Tin tức - Sự kiện

Dân Bình Dương chạy lũ trong đêm: Có hay không hồ xả lũ gây ngập lụt?

Những ngày qua, tại Bình Dương đã xảy ra cuộc tranh cãi xung quanh lũ đột ngột dâng cao 2-3 mét nhấn chìm 600 hộ dân khiến hàng trăm người tháo chạy tránh lũ trong đêm tại thị trấn Mỹ Phước, huyện Bến Cát. Lũ kéo đến quá bất ngờ, có dư luận cho rằng đập Từ Vân xả lũ là nguyên nhân gây ngập. Tuy nhiên, một số cơ quan chức năng cho rằng không có chuyện xả lũ hồ Từ Vân gây lũ tại Bến Cát. Đâu là sự thật và nguyên nhân của vấn đề, phóng viên đã gặp các bên để hiểu rõ về vụ việc trên.

Bà Nguyễn Thị Hường- KP9, phường Phú Thọ- TP. Thủ Dầu Một lo vườn hoa mai phục vụ tết ngập sâu có nguy cơ mất trắng.

Có xả nước nhiều giờ trước khi có lũ?

 
Chiều 21.10, tại buổi trả lời phỏng vấn, ông Hồ Văn Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty cấp thoát nước Bình Dương (đơn vị quản lý hồ Từ Vân) thừa nhận có mở cửa xả nước hồ Từ Vân từ 19 giờ ngày 18.10 đến 0 giờ rạng sáng hôm sau (lưu lượng xả từ 5-15m3/s). “Tối đó tôi đã xuống hồ xem tình hình. Phải mở cửa xả vì nước trong hồ tràn vào nhà cửa của dân sống gần hồ. Từ 21 giờ đến 0 giờ sáng hôm sau tổng cộng hồ Từ Vân chỉ xả khoảng 180.000m3, rất ít so với lượng mưa vì vậy đây không phải là nguyên nhân chính gây ngập lũ cho huyện Bến Cát” – ông Thông khẳng định.
 
Ông Thông cho biết hồ Từ Vân 1 (nằm trên địa bàn xã Lai Uyên, huyện Bến Cát, Bình Dương), có diện tích 9,27km2, dung tích nước 290.000m3. Hồ Từ Vân 2 có diện tích 1,2km2, dung tích nước 233.000m3. Theo thiết kế, hồ Từ Vân 1 có xây dựng đập xả tràn với dung lượng 0,9m3/s và Từ Vân 2 là 3,2m3/s. Từ tháng 6.2013, Công ty đưa vào vận hành 2 đập xả tràn mới, tương ứng đập Từ Vân 1 là 87m3/s và Từ Vân 2 là 83,9m3/s.
 
Còn ông Phan Văn Chức, Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Bình Dương cho rằng nguyên nhân chính khiến thị trấn Mỹ Phước rơi vào trận ngập lịch sử vào đêm 18 rạng sáng 19.10 là do mưa lớn lại kéo dài hiếm thấy ở khu vực này và ở khu vực thượng nguồn như huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước). Mưa kéo dài từ chiều đến rạng sáng với lưu lượng khoảng 80mm ở Bến Cát và 120mm ở Chơn Thành.
 
“Khu vực bị ngập tại thị trấn Mỹ Phước là khu vực thấp, nước mưa đổ dồn về lớn trong khi thoát nước chậm nên đó là nguyên nhân xảy ra ngập” – ông Chức nêu ý kiến.
 
Dân “quay cuồng” vì triều cường
 
Trong khi đó, từ nhiều ngày nay, người dân sống ven sông Sài Gòn thuộc các phường Phú Thọ, Chánh Nghĩa của TP.Thủ Dầu Nột – Bình Dương đã đảo lộn sinh hoạt cuộc sống khốn đốn vì triều cường đạt đỉnh xâm thực mạnh vào khu dân cư. Ngày 21.10, do triều cường gây ngập sâu gần nửa mét nên người dân khu phố 9, phường Phú Thọ vô cùng cực nhọc phải cõng con đi học vượt nước triều cường; trong đó có những nhà nước tràn vào ngập cả giường ngủ nên không thể sống được phải đóng cửa nhà di tản.
 
Bà Lê Thị Nga, ngụ khu phố 9, phường Phú Thọ - TP. Thủ Dầu Một cho biết: Nước ngập còn bao vây tứ bề khiến cuộc sống người dân càng thêm khó khăn không biết xoay xở như thế nào nên chỉ còn cách sống chung với ngập lụt.
 
Bà Nguyễn Thị Hường năm nay ngoài 70 tuổi, ngụ tại khu phố 9, phường Phú Thọ- TP. Thủ Dầu Một đã nhiều ngày vất vả để chống chọi với triều cường. Đồ đạc trong nhà của bà Hường như tủ, giường, bàn ghế gỗ đều bị ngập sâu trong nước nhiều ngày có nguy cơ hư hỏng. Vườn hoa mai phục vụ tết cũng ngập sâu có nguy cơ mất trắng.
 
Vất vả nhất cho những gia đình có con nhỏ, như chị Phạm Thị Lan Anh có 2 con nhỏ đi học nên hằng ngày chị phải cõng con nhiều lần vượt triều cường đưa con đến trường. “ Người lớn đi đâu cũng mang con theo vì sợ nước ngập nên không thể lơ là với trẻ nhỏ được” – chị Lan Anh cho biết.
 
Ghi nhận của chúng tôi nhiều khu dân cư của tỉnh Bình Dương nằm dọc sông Sài Gòn gồm các xã ven sông thị xã Thuận An tới khu vực TP.Thủ Dầu Một nước triều cường xâm nhập bờ bao ven sông Sài Gòn nên chưa thể rút hết. Theo kinh nghiệm của người dân phải mất một tuần nước mới rút.
Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo