngày 29/5 UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức họp bàn về việc giải ngân vốn dự án xây dựng bể bơi trong trường học. Theo đó, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng địa phương sẽ bố trí khoảng 10 tỷ đồng từ vốn trung hạn để xây dựng khoảng 20 bể bơi tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Theo đề àn này, đến năm 2020, các trường phải xây hồ, dạy bơi và các kỹ năng thoát hiểm khi bị đuối nước cho học sinh.
Về chủ trương đưa môn bơi lội vào trường học, theo Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông: “Giáo dục bơi cho học sinh không đơn thuần là dạy một môn thể dục mà còn trang bị những kỹ năng cần thiết để tồn tại trong môi trường nước. Dạy bơi cho học sinh ngay từ bậc tiểu học là biện pháp hữu hiệu nhất để phòng, chống đuối nước. Vấn đề giáo dục bơi cho học sinh trong trường tiểu học là một phần trách nhiệm của nhà trường và cần đặt ra một cách nghiêm túc. Chủ trương này cũng nhận được sự đồng thuận cao từ các cấp địa phương, phụ huynh học sinh và nhà trường”.
Trẻ em liều mình vui đùa trên sông dữ Từ khi cầu treo Ðức Xuyên bắc qua sông Krông Nô được đưa vào sử dụng, nhiều trẻ em ở địa bàn giáp ranh 2 xã Ea R’bin, huyện Lắk (Ðắk Lắk) và Ðức Xuyên, huyện Krông Nô (Ðắk Nông) đã đến đây để nhảy cầu tắm sông.
Theo người dân địa phương, cứ vào buổi chiều từ 13 đến 16 giờ, nhiều em học sinh lại tụ tập theo nhóm từ 5-10 người nhảy giữa sông tắm. Chỉ cần một em nhảy khởi đầu là những em còn lại thi nhau nhảy theo mà không cần thiết bị bảo hộ và không hề có sự giám sát của người lớn. Ngoài nhảy từ cây cầu treo, một số em khác còn xuống dưới sông để tắm, cổ vũ các bạn ở trên nhảy cầu, trong đó có em còn rất nhỏ tuổi. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc