Dán nhãn năng lượng - Doanh nghiệp khốn đốn
Nhiều doanh nghiệp khốn đốn vì chi phí kiểm định quá cao.
Theo quy định, trong năm 2013, tất cả các sản phẩm trong lĩnh vực nói trên đều phải đăng ký kiểm định, dán nhãn năng lượng, nếu chưa đạt tiêu chuẩn từ 1* trở lên (theo TCVN 7831:2007) vẫn được bán ra thị trường, nhưng đến thời điểm từ 1/1/2014, nếu không đạt tiêu chuẩn tối thiểu theo quy định này thì sẽ bị cấm tuyệt đối.
Để được cấp chứng nhận chất lượng, Bộ Công Thương yêu cầu doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký gồm các tài liệu theo quy định và nộp kết quả kiểm định tại trung tâm kiểm định do Bộ Công Thương chỉ định. Riêng sản phẩm máy điều hòa nhiệt độ, Bộ Công Thương chỉ định chỉ có một trung tâm kiểm định ở Hà Nội là Viện Cơ khí năng lượng và mỏ (Vinacomin – IEMM).
Ông Ngô Quốc Khải – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Cơ điện lạnh Sumi – cho biết, phía IEMM vừa gửi báo giá kiểm định đến công ty ông, bình quân chi phí kiểm định cho một model sản phẩm từ 20 - 45 triệu đồng, trong khi một doanh nghiệp thông thường thì có 15 loại (model) sản phẩm.
Đó là chưa kể các chi phí khác như vận chuyển hàng, vé máy bay đi lại cho cán bộ kỹ thuật và trả lương nhân viên công ty đi kèm… Nếu doanh nghiệp có thêm model khác thì quy trình chi phí lập lại như thế. Chất lượng tăng lên 1* thì chi phí tăng từ 10-15%. Những chủng loại máy bán ít nhưng vẫn phải dán tem năng lượng với chi phí cao, các doanh nghiệp trong nước tính toán đành phải bỏ sản phẩm này nhường “sân” cho các tập đoàn lớn nước ngoài.
Ngày 12/10/2012, Bộ Công Thương chỉ định thêm Công ty TNHH Intertek Testing Services được phép tiến hành các hoạt động thử nghiệm hiệu suất năng lượng đối với các sản phẩm máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt, nhưng địa chỉ phòng thử nghiệm ở tận… Thái Lan.
Ông Nguyễn Thành Long - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aikibi - một doanh nghiệp trong lĩnh vực điều hòa trung tâm ở TP.Hồ Chí Minh bức xúc: “Trong thời buổi khó khăn này, kiểm định nhiêu khê như thế chẳng khác nào bóp cổ doanh nghiệp Việt Nam và tạo điều kiện cho các tập đoàn nước ngoài độc quyền phân phối. Chúng tôi chở sản phẩm từ TP.Hồ Chí Minh ra Hà Nội kiểm định, giả sử họ phán sản phẩm chúng tôi không đạt thì chúng tôi biết kiểm chứng ở đâu khi chỉ có một trung tâm kiểm định duy nhất?
Giấy chứng nhận chất lượng chỉ được cấp trong thời hạn 6 tháng cho một lô sản phẩm. Sáu tháng sau, doanh nghiệp phải bỏ chi phí đi kiểm định lại. Trường hợp doanh nghiệp muốn được cấp giấy chứng nhận đạt chất lượng trong 3 năm thì phải chịu mọi chi phí “đài thọ” đi lại cho đoàn cán bộ của Bộ Công Thương, trung tâm kiểm định đi nước ngoài, đến nơi sản xuất gốc để kiểm định.
Đã có vài doanh nghiệp tuyên bố sẽ phải đóng cửa nhà máy vì không thể chịu nổi chi phí kiểm định để làm thủ tục dán tem năng lượng kiểu này.
Nên chăng, Bộ Công Thương lùi thời gian thực hiện việc dán nhãn năng lượng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong thời điểm hiện nay? Hoặc để cho doanh nghiệp tự công bố chất lượng, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật, còn Bộ Công Thương kiểm tra, đánh giá.
Anh Đào (Theo Dân Việt)
End of content
Không có tin nào tiếp theo