Thị trường

Dân được quyền chọn mua xăng giá rẻ

Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu quy định doanh nghiệp đầu mối được tự quyết định về giá nếu biên độ dao động giá dưới 3%. Điều này sẽ tạo ra sự linh hoạt trong giá bán xăng dầu, nghĩa là thị trường sẽ có nhiều giá bán lẻ khác nhau, thậm chí một công ty xăng dầu cũng có thể có nhiều giá. Sự cạnh tranh tốt về giá giúp người tiêu dùng được hưởng lợi khi có quyền lựa chọn cây xăng nào bán giá rẻ hơn.

Khi có sự cạnh tranh tốt về giá thì đối tượng được hưởng lợi chính là người tiêu dùng. (Ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Hình thành thị trường cạnh tranh

Tại Hội nghị phổ biến Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu diễn ra ngày 19/9, ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam khẳng định, Nghị định 83 có nhiều tiến bộ, tuy nhiên vẫn tồn tại một số vấn đề cần phải xem xét.
 
Nghị định 83 có nhiều điểm mới như thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá xăng dầu liên tiếp tối thiểu 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa 15 ngày đối với trường hợp giảm giá; không hạn chế mức giảm, khoảng thời gian giữa 2 lần giảm và số lần giảm giá.
 
Nếu giá cơ sở tăng từ 0 – 3% thì doanh nghiệp tự quyết, từ 3 – 7% việc điều chỉnh giá có sự chỉ đạo của các Bộ, trên 7% là do Chính phủ quyết định. Đây là điều chỉnh được cho là linh hoạt giúp thị trường xăng dầu Việt Nam tiếp cận thị trường thế giới, đúng với chủ trương của Chính phủ.
 
Theo ông Ruệ, trước đây Nghị định 84 giá do doanh nghiệp  quyết định nhưng thực tế là do cơ quan quản lý quyết định. Còn theo quy định tại Nghị định 83 thì doanh nghiệp là đầu mối quyết định giá, đồng thời thương nhân phân phối cũng được tự quyết định về giá nếu biên độ dao động giá dưới 3%. 
 
Trả lời thắc mắc liệu có thị trường không khi doanh nghiệp được quyền tự quyết 3%? Các doanh nghiệp có đưa ra các giá khác nhau không, ông Ruệ cho biết: “Có doanh nghiệp khi biến động 1% là đã tăng hoặc giảm, doanh nghiệp khác lại chờ biến động 2%, hoặc tới 3% mới điều chỉnh. Biên độ của Nghị định 84 là 7% nhưng giờ chỉ còn 3% nên về mặt pháp lý đã khác nhau hoàn toàn. Nghị định 83 nếu thực hiện nghiêm túc thì  thị trường sẽ có nhiều giá bán lẻ khác nhau, thậm chí một công ty cũng có thể có nhiều giá. Điều này cũng tạo ra sự cạnh tranh về giá, và khi đó người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất”.

Còn nhiều “cái khó”
 
Đề cập tới những điểm còn vướng mắc, ông Ruệ cho rằng: Nghị định 83 vẫn để nguyên lời văn của Nghị định 84 - ổn định thuế nhập khẩu trên cơ sở cam kết quốc tế để khẳng định thuế nhập khẩu. 
 
“Từ giữa năm 2013 đến nay, điều hành đã mềm mại hơn nên thị trường xăng dầu Việt Nam khá ổn định. Nhưng tôi cho rằng đã ổn định thì thời gian phải là bao lâu? Hiệp hội xăng dầu vẫn giữ quan điểm ít ra ổn định 1 năm hoặc 6 tháng, tức là 1 năm chỉ điều chỉnh 2 lần thuế nhập khẩu. VAT cố định, thuế tiêu thụ là cố định, chỉ có tỷ giá và thuế nhập khẩu là thay đổi. 
 
Thuế suất nhập khẩu phải căn cứ vào đâu? Bây giờ, thuế này vẫn đang phải chờ Thông tư hướng dẫn của các Bộ. Trước đây, Nghị định 84 cũng không có hướng dẫn về khoản thuế này mà thu theo nhu cầu ngân sách. Tôi cho rằng đây là điểm phải cụ thể, phải rõ ràng, không thể chung chung như trước đây nữa”, ông Ruệ nói.
 
Cái khó thứ hai là về quỹ Bình ổn giá. Nghị định đưa ra nguyên tắc thị trường phải có biến động giá từ trên 3-7% mới được sử dụng Quỹ Bình ổn giá nhưng ngay tại Nghị định lại cho phép việc trích lập quỹ thường xuyên liên tục. Ông Ruệ cho rằng đây là điểm không hợp lý, nếu trích quỹ liên tục người tiêu dùng sẽ thiệt, xả quỹ liên tục  doanh nghiệp cũng sẽ chết. 
 
Ông Nguyễn Văn Tiu - Giám đốc Công ty CP xăng dầu Tự Lực 1 băn khoăn: Về nguyên tắc, đại lý chỉ được hưởng hoa hồng và liên quan đến việc khi hàng hóa xuất khỏi kho thì sẽ như thế nào? Vì hóa đơn chứng từ về mặt tài chính  xuất ra rồi còn liên quan đến giá. Nếu giá tăng, giảm  phải làm sao? Trước nay chủ yếu là mua đứt bán đoạn, và nếu nghị định không hướng dẫn cụ thể  không khác gì Nghị định 84, các doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Chỉ còn hơn một tháng nữa là Nghị định có hiệu lực nhưng vẫn chưa có hướng dẫn. Thương nhân phân phối cũng phải làm hồ sơ, thủ tục… để xin giấy chứng nhận, những việc này không đơn giản, rất mất thời gian.
 
Dưới góc độ của mình, ông Hoàng Mạnh Tuấn - TGĐ Công ty TNHH MTV Xăng dầu Hàng không đưa ra ý kiến: Về quy định các lớp doanh nghiệp khác nhau phải đảm bảo cơ sở hạ tầng là đúng. Nhưng so với điều kiện hiện nay, muốn tận dụng các cơ sở hạ tầng chung, linh hoạt thì càng tiết kiệm cho xã hội. Tuy nhiên trong nghị định lại quy định cơ sở cứng doanh nghiệp sẽ không tận dụng được. “Thuê hạ tầng nên linh hoạt, chứ không nên bắt ép là phải thuê bao nhiêu năm, cứ có lợi  nên cho doanh nghiệp làm”, ông Tuấn bày tỏ.
 
Đại diện Hiệp hội kiến nghị khi Nghị định 83 có hiệu lực thì phải có Thông tư liên bộ hướng dẫn kịp thời, nếu không thị trường sẽ rất lộn xộn. Thêm thương nhân phân phối và thương nhân nhận quyền  sau này phải hướng dẫn cụ thể. Chuyện vẫn phải bán theo phương pháp đại lý của thương nhân phân phối và thương nhân nhận quyền rất khó hướng dẫn. Luật pháp quy định rất nhiều nhưng lại rất thiếu. Phải có một chương chế tài, đây là điều rất cần thiết. Các doanh nghiệp rất cần sự minh bạch, rõ ràng. 
 

 

“Hiện nay có rất nhiều công ty nước ngoài vào điều tra luật pháp, doanh nghiệp cũng như rất quan tâm tới hệ thống bán lẻ, đại lý của Việt Nam. Với thị trường xăng dầu, nếu chúng ta làm tốt thì khi mở cửa sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh. Còn ngược lại, nếu làm không tốt thì họ sẵn sàng mua lại hết các đại lý, lúc đó an ninh năng lượng đất nước sẽ bị đe dọa” - ông Ruệ lo ngại.

 

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo