Quốc tế

Đàm phán Anh – EU: Cuộc ngã giá, mặc cả và gây sức ép

(DNVN) - Hội nghị thượng đỉnh châu Âu (ngày 18-19/2) được coi là một trong những cơ hội cuối cùng để quyết định vấn đề “đi hay ở” của Anh trong Liên minh châu Âu (EU).

Ngay khi tới Brussels, Thủ tướng Anh David Cameron nói sẽ “chiến đấu vì nước Anh. Nếu có một thỏa thuận tốt, tôi sẽ chấp nhận, và từ chối nếu thỏa thuận đó không đáp ứng được đòi hỏi của người dân Anh”. Tuyên bố này gói gọn tinh thần của các động thái dền dứ giữa Anh và EU trong suốt thời gian qua.

Theo thông tin từ Brussels và London, để tránh khỏi việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), các quan chức châu Âu đã đồng ý trên nguyên tắc 2 đòi hỏi rất quan trọng với London là: một, London có quyền can thiệp vào các quyết định của Khối đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và hai, London có quyền giảm 4 năm trợ cấp xã hội cho những gia đình nhập cư, tránh việc lạm dụng chính sách trên. Bên cạnh đó, London cũng đòi hỏi Nghị viện các nước vẫn giữ được quyền tự chủ trước Nghị viện châu Âu.

Thủ tướng Anh David Cameron đã có những tuyên bố khá cứng rắn.

 Trên bề nổi, ông Cameron muốn khẳng định khả năng đàm phán một cách cứng rắn với các quan chức Brussels. Sâu xa hơn, ông Cameron muốn tăng cường vị thế của Anh trong EU và chứng minh, EU cần Anh hơn là ngược lại.

Mục tiêu cuối cùng là gửi thông điệp rằng ông đã có những biện pháp mạnh hơn với EU, song vẫn cố gắng thuyết phục các đảng phái cũng như người dân rằng Anh nên ở lại EU bởi điều này đem lại lợi ích quốc gia. Phương cách của ông Cameron có thể phát huy tác dụng vào thời điểm này.

Hiện, EU chưa hết tổn thương vì nguy cơ hiệp ước quy định đi lại tự do Schengen tan rã do cuộc khủng hoảng di cư, biểu tượng của sự đoàn kết và hợp tác khối. Tờ The Guardian đánh giá cuộc thương lượng này đến vào thời điểm không thể tồi tệ hơn cho EU.

Nền kinh tế chậm chạp do ảnh hưởng bởi biến động toàn cầu kết hợp với cuộc khủng hoảng di cư khiến EU không mong muốn bất cứ trận phong ba nào nữa. Vấn đề của Anh là một trong số đó.

Những quan ngại về tình hình địa chính trị cũng ảnh hưởng tới nhiều quốc gia. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng thúc giục EU đoàn kết và thống nhất để đối phó với các thách thức. “Rõ ràng, Mỹ luôn quan tâm đến thành công của châu Âu, cũng như việc Vương quốc Anh ở lại một EU vững mạnh” - theo ông Kerry.

 

Về phía châu Âu, điều khiến một bộ phận chính trị gia phẫn nộ là dường như Brussels đang nhượng bộ quá nhiều và chấp nhận những đòi hỏi cải cách có phần “thái quá” của London, rằng Brussels đang dần trở thành con tin của London. Nếu một thỏa thuận đạt được tại Brussels, Thủ tướng Cameron sẽ tiếp tục tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này trong tháng 6 tới.

Nếu không đạt được, Lãnh đạo Đảng Bảo thủ sẽ đối diện với những thách thức khó lòng vượt qua. Bởi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý khá rủi ro. Thực tế, các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ủng hộ và phản đối Anh rời khỏi EU trong dân chúng London khá tương đương và sít sao.

Một số thành phần ở Anh duy trì thành kiến về sự đa văn hóa mà dòng người nhập cư đã mang đến nước này. Người dân cũng tỏ ra ngại ngần khi phải từ bỏ chủ quyền quốc gia của mình để hòa nhập với EU.

Trong bối cảnh EU đang lún sâu vào cuộc khủng hoảng di cư, mặc cả và gây sức ép đã đủ. Một thỏa thuận đạt được càng sớm càng tốt sẽ giúp cả Anh và EU tránh được khỏi những cú sốc sắp tới.

Nên đọc
Thu Phương (Theo The Guardian)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo