Tin tức - Sự kiện

Đáng sợ!

Mục đích cao đẹp của ngành y là cứu người. Vì vậy, với những sai sót không có tính chủ ý của y, bác sĩ, hay bệnh viện thì có thể cảm thông, chia sẻ. Nhưng với những trường hợp biết sẽ gây thiệt thòi, thậm chí gây hại cho người bệnh mà vẫn cố làm vì tư lợi là rất điều đáng lên án.

Việc bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh vừa quyết định cách chức một bác sĩ trưởng khoa đã có tuổi, do liên quan đến nguồn máu truyền cho bệnh nhân “có vấn đề”, một lần nữa báo động về vấn đề y đức của ngành y tế càng phải được quan tâm nhiều hơn. Trước đó, có thông tin phản ánh vị bác sĩ trưởng khoa của bệnh viện này liên quan đến việc pha loãng máu bằng dịch truyền trước khi bán cho bệnh nhân để kiếm lợi - một việc chưa từng xảy ra ở ngành y tế trong nước.

 

Bệnh viện đã thành lập đoàn thanh tra làm rõ và phát hiện tại Khoa Xét nghiệm của bệnh viện Hà Tĩnh có một số bịch máu hàm lượng huyết cầu thấp hơn bình thường. Điều này chứng tỏ phản ánh trên là có cơ sở. Cộng với nhiều sai phạm bất thường khác ở Khoa Xét nghiệm, bệnh viện quyết định cách chức bác sĩ trưởng khoa.

 

Lâu nay, nhiều vấn đề sai phạm, “ăn gian” người bệnh, rút tiền nhà nước vẫn xảy ra ở các bệnh viện công như: rút ruột tiền, thuốc bảo hiểm y tế; hướng người bệnh mổ dịch vụ để “móc túi”; thu tiền người bệnh sai quy định…, nhưng lần này, người ta “ăn gian” đến cả máu thì quả thật đáng sợ!

 

Thông thường, khi xảy ra trường hợp tai biến, thậm chí chết người, gia đình bệnh nhân không chấp nhận, phản ánh thì bác sĩ, bệnh viện thường phân bua: “Mục đích của ngành y là nhằm cứu người bệnh, việc xảy ra tai biến, chết người là ngoài ý muốn, là sơ sót...”. Điều đó chỉ đúng ở những trường hợp thật sự sơ sót ngoài ý muốn, hay những trường hợp ca bệnh quá khó, vượt ngoài khả năng của bác sĩ, bệnh viện. Nhưng nếu mọi trường hợp đều biện minh như thế thì không ổn, khó chấp nhận.

 

Gần đây, liên tục xảy ra những ca tai biến, chết người bệnh, chết sản phụ, sơ sinh… trong đó có nhiều vụ người nhà rất bức xúc, cho rằng có sự tắc trách, chậm trễ xử trí của bác sĩ, của kíp trực thì ngành y tế cần xem lại một cách công tâm. Nếu các bác sĩ cứ mải lo “chạy sô”, làm dịch vụ, không còn thời gian theo dõi sát bệnh nhân, không có thời gian để cập nhật kiến thức chuyên môn (lĩnh vực y khoa luôn có sự thay đổi, phát minh, kỹ thuật mới được ứng dụng...) nhằm khám, và điều trị tốt hơn cho người bệnh thì trách nhiệm cũng thuộc về bác sĩ.

 

Người bệnh, xã hội luôn chia sẻ những cực nhọc, khó khăn của y, bác sĩ, những thiếu thốn về phương tiện của các bệnh viện, nhưng không chấp nhận sự tắc trách, cố tình làm tiền, “ăn gian” người bệnh…

 

Theo TN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo