Tin tức - Sự kiện

Đang ngày càng có nhiều biến tướng

Tại sao những dòng “bút phê” lại có quyền lực ngầm ghê gớm như vậy và làm thế nào để kiểm soát, ngăn chặn được mặt trái của “bút phê”?TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về vấn đề này.

 

 Đã từng có bài học lớn! 

 
- PV: Những ngày qua dư luận rất quan tâm đến câu chuyện Thứ trưởng Bộ GTVT “bút phê” vào đơn xin tham gia thực hiện các gói thầu của một đơn vị. Dưới góc độ của chuyên gia làm luật, ông đánh giá thế nào về vụ việc này?
 
- TS Đinh Xuân Thảo: Việc lãnh đạo các cơ quan chỉ đạo, cho ý kiến, gợi mở hướng giải quyết cho cấp dưới bằng cách “bút phê” vào văn bản do cấp dưới trình đang được phổ biến, thừa nhận rất rộng rãi không chỉ trong các cơ quan công quyền, hành chính mà cả các doanh nghiệp, tổ chức tư nhân. Song nếu cấp trên “bút phê” không đúng quy trình, không đúng thẩm quyền thì dù vì mục đích trong sáng hay mục đích thiếu minh bạch đều có thể gây ra những hậu quả khó lường. Bởi khi đó, cấp dưới cầm văn bản có “bút phê” của cấp trên có thể lợi dụng, xem văn bản đó như là công cụ che chắn cho mình, yên tâm thực hiện rồi chẳng may nếu có sai phạm, bị phát hiện thì lại đưa “bút phê” ra với lý do… “thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của cấp trên”.
 
Chúng ta đã có những bài học đắt giá. Điển hình là vụ án Lã Thị Kim Oanh làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng cách đây hơn chục năm. Khi quy trách nhiệm, cơ quan chức năng phát hiện ra có những văn bản xin đất dự án của bà này từ khi trình đến khi được giải quyết chỉ mất có… 3 ngày. Kiểm tra thì thấy văn bản đã được lãnh đạo Bộ NN&PTNT “bút phê” không đúng quy trình thủ tục, trình thẳng lên lãnh đạo Bộ ký mà không qua Văn phòng Bộ, không có chữ ký của Chánh Văn phòng.
 
- Một “bút phê” như thế nào là đúng quy trình thủ tục? Trong quy định pháp luật của nước ta hiện nay có quy định gì về “bút phê” hay giá trị pháp lý của “bút phê” không, thưa ông?
 
- Văn bản hành chính hàng ngày hiện chưa được luật hóa. Tuy nhiên từ những năm 1998-2000, Văn phòng Chính phủ phối hợp cùng Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ đã soạn thảo một bộ quy chuẩn gửi các bộ, cơ quan, trong đó có nội dung quy trình, thủ tục trình, định dạng văn bản, ký nháy, ký tắt trên văn bản... Dù chỉ là quy ước nhưng quy chuẩn này được thừa nhận có giá trị, hầu hết các cơ quan đều đã áp dụng trong công tác. 
 
Cụ thể, khi trình văn bản lên các cấp, mẫu văn bản phải có mục họ tên của người trình, chuyên viên soạn thảo, trích yếu nội dung kẹp trong tài liệu đi kèm, gửi qua Văn phòng rồi mới chuyển đến cấp cục, vụ, lãnh đạo Bộ. Người có trách nhiệm giải quyết cuối cùng sẽ phê vào nội dung vản bản đó đồng ý hay không, sửa lại hay chuyển lại cho ai, ghi rõ ngày tháng năm... Văn bản có “bút phê” này phải được lưu giữ ở Văn thư, Văn phòng cơ quan xem như tài liệu gốc, làm căn cứ giải quyết nếu xảy ra các vấn đề về sau. Cũng theo quy trình, cấp dưới khi nhận được văn bản có “bút phê” của cấp trên, nếu Thủ trưởng đã chỉ đạo trực tiếp thì cứ thế thực hiện, một số trường hợp phải sửa lại văn bản hoặc họp để ban hành quyết định thực hiện rồi chuyển lại cấp trên ký phê duyệt. 
 
Không dễ kiểm soát?
 
- PV: Theo đánh giá của ông, thực tế hiện nay có nhiều văn bản xin “bút phê”, nhiều lãnh đạo thực hiện “bút phê” đúng, đầy đủ theo quy trình, quy chuẩn nói trên hay không? 
 
- Phải thẳng thắn thừa nhận rằng xung quan vấn đề “bút phê” đang ngày càng có nhiều biến tướng, lách quy trình, hoặc lợi dụng “bút phê”, “bút phê” không đúng vì các mục đích thiếu minh bạch. Sự việc này diễn ra ở nhiều mức độ, tính chất khác nhau. Có thể là sai phạm trong quy trình xử lý văn bản, chẳng hạn văn bản cấp dưới chuyển thẳng lên cấp trên xin “bút phê” mà không qua văn phòng, không lưu văn phòng, hay lãnh đạo “bút phê” bằng cảm tính theo đề xuất của cấp dưới. Đó cũng có thể là việc lãnh đạo lợi dụng chức quyền để “bút phê” những nội dung không đúng phạm vi công việc, chẳng hạn “bút phê” vào đơn xin học, đơn xin việc cho người thân… 
 
- PV: “Bút phê” thiếu giá trị pháp lý thực hiện, lại có nhiều “bút phê” không đúng, vậy cấp dưới khi nhận được những văn bản chỉ đạo có “bút phê” không đúng này có thể giải quyết thế nào, thưa ông?
 
- Dù chưa được luật hóa song với nguyên tắc lãnh đạo theo cơ chế Thủ trưởng hiện nay, “bút phê” có giá trị như một mệnh lệnh, buộc cấp dưới phải thi hành. Theo Luật Công chức và một số quy định pháp luật khác, cấp dưới khi nhận được chỉ đạo, kể cả bằng văn bản hay “bút phê” của cấp trên nếu thấy không đúng có thể kiến nghị, khiếu nại và trong thời gian kiến nghị này tạm dừng việc thi hành, thực hiện ý kiến chỉ đạo trên. Trường hợp nếu thấy chỉ đạo sai mà vẫn làm thì khi xảy ra sai phạm, cả người chỉ đạo, “bút phê” sai và người thực hiện đều phải liên đới trách nhiệm… Tuy vậy, trong thực tế đa số khi lãnh đạo đã có “bút phê” thì phải thực hiện theo.
 
- PV: Làm thế nào để khắc phục được tình trạng này?
 
- Chỉ khi có Luật ban hành văn bản hành chính thì những mặt trái này mới khắc phục được. Hiện tại, theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Chính phủ đang giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng dự thảo Luật này và dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến trong năm nay. Trong Luật Văn bản hành chính chắc chắn sẽ có những quy định, luật hóa cụ thể về các nội dung từ soạn thảo, trình văn bản, ký nháy, ký tắt, bút phê, lưu trữ văn bản… cũng như quy định xử phạt các cá nhân có sai phạm liên quan.
 
Theo An ninh Thủ đô
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo