Đàn ông Việt tâm sự chuyện ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại
Một độc giả tâm sự và cho biết anh phản đối chuyện nàng dâu ăn Tết nhà ngoại. Theo anh này, hồi đầu, mới cưới về, vợ tôi cũng đỏng đảnh lắm, cũng đòi hỏi quyền lợi, và sự công bằng lắm, nhưng bây giờ cô ấy khác hẳn, không bao giờ dám lên tiếng đòi hỏi bất cứ cái gì, và cái gì tôi đã quyết thì cô ấy không bao giờ được phép cãi lại.
Chuyện ăn tết cũng vậy. Tôi có nhà cửa và sinh sống ở Hà Nội nhưng quê gốc của tôi ở Bắc Giang, vợ tôi quê Lào Cai. Bố mẹ tôi có 4 người con, 2 trai, 2 gái còn bố mẹ cô ấy chỉ có 2 cô con gái.
Tuy nhiên, ngay từ năm đầu tiên sau cưới, tôi đã nói rõ ràng với vợ và cả bố mẹ vợ tôi rằng, sẽ không có chuyện vợ tôi được bỏ tết nhà chồng để về ăn tết nhà ngoại vì phận làm dâu, vợ tôi phải lo lắng chu toàn cho công việc nhà chồng. Các ngày lễ tết là dịp anh em bạn bè tụ họp sum vầy nên vợ tôi không thể không có mặt.
Chính vì thế, năm đầu tiên rồi đến năm thứ 2, tôi đều cùng vợ về Bắc Giang ăn tết với bố mẹ tôi. Đến khoảng mùng 4, mùng 5, anh em trong gia đình tôi đi làm hết, cô ấy mới được về ăn tết với ông bà ngoại.
Vì thế, tôi cho rằng, việc ăn tết nội hay tết ngoại không phải là việc các chị em muốn hay không muốn mà được. “Con gái là con người ta” – đã gả bán đi rồi thì phải ăn tết, lo tết ở nhà chồng. Đó là quy tắc bất di bất dịch.
Trái ngược quan điểm trên, anh Nguyễn Văn Tuấn (Giảng Võ, Hà Nội) tỏ ra khá ngạc nhiên trước câu hỏi của phóng viên về việc, “Tết này anh có cho vợ về ngoại ăn Tết không?”. Anh Tuấn cho rằng, việc về nội hay ngoại ăn Tết là chuyện rất bình thường. Nội hay ngoại cũng như nhau về quê nào ăn Tết cũng tốt vì chỉ cần ở đâu có gia đình thì ở đó Tết sẽ vui.
“Vợ chồng mình lấy nhau 11 năm, nhưng mình đã ăn Tết nhà vợ 4 năm. Thường thì cứ năm này ăn Tết nhà nội, sang năm vợ chồng con cái lại về ngoại ăn Tết. Chẳng bao giờ vợ chồng mình phải cãi nhau vì chuyện này” – anh Tuấn kể.
Chị Nguyễn Thị Hằng, vợ anh Tuấn tâm sự thêm, mấy năm trước kinh tế còn khó khăn, chưa có ô tô, vợ chồng anh chị toàn phải “khăn gói quả mướp” đi xe khách về quê ngoại ở Tận Yên Bái. 27 Tết về thì phải 4 Tết mới về nhà nội. “Được cái bố mẹ chồng mình cũng dễ tính nên, dù vợ chồng có ăn Tết ở nhà ngoại ông bà cũng không ý kiến gì. Ông bà cũng chỉ mong con cháu mạnh khỏe, có một cái Tết âm cúng là vui rồi” – chị Hằng, vợ anh Tuấn nói.
Năm nay vợ chồng chị vừa tậu được ô tô, anh Tuấn cũng dự định cho cả nhà về bà ngoại ăn Tết, xong mùng 2 mới về Bắc Ninh đón Tết cùng ông bà nội. Cùng quan điểm với anh Tuấn, Anh Nguyễn Thanh Xuân (Bắc Giang) cũng cho rằng, chẳng có vấn đề gì khi ăn Tết ở nhà vợ.
“Mình thì thấy ăn Tết nhà vợ rất vui và thoải mái. Nhiều khi chẳng phải làm gì nhiều, có bố mẹ vợ lo mổ gà, làm cơm con rể chỉ việc ngồi ăn. Thậm chí Tết nhất có làm vài ván bài, mấy chén rượu cùng mọi người thì vợ cũng chẳng dám ý kiến gì, chứ ăn Tết nhà mình (nhà nội) có mà cô ấy lại “thịt” luôn” – anh Xuân hài hước.
Nói vậy, nhưng theo anh Xuân, nhiều khi ăn Têt nhà vợ xong về nhà nội, anh em họ hàng cứ bàn tán xôn xao. Nào là nó sợ vợ, vợ nó làm chồng… đủ thứ chuyện. Có lẽ đấy cũng chính là lý do mà phần đa ông chồng tỏ ý không đồng tình khi vợ đề xuất về quê ngoại ăn Tết.
End of content
Không có tin nào tiếp theo