Đánh giá của các chuyên gia.
Trong lúc các Doanh nghiệp khốn đốn vì không vay được vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) năm 2012 mang gần 20.000 tỷ đồng gửi ngân hàng.
(baodatviet) Phỏng vấn chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh:
Ông đánh giá như thế nào về Tổng công ty kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ phân bổ, điều tiết vốn cho các doanh nghiệp hỗ trợ nền kinh tế phát triển lại lựa chọn cách gửi hàng nghìn tỉ vốn vào ngân hàng để lấy lãi?
SCIC với những thông điệp hướng tới chuyên nghiệp, hoàn hảo, sáng tạo, năng động... thế nhưng trong thực tế SCIC lại không kinh doanh, đầu tư gì mà lại mang vốn gửi vào ngân hàng. Cách làm này không khác nào "một người về hưu không có khả năng đầu tư nào nên mới chọn cách làm như vậy".
Đó là một cách làm không phù hợp, đi ngược lại với lời tuyên ngôn của mình. Vậy, thực chất là gì, tại sao lại như vậy, chính SCIC phải giải thích.
Ngoài thu cổ tức, gửi tiền ngân hàng lấy lãi, một trong những công việc chính của SCIC là bán vốn nhà nước ở các doanh nghiệp SCIC đang làm đại diện. Theo thông tin từ SCIC, sau khi tiếp quản phần vốn nhà nước tại 949 doanh nghiệp từ năm 2006 đến nay, SCIC đã thực hiện tái cơ cấu vốn nhà nước thông qua việc phân loại doanh nghiệp và tiến hành bán vốn tại những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nhà nước không cần chi phối. Đến nay, “siêu tổng công ty” này đã bán vốn tại gần 600 doanh nghiệp, thu về cho Nhà nước hơn 3.300 tỉ đồng.
Tuy nhiên, trong năm 2012, hoạt động này lại tỏ ra không hiệu quả. Theo đó, doanh thu bán vốn chỉ chiếm tỉ trọng 0,4% tổng doanh thu với giá trị 169,7 tỉ đồng, trong khi doanh thu cổ tức chiếm đa số lên đến 55% tổng doanh thu.
Bên cạnh đó, SCIC có Hội đồng quản trị do chính Bộ trưởng Bộ tài chính đứng ra làm Chủ tịch, các Thứ trưởng các Bộ khác làm ủy viên Hội đồng quản trị đương chức. Vậy Hội đồng quản trị có ý kiến gì về việc làm này của SCIC? Hội đồng quản trị của SCIC cũng phải rút kinh nghiệm và nên có lời giải thích trước công luận.
Trong hai năm nay, nhiều chuyên gia kinh tế cũng đã lên tiếng về việc các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất phù hợp để duy trì sản xuất kinh doanh trong điều kiện nền kinh tế hiện nay. Thử làm một phép toán định lượng, theo ông, số tiền khoảng 19.600 tỷ đồng SCIC mang gửi tại các ngân hàng nếu hỗ trợ nếu đầu tư đúng chỗ có thể giúp bao nhiêu doanh nghiệp vượt qua khó khăn?
Hãy làm một phép tính, nếu một doanh nghiệp được vay 2 tỉ đã là mừng rỡ lắm rồi. Còn đối với doanh nghiệp gia đình, chỉ cần vay được 500 triệu họ đã có thể trang trải được các nhu cầu.
Nếu nhân lên sẽ tính được ngay bao nhiêu doanh nghiệp được giúp đỡ, bao nhiêu doanh nghiệp không bị phá sản.
Bình luận về sự thụ động này, có ý kiến cho rằng, việc đầu tư vào các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế như hiện nay tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, nếu lựa chọn sai có thể gây thất thoát tiền của dân. Ông có đồng tình với quan điểm trên không? Quan điểm của ông như thế nào?
Dĩ nhiên trong bất cứ một môi trường nào, đầu tư cũng phải có rủi ro. Nhưng SCIC là đơn vị được Nhà nước giao nhiệm vụ phân bổ, điều tiết vốn ở các doanh nghiệp hỗ trợ nền kinh tế phát triển hướng tới sự hoàn hảo, chuyên nghiệp, tầm nhìn thì tại sao lại có cách làm như vậy?
Trong khi sứ mệnh là hỗ trợ phân bổ, điều tiết vốn ở các doanh nghiệp hỗ trợ nền kinh tế phát triển thì việc đầu tư vào các doanh nghiệp lại rất thấp, thay vào đó lại mang vốn đi gửi tiết kiệm.
Thế thì phải lý giải thế nào? Chẳng lẽ, nền kinh tế này không còn gì có khả năng để đầu tư vốn hay sao? Tôi không nghĩ như thế, vì hiện nay nhiều doanh nghiệp thật sự rất đói vốn, họ cần một sự trợ giúp. Việc SCIC đang thu lại lợi nhuận thông qua kênh ngân hàng cũng có nghĩa thu lợi nhuận từ những doanh nghiệp nhỏ và vừa vay lại vốn của ngân hàng.
SCIC nên giải trình
Vậy ở các nước có nền kinh tế phát triển lâu đời, mô hình tương tự SCIC hoạt động như thế nào, thưa ông?
Mô hình SCIC ở Việt Nam lấy làm mô hình mẫu là Temasek/GIC của Singapore, tuy nhiên, Temasek nước ngoài trong thời gian vừa qua họ có hoạt động đầu tư có kết quả nhưng đồng thời cũng phải trả giá lớn.
Trong cuộc khủng hoảng của Mỹ năm 2008-2009, họ đã mất đến 30% vốn do đầu tư vào chứng khoán của Mỹ, và bà Ho Ching, phu nhân Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, đã phải thôi giữ chức vụ điều hành cao nhất tại tập đoàn Temasek Holdings 2 năm do làm ăn không hiệu quả. Nhưng nếu, họ không đầu tư vào chứng khoán và BĐS thì vẫn còn nhiều khoản khác để đầu tư.
Là công ty phân bổ và điều tiết vốn ở các doanh nghiệp hỗ trợ nền kinh tế phát triển lại lựa chọn cách gửi hàng nghìn tỉ vào ngân hàng để lấy lãi
Theo ông, nhân sự quản lý SCIC đòi hỏi phải có những năng lực như thế nào?
Ông Lê Đăng Doanh: - Về khả năng đầu tư, kinh doanh thì các quỹ đầu tư nước ngoài vẫn đầu tư, vẫn sống đó thôi. Dĩ nhiên cũng có những quỹ khác thì khắc khoải và biến mất nhưng cũng có nhiều quỹ vẫn đầu tư được. Muốn làm được như vậy, đòi hỏi người lãnh đạo phải có sự am hiểu, phải dấn thân, quyết tâm trong quyết định đầu tư của mình.
Hiệu quả hoạt động của những tổ chức này được đánh giá ra sao và nếu kinh doanh vốn của dân không hiệu quả, họ có phải chịu phạt không, thưa ông?
Chẳng lẽ Nhà nước quản lý mà lại không có một yêu cầu nào về hiệu quả của SCIC hay sao. Vấn đề này SCIC cũng nên giải trình rõ.
Phải đặt ra một tiêu chí nhất định đối với SCIC, tức là SCIC phải đạt được kết quả như thế nào, nếu không đạt được thì sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào. Mà trên thực tế, hiện nay tại Việt Nam chưa có một quy định cụ thế nào cho vấn đề này nên chỉ có "xin lỗi" rồi đâu lại vào đấy. Nghĩa là việc quy trách nhiệm đang bị thả nổi và đó là cách làm không hiệu quả.
Trong khi đó, ở Trung Quốc trước khi bổ nhiệm lãnh đạo cao nhất trong hợp đồng bổ nhiệm đã quy định rất rõ và đặt ra một chỉ tiêu tối thiểu, nếu không đạt được thì Tổng giám đốc, lãnh đạo cao nhất sẽ bị cách chức ngay.
SCIC cần phải công khai và chịu giám sát
Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Phan Văn Khải ký năm 2005, SCIC được thành lập với nhiệm vụ tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại các công ty TNHH nhà nước, công ty cổ phần được chuyển đổi từ các công ty nhà nước độc lập hoặc mới thành lập.
SCIC được đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước dưới hình thức: góp vốn vào những lĩnh vực Nhà nước cần chi phối để thành lập doanh nghiệp mới; đầu tư góp vốn liên doanh, liên kết, góp vốn cổ phần với các doanh nghiệp khác; đầu tư mua một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp khác; đầu tư trên thị trường vốn, chứng khoán thông qua mua bán cổ phiếu, trái phiếu và công cụ tài chính khác.
Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, mấy năm qua SCIC lại cho thấy có không ít vấn đề về tổ chức, vận hành, hiệu quả. Kết quả hoạt động năm 2012 dù lãi nhưng lại cho thấy SCIC đang phải phụ thuộc khá lớn vào một số doanh nghiệp lớn làm ăn có lãi như Vinamilk và coi đấy là hiệu quả của mình. Như thế không thật sòng phẳng. Trong khi đó, SCIC lại có nhiều quyết định đầu tư khó hiểu như đầu tư cả ngàn tỉ đồng vào Vinaconex trong khi hoạt động của Vinaconex cũng như của toàn ngành bất động sản, xây dựng năm 2012 còn nhiều vấn đề...
Còn việc SCIC dùng vốn nhà nước gửi ngân hàng theo bà Lan, "Tất nhiên thị trường trầm lắng thì đem gửi tiết kiệm là cách kinh doanh dễ nhất, sử dụng tốt nhất lợi thế của SCIC nhưng lại đem lại lợi ích chung ít nhất. Tuy nhiên, việc SCIC gửi tiền ngân hàng cần công khai minh bạch và SCIC cần giải thích rõ để dư luận hiểu.
“Thực tế SCIC không đem lại nhiều lợi ích như chúng ta mong muốn” do đó, “cần đưa SCIC khỏi Bộ Tài chính, buộc nó phải công khai, chịu sự giám sát như công ty niêm yết” và SCIC nên hoạt động theo đúng mô hình Temasek định hướng ngay từ đầu.
Nguyễn Vũ (thực hiện)
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Triết lý “đô thị vị nhân sinh” dẫn lối hành trình kiến tạo đô thị bền vững tại The Global City
FID báo cáo sai khoản lỗ
Giá vàng trong nước ngày 25/12/2024: Duy trì ổn định bất chấp vàng thế giới tăng
Giá ngoại tệ ngày 25/12/2024: USD giữ đà tăng trong kỳ nghỉ lễ
Giá nông sản ngày 25/12/2024: Giá cà phê tăng nhẹ, hồ tiêu giữ vững mức cao
Giá heo hơi ngày 25/12/2024: Miền Nam và miền Trung tiếp tục xu hướng tăng
Cột tin quảng cáo