Đảm bảo hòa bình cho biển Đông
Thông tin này được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng loan báo trong họp báo cùng ngày ngay sau cuộc họp nội các chung. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết hai bên đã nhấn mạnh cần quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, bảo đảm môi trường, lợi ích ngư dân của các nước ven sông, nhất là các nước hạ nguồn.
Một loạt văn kiện đã được ký kết vào ngày 27-10. Đó là tuyên bố chung về cuộc họp nội các chung Việt Nam - Thái Lan lần thứ hai; tuyên bố chung về tầm nhìn an ninh Việt Nam - Thái Lan giai đoạn 2012-2016 và thỏa thuận thành lập hội đồng doanh nghiệp Việt Nam - Thái Lan. |
Về biển Đông, Thủ tướng cũng cho biết trước những diễn biến gần đây, hai bên đã nhấn mạnh cần đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải trên biển Đông, cần giải quyết hòa bình tranh chấp theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ tuyên bố chung sáu điểm của ASEAN về biển Đông, sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Thủ tướng cũng bày tỏ tin tưởng Thái Lan với vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Trung Quốc (2012-2015) sẽ góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Trung Quốc vì hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực.
Kể từ cuộc họp nội các chung lần 1-2004, cuộc họp lần này thể hiện quyết tâm chung của cả hai bên trong việc tăng cường phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị. Hai chính phủ nhất trí phấn đấu nâng quan hệ hai nước trong thời gian tới lên tầm đối tác chiến lược.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho biết cuộc họp đã đề ra định hướng trong việc phát triển quan hệ hai nước trên nhiều lĩnh vực. Về chính trị - an ninh - quốc phòng, hai bên khẳng định không cho phép cá nhân hoặc lực lượng xấu tiến hành các hoạt động trên nước này để chống lại nước kia, mở rộng và tăng cường hợp tác chống lại các loại tội phạm xuyên quốc gia, hợp tác chống khủng bố trên bình diện song phương cũng như đa phương.
Về kinh tế, hai nước cũng nhất trí nâng cao thương mại hai chiều lên 20% mỗi năm và đạt 18 tỉ USD vào năm 2015. Kim ngạch thương mại Việt - Thái năm 2011 đạt xấp xỉ 8,17 tỉ USD. Thái Lan hiện có 292 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6 tỉ USD, đứng thứ 10 trong tổng số 96 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra cho rằng đây là cơ hội để Thái Lan tăng cường sự hợp tác về lúa gạo và cao su với Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh Việt Nam và Thái Lan sẽ tăng cường hợp tác trong xuất khẩu gạo, phối hợp giải quyết các vấn đề ngư dân, tàu cá của mỗi nước. Việc kết nối giữa hai nước sẽ được đẩy mạnh thông qua việc khai thác đường bay mới giữa các địa phương.
Đặc biệt, hai bên đã trao đổi về hợp tác trong khuôn khổ khu vực và quốc tế, nỗ lực xây dựng một ASEAN đoàn kết, vững mạnh, hướng tới Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển khu vực.
Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao