Tin tức - Sự kiện

Đàn ông sống bằng nghề bán 'giống'

Ngân hàng tinh trùng còn hiếm, không hiếm thanh niên kiếm sống bằng “vốn tự có”.

Việc mua bán tinh trùng nhan nhản sẽ để lại những hệ lụy khôn lường

Gian nan kiếm “giống”

 
Vợ chồng P. (Hà Nội) cưới nhau gần 1 năm nhưng vẫn chưa có con. Vì là cháu đích tôn trong dòng tộc nên lại càng sốt ruột, vợ chồng anh dẫn nhau tới bệnh viện khám và gần như chết đứng khi bác sỹ thông báo: “Không có tinh trùng”.
 
Chuyện quá sốc đối với P. vì trước giờ vốn anh vốn khỏe mạnh, tướng tá to con, lại là cầu thủ bóng đá của công ty. Hai vợ chồng quyết đi khám thêm 2-3 lần tại 2-3 bệnh viện khác nhau với hy vọng kết quả khám lần trước sai. Thế nhưng, kết luận lần nào cũng giống nhau, anh tốn bao công thuốc men, bồi dưỡng ăn uống, nghỉ ngơi với suy nghĩ chắc sự "không có tinh trùng" là tạm thời do căng thẳng, mệt mỏi.
 
Thế nhưng, đằng đẵng đã 3 năm trôi qua, vẫn không có chút thay đổi gì. Chồng thì bi quan chán nản, đá thúng đụng nia khiến vợ càng thêm buồn nản. Sau một thời gian trăn trở, vợ P. quyết định đi thụ tinh nhân tạo, ngặt nỗi đến bệnh viện ngân hàng tinh trùng khan hiếm nên chị phải tự đi xin.
 
Những tưởng việc dễ dàng, nhưng khi mở lời mới thấy khó khăn. Nhờ tràn lan thì chị không dám vì sợ vừa không đảm bảo chất lượng tinh trùng, lại sợ lộ chuyện chồng chị sẽ tự ái. Kiếm mãi, mới dám mở lời với cô em gái ruột thì gặp cái lắc đầu đầy nước mắt: “Em thương chị, nhưng mong chị hiểu, đây là chuyện tế nhị, em không thể san sẻ…”
 
Hết cách chị đành lên mạng tìm hiểu, mong mua được tinh trùng. Những câu chào mời hiến tặng, bán đầy rẫy trên mạng khiến chị không khỏi hoang mang. Ví như: “Mình là sinh viên, đã tặng tinh trùng 1 lần. Nếu ai cần biết thông tin thêm có thể chat với yahoo: …. Nếu người nào cần thì mình có thể "bán". Nhưng tôi cũng chân thành nói trước nếu ai thật sự có cái "tâm" tôi sẵn sàng "tặng"!...  Mình nói thêm, mình không cho nhiều đâu, chỉ 1 - 2 người nữa thôi. Vì việc bán vi phạm pháp luật nên mình không bán nữa, nhưng phải chịu chi phí đi lại cho mình (nếu có). Ai quan tâm thì để lại e-mail hoặc số điện thoại vào nick Yahoo ở trên”.
 
Hay như: “Mình sinh năm 1984, ngoại hình cân đối, cao 1m71, nặng 68kg, nhóm máu A, gen di truyền tốt, đang công tác tại một cơ quan nhà nước ở,...có sức khoẻ tốt (hàng năm luôn đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ), có lối sống lành mạnh văn hoá, tốt nghiệp đại học chính quy Hà Nội. Mình muốn hiến tặng tinh trùng của mình cho phụ nữ có chồng bị vô sinh hoặc độc thân muốn có con".
 
Bán tinh trùng là công việc không khó và mang đến thu nhập tốt cho nhiều thanh niên. Vậy nên, ngày nay trên cộng đồng mạng xuất hiện ngày một nhiều hơn những dòng tin rao bán, mời gọi mua tinh trùng với cái giá khó tin, dao động từ 3-4 triệu đồng cho tới cũng 8-10 triệu đồng, tùy thuộc vào việc cho gián tiếp (qua bệnh viện) hay trực tiếp (quan hệ).
 
“Quan hệ” trực tiếp là tốt nhất?
 
Đọc xong những lời quảng cáo cho tặng/bán, đính kèm cách cho tinh trùng càng khiến chị thêm lo lắng.
 
“- Theo hình thức hiến gián tiếp:
 
Cách 1: Sau khi xét nghiệm sức khỏe đầy đủ thì 2 bên gặp nhau ở Bệnh viện rồi hiến theo chỉ dẫn của bác sỹ (tiến hành hiến tại bệnh viện).
 
Cách 2: Sau khi xét nghiệm sức khỏe đầy đủ thì 2 bên gặp nhau ở khách sạn rồi tiến hành thụ tinh thông qua dụng cụ hỗ trợ (dùng bơm kim tiêm để tiến hành cho tinh trùng thụ tinh với trứng).
 
- Theo hình thức hiến trực tiếp (nếu bên nhận yêu cầu):
 
Cách 3: Sau khi xét nghiệm sức khỏe đầy đủ, 2 bên hẹn gặp nhau ở khách sạn và tiến hành hiến trực tiếp”.
 
Sau nhiều thông tin loạn trên mạng, cuối cùng chị cũng gửi mail liên lạc và xin được số điện thoại với tư tưởng là gặp nhau thảo luận và hiến ở bệnh viện. Thế nhưng, với giá đưa ra khá chát, chi phí đi lại vào TP.HCM tốn kém nên chị vẫn lần lữa. Đến một hôm, gặp được người tự nguyện hiến tặng thì lại cương quyết: “Trực tiếp là tốt nhất, anh cho nhiều lần rồi, cứ phải trực tiếp mới có kết quả…”.
 
Đến nước này thì quả là quá nguy hiểm, không biết con chị tương lai có bị dính kết hôn cận huyết không hay chẳng may chồng chị biết, liệu anh có chấp nhận?".
 
Chuyện vợ chồng hiếm muộn, chồng không đủ khả năng sinh con... xuất hiện ngày một nhiều trong xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như môi trường sống, đồ ăn thức uống, bẩm sinh... Do đó, chuyện các bà vợ đến bệnh viện để xin con, hoặc tự tìm mua tinh trùng để sinh con ngày một nhiều hơn. Lợi dụng điều này, việc mua bán tinh trùng cũng gây ra nhiều biến tướng. Đằng sau việc buôn bán này là không ít những câu chuyện bi hài. Nhiều người đã trở thành con mồi béo bở để những đối tượng lừa đảo lợi dụng.
 
Mặc khác, bên cạnh những ý kiến đồng thuận, cảm thông cho gia đình hiếm muộn, mong con; còn là sự phản đối kịch liệt, ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần, thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam. Mua bán không kiểm soát, một người có thể cho tinh trùng nhiều người sẽ dẫn tới nhiều đứa trẻ sinh ra có cùng cha. Nếu sau này những đứa trẻ đó gặp nhau, kết hôn sẽ dẫn tới tình trạng hôn nhân cận huyết.
 
Hơn nữa, việc cho nhận tinh trùng thông qua quan hệ trực tiếp còn dẫn tới các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như HIV, giang mai, lậu...Nguy hiểm hơn khi các đối tượng mua bán tinh trùng thường hoạt động lén lút, lý lịch không rõ ràng, họ chỉ thực sự nổi bật qua những lời quảng cáo “có cánh”, rất dễ lôi kéo người hiếm muộn mua bán phạm pháp mà có thể “tiền mất tật mang”, bởi theo Luật hiến, ghép mô, tạng quy định “nghiêm cấm việc mua bán tinh trùng dưới mọi hình thức. Một người chỉ được hiến, tặng tinh trùng một lần trong đời”.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo