Dân có “đòi” thì giá mới giảm
Dư luận đang đặt câu hỏi đến bao giờ mới hết cảnh phải “đòi” thì doanh nghiệp mới giảm giá bán lẻ xăng dầu?
Vênh 2.500 đồng/lít
Vào ngày 7/3/2012, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối quyết định thực hiện cú tăng giá gây sốc với mức tăng kỷ lục 2.100đ/lít xăng. Các mặt hàng dầu hỏa, diesel, mazut cũng tăng giá từ 600 - 2.000đ/lít. Vậy vào thời điểm này, giá xăng dầu thành phẩm tại Singapore - nơi là đầu mối các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu nhập khẩu có giá bao nhiêu?
Theo bản tin xăng dầu số 48 do chính Petrolimex phát hành ngày 5/3/2012 (tức là trước thời điểm tăng giá hai ngày) thì giá xăng RON92 trung bình của tháng 2/2012 là 128,63USD/thùng. Trong khi đó mức giá trung bình tháng 1/2012 của mặt hàng này là 120,69USD/thùng. Cũng cần lưu ý rằng thời điểm tháng 1 và đầu tháng 2/2012, mặt hàng này chịu thuế suất thuế nhập khẩu là 4%.
Giá xăng đáng lẽ giảm 828đ/lít: Đây là khẳng định của Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Tiến Thỏa. Theo chuyên gia này, giai đoạn từ ngày 9/4 đến ngày 8/5, giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm giảm 2,78 - 4,69%. Cụ thể thì xăng giảm khoảng 828đ/lít. Tuy nhiên do tăng thuế nhập khẩu từ 0% lên 5% nên mức giảm chỉ là 500đ/lít. |
Trong khi đó vào ngày 9/5 vừa qua, giá xăng RON92 tại Singapore cũng đã giảm về mức 120,82USD/thùng, thuế nhập khẩu tăng từ 0% lên 3% thì giá mặt hàng này mới được doanh nghiệp giảm có 500đ/lít. Như vậy có thể thấy rằng: Mức giá xăng RON92 thành phẩm và thuế nhập khẩu xăng thời điểm ngày 9/5 gần như tương ứng với mức giá xăng RON92 thành phẩm và thuế nhập khẩu thời điểm tháng 1/2012.
Thế nhưng ở thời điểm tháng 1/2012, giá xăng RON92 chỉ là 20.800đ/lít - trong khi hiện nay giá mặt hàng này vẫn được các doanh nghiệp neo ở mức 23.300đ/lít. Có nghĩa là ở hai thời điểm giá xăng RON92 thành phẩm và thuế nhập khẩu tương đương nhau, nhưng giá bán lẻ xăng hiện nay lại cao hơn thời điểm tháng 2/2012 tới 2.500đ/lít.
Diễn biến kiểu này cũng tương tự với các mặt hàng dầu. Cụ thể hồi tháng 1.2012, diesel thành phẩm giá 129USD/thùng, thuế NK là 5% thì có giá bán lẻ là 20.400đ/lít. Nay diesel thành phẩm có giá hơn 126USD/thùng, thuế nhập khẩu là 3% nhưng giá bán lẻ vẫn neo ở mức 21.600đ/lít. Đây thực sự là những bước điều chỉnh giá đầy mâu thuẫn và lâu nay xăng dầu chỉ giảm giá khi người dân lên tiếng... “đòi”.
Lợi doanh nghiệp - hại kinh tế
Trên thực tế thì ai cũng biết rằng cả nền kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp và cuối cùng là đông đảo người tiêu dùng đều đang phải oằn lưng gánh chịu hệ lụy của việc tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, điều lấy làm lạ là với cùng mức giá và mức thuế NK như phân tích ở trên, song doanh nghiệp lại có mức giá bán chênh lệch 1.200đ/lít dầu và 2.500đ/lít xăng mà doanh nghiệp vẫn luôn kêu lỗ(?).
Sướng như kinh doanh xăng dầu: Theo kết quả kiểm toán xăng dầu công bố cuối năm 2011 thì ở Petrolimex năm 2008 kinh doanh xăng dầu lãi 642 tỉ đồng. Năm 2009 kinh doanh xăng dầu lãi 2.660 tỉ đồng. Năm 2010 kinh doanh xăng dầu lỗ 172 tỉ đồng. Tổng ba năm lãi hơn 3.100 tỉ đồng. Đáng lưu ý đây lại là giai đoạn kinh tế khủng hoảng, doanh nghiệp kinh doanh điêu đứng. |
Như Lao Động từng nhiều lần đề cập là nếu như trước đây, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu công khai giá cơ sở (giá xăng dầu thành phẩm cộng đầy đủ thuế, phí, trích lợi nhuận...) trước khi bán đến người tiêu dùng; song từ năm 2011 các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã từ chối sự công khai minh bạch này. Thay vào đó, việc giá cơ sở bao nhiêu, doanh nghiệp trích hoa hồng thế nào thì chỉ có doanh nghiệp hoặc sau đấy rất lâu có kiểm toán mới biết được.
Cần phải nhắc lại rằng vấn đề này đã từng xảy ra khi năm 2011, theo kết quả kiểm toán thì hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đã chiết khấu vượt quy định, dồn lãi cho hệ thống đại lý và cửa hàng con của mình tới hơn 500 tỉ đồng. Bên cạnh đó, cứ theo kết quả kiểm toán thì những doanh nghiệp này cũng thường xuyên... lãi khủng.
Tuy nhiên, điều đáng nói là trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, việc tăng giá sốc - neo giá ở mức cao và giảm nhỏ giọt đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Nói một cách dễ hiểu là giá xăng dầu tác động đến chi phí đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất và dịch vụ khiến hàng hóa đội giá.
Theo tính toán của chuyên gia Bộ Tài chính thì tăng giá xăng lần một tác động tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,85% và lần tăng giá xăng thứ hai tác động tăng CPI khoảng 0,36%; trong khi lần giảm giá 500đ/lít xăng vừa qua chỉ làm giảm CPI khoảng hơn 0,24%.
Theo LĐ
End of content
Không có tin nào tiếp theo