Dân tình giờ đã chán vàng?
Áp lực chuyển hướng kinh doanh đang đặt ra với các nhà vàng, khi người dân, nhà đầu tư đã tỏ ra chán vàng, dù giá vàng đang ở mức hấp dẫn nhất trong vòng 3 năm qua.
Tiền không còn đổ vào vàng
Từ đầu tuần đến nay, tiếp nối đà giảm của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước cũng sụt giảm khá mạnh. Tính đến giữa tuần này, giá vàng đang đứng ở mức 36,36 - 36,44 triệu đồng/lượng. Điều đáng nói là, dù giá vàng đang ở mức hấp dẫn nhất trong vòng hơn 3 năm qua, nhưng lực mua trên thị trường vẫn rất yếu.
Thị trường vàng miếng đang èo uột khiến các doanh nghiệp chuyển mạnh sang vàng trang sức
Theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Tổng giám đốc Tổng công ty Vàng Agribank, giá vàng thế giới đứng trước xu hướng sụt giảm là nguyên nhân khiến nhà đầu tư và người dân có tâm lý chờ đợi giá vàng giảm thêm.
Trong khi đó, những người giữ vàng cũng không vội bán, vì hy vọng trong dài hạn, giá vàng có thể tăng trở lại.
Một minh chứng cho cầu vàng sụt giảm là trước đây, mỗi tuần Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức 3 phiên đấu thầu, bơm ra thị trường 2-3 tấn vàng, mà thị trường vẫn “khát”.
Còn từ đầu tháng 11 đến nay, mỗi tuần, NHNN chỉ tổ chức một phiên đấu thầu vàng, tổng lượng vàng tung ra thị trường nửa tháng qua chỉ hơn 1 tấn, nhưng vẫn ế.
Dĩ nhiên, vàng giảm sức hấp dẫn có thể chỉ là nhất thời, bởi thói quen tích trữ vàng của Việt Nam không dễ từ bỏ. Tuy nhiên, phải thừa nhận là, chính sách của NHNN cũng dần khiến thói quen này giảm bớt.
Theo PGS.TS Tô Kim Ngọc, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng, những năm trước đây, vàng “hút” rất nhiều tiền trong nền kinh tế, bởi sự tham gia tạo sóng của giới đầu cơ, đặc biệt là các ngân hàng. Tuy nhiên, những chính sách quản lý vàng hai năm qua của NHNN đã chặn đứt cửa đầu cơ, dập tắt sóng vàng, khiến người dân tìm đến các kênh đầu tư khác có lợi hơn, sức hấp dẫn của vàng giảm là đương nhiên.
Chuyển mạnh sang vàng trang sức
Thị trường vàng miếng đang èo uột khiến các doanh nghiệp chuyển mạnh sang vàng trang sức. Theo ông Đinh Nho Bảng, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, có hai “nhánh” cho thị trường vàng là vàng miếng và vàng trang sức. Do đó, khi NHNN siết vàng miếng, doanh nghiệp đẩy mạnh hướng kinh doanh vàng trang sức.
Vài năm gần đây, Công ty cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) chỉ tập trung phát triển vàng trang sức. Hiện vàng miếng chỉ chiếm khoảng 1% doanh thu của doanh nghiệp này. Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC), bên cạnh vàng miếng là lĩnh vực kinh doanh chính, cũng đã mở rộng mạnh hơn sang vàng trang sức. Hiện doanh thu vàng trang sức tại SJC vẫn tăng trưởng rất khá, trong khi doanh thu vàng miếng sụt giảm.
Tuy nhiên, sản xuất - kinh doanh vàng trang sức ở nước ta đang gặp rất nhiều khó khăn về thuế, nguyên liệu. Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã nhiều lần đề nghị NHNN nên cho phép doanh nghiệp sản xuất vàng trang sức được nhập khẩu vàng, song đến nay, việc nhập khẩu vẫn rất khó khăn.
“Chủ trương của nước ta là khuyến khích sản xuất vàng trang sức phát triển, nhưng chính sách hỗ trợ thì lại chưa có. Hiện nguyên liệu sản xuất vàng miếng hoàn toàn phụ thuộc vào NHNN, doanh nghiệp sản xuất vàng phải mua vàng trôi nổi trên thị trường, chất lượng kém, cao hơn giá thế giới hơn 4 triệu đồng/lượng”, ông Bảng nói và khuyến cáo, cần tạo điều kiện cho sản xuất vàng trang sức phát triển, nếu không, nước ta sẽ trở thành nơi tiêu thụ vàng nước ngoài.
Báo Đầu Tư
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại sáng 8/11 sau khi Fed hạ lãi suất
Giá nông sản ngày 8/11/2024: Hồ tiêu tăng trở lại, cà phê giảm nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 8/11/2024: USD giảm sau khi Fed điều chỉnh lãi suất
Đưa hàng Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng ở Đông Bắc Thái Lan
Giá heo hơi ngày 8/11/2024: Ổn định trên diện rộng
Rạng Đông Holding RDP lại bị 'bêu tên' vì chậm công bố thông tin
Cột tin quảng cáo