Đánh giá học sinh tiểu học: đóng dấu thay lời phê
Một phụ huynh có con học Trường tiểu học Kim Liên (Hà Nội) cho biết: “Thay vào việc cho điểm, giờ đây trong vở của con tôi chỉ thấy xuất hiện các loại dấu được đóng bên lề hoặc dưới mỗi bài tập, bài viết. Những dấu màu đỏ có hình mặt cười thể hiện sự khen ngợi, dấu có hình mặt mếu thể hiện sự không hài lòng. Ngoài ra còn có các loại dấu khắc sẵn lời nhận xét được giáo viên đặt mua để “cộp” vào vở HS như dấu “cô khen”, “con cần cố gắng”, “con có tiến bộ”...”.
Đổ xô đi... khắc “lời nhận xét”
Một giáo viên Trường tiểu học Trung Tự (Hà Nội) giải thích: “Việc ghi nhận xét cho từng HS rất mất công, trong khi sĩ số HS trên 50 cháu/lớp. Vì thế, khắc sẵn lời nhận xét vào con dấu để “cộp” vào vở HS sẽ nhanh hơn...”.
Cô giáo này cho biết nhiều trung tâm tiếng Anh của người nước ngoài cũng sử dụng các dấu hình hoa, mặt cười, mặt mếu để nhận xét rất phổ biến. Cách đó không gây áp lực, lại phù hợp với tâm lý trẻ con.
Theo cô giáo này, trước đây cô đã có các con dấu hình hoa, mặt cười, sau khi thực hiện thông tư 30 về đổi mới đánh giá HS tiểu học, cô làm thêm một số con dấu có lời nhận xét dài hơn.
Ðây là việc nhiều giáo viên tiểu học đang sử dụng để “vượt khó” khi phải đối diện với nhiều loại sổ sách và khối lượng công việc lớn hơn với yêu cầu kiểm soát, theo dõi, kèm cặp, động viên khích lệ từng HS.
Một giáo viên Trường tiểu học Phương Mai (Hà Nội) cũng cho biết: “Tùy theo mỗi giáo viên có cách khắc phục riêng, nhưng hầu như cô nào cũng có 5-6 loại dấu nhận xét khác nhau”.
Trao đổi về các sáng kiến trong việc “thay chấm điểm bằng nhận xét”, cô Nguyễn Thị Kim Dung - hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Hoàng (Hà Nội) - chia sẻ: “Ở trường tôi, các cô cũng có sử dụng các con dấu để khen ngợi HS hoặc nhận xét chung."
"Nhưng lãnh đạo nhà trường khi tập huấn cho giáo viên cũng đã phổ biến kỹ, những “lời nhận xét gỗ” chỉ có thể sử dụng trong những trường hợp nhất định, chủ yếu dành cho những HS đã hoàn thành tốt, không có biểu hiện quá đặc biệt cả ở khía cạnh tích cực hay tiêu cực."
"Với những HS có thay đổi về khả năng tiếp thu, kết quả học tập, thái độ học tập theo chiều hướng tốt lên hay xấu đi, cần phải khuyến khích, chỉ dẫn thì không thể sử dụng “nhận xét bằng dấu gỗ” mà bắt buộc giáo viên phải nhận xét bằng lời nói, bằng chữ viết cụ thể”.
Trái ngược với việc chạy theo “lời nhận xét gỗ”, tại Hà Nội vẫn có một số trường tiểu học thực hiện việc đổi mới đánh giá HS với sự nỗ lực rõ rệt. Nhận xét về một tuần “đổi mới”, một phụ huynh có con học lớp 1 Trường tiểu học Thăng Long (Hà Nội) cho biết: “Tôi thấy rõ sự nhẫn nại của cô giáo chủ nhiệm đối với con mình. Các bài tập toán, tiếng Việt, bài rèn chữ của con đều có lời nhận xét của cô rất cụ thể và khác biệt”.
Theo phụ huynh này, con gái chị có thể lực không tốt, tính tình nhút nhát, thường chậm hơn các bạn, vì thế những lời nhận xét của cô giáo thường rất cụ thể, chi tiết, nhưng cũng nhẹ nhàng, không gây áp lực.
Nhiều “sáng kiến”
Lo lắng về khối lượng công việc mới nhưng nhiều giáo viên ở các trường tiểu học cũng lo “ý thức học tập của HS giảm sút khi không cho điểm”.
Ðể thay thế điểm số, cách làm phổ biến của nhiều giáo viên ở Hà Nội là sử dụng “hoa” thay thế.
Hoa của các cô giáo có thể là những hình bông hoa được cắt vuông vắn hay hình tròn, hoặc bông hoa làm bằng giấy như thật.
“Một HS đạt yêu cầu cô giáo đặt ra sẽ được tặng một bông hoa. HS đạt kết quả tối đa, giải được những bài toán khó nhất, hoặc có hành động, việc làm đặc biệt tích cực có thể được cô tặng 2-3 bông hoa” - một giáo viên Trường tiểu học Lê Văn Tám cho biết.
Một cách khác, như tại Trường tiểu học Ðoàn Thị Ðiểm (Q.Nam Từ Liêm), giáo viên đánh giá HS thông qua hình thức cắm cờ leo đỉnh Phanxipăng.
HS trả lời đúng yêu cầu, làm tốt bài tập sẽ được nhận một lá cờ, cắm dần theo các mốc tương ứng với độ cao của ngọn núi.
Trường tiểu học Ngọc Khánh (Hà Nội), giáo viên có sáng kiến lồng ảnh HS trong bông hoa dán lên bảng theo từng nhóm có kết quả nổi bật.
Theo ông Phạm Xuân Tiến - phó giám đốc Sở GD-ÐT Hà Nội, các sáng kiến khích lệ HS đều có thể sử dụng và có giá trị nhất định trong việc đo lường, đánh giá HS.
Tuy nhiên, từ hình thức “nhận xét bằng gỗ” đến các hình thức khen bằng hoa, bằng cờ đều không thể thay thế hoàn toàn việc nhận xét trực tiếp hoặc bằng chữ viết của giáo viên.
Ngoài ra, giáo viên các trường cũng cần tăng cường các “kênh nhận xét” khác có tác động tích cực đến quá trình học tập của HS như HS tự nhận xét lẫn nhau trong mỗi tình huống giáo dục, trong mỗi tiết học, bài học. Phụ huynh nhận xét, góp ý về việc học tập, rèn luyện của HS.
“Tuy vậy, không nên cứng nhắc áp dụng một hình thức nhận xét cụ thể nào mà cần linh hoạt, cũng không nên gò ép giáo viên một tiết học phải nhận xét tất cả HS trong lớp... Nếu hiểu đúng tinh thần thông tư 30 thì sẽ thấy không quá khó khăn để thực hiện việc đổi mới đánh giá” - ông Tiến trao đổi.
Tại Hà Nội, hầu hết các trường đang thực hiện mô hình trường học mới (dự án VNEN), giáo viên đều cho biết không gặp khó khăn với việc đổi mới đánh giá HS, bởi trên thực tế, để thực hiện mô hình dạy học này, giáo viên và HS đã phải làm quen với việc thường xuyên nhận xét, đánh giá, trao đổi, thảo luận nhóm.
Nhưng với những trường vẫn quen với lề lối cũ thì việc đổi mới đánh giá HS là việc khó khăn. Nếu không có sự kiểm soát, điều chỉnh và cùng các trường giải quyết những vấn đề nảy sinh thì việc đổi mới có thể sẽ rơi vào tình trạng đối phó.
TP.HCM: bỏ các “con dấu” tượng trưng
Năm học 2013-2014, khi triển khai đánh giá HS lớp 1 bằng nhận xét, nhiều trường tiểu học ở TP.HCM đã dùng các con dấu khắc hình mặt cười, bông hoa, lá cờ, màu sắc... để đánh giá HS. Ví dụ: màu đỏ tượng trưng cho 9, 10 điểm, màu vàng tượng trưng 7, 8 điểm, màu xanh: 5, 6 điểm... Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, kể từ ngày 15-10, nhiều trường đã bỏ không sử dụng con dấu này mà chỉ thuần đánh giá bằng nhận xét mà thôi.
Ông Nguyễn Quang Vinh, trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: “Trong buổi tập huấn về đánh giá bằng nhận xét mới đây, Sở GD-ĐT đã nhắc các trường rằng việc sử dụng con dấu lá cờ, mặt cười...chỉ mang tính chất động viên, khen thưởng HS mà thôi. Ví dụ như HS giỏi thì tặng cho các em lá cờ hoặc ông sao để khen thưởng chứ không thể thay thế lời nhận xét được. Nhận xét bằng lời hay bằng chữ thì lời nhận xét của giáo viên cũng cần hội đủ ba yếu tố: khen ngợi HS, chỉ ra thiếu sót của HS và đề ra hướng khắc phục thiếu sót đó cho HS.
Theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT TP.HCM, HS được xét hoàn thành chương trình cuối năm với mức đánh giá: hoàn thành, điểm kiểm tra định kỳ đạt từ 5 trở lên, đạt chuẩn về phát triển năng lực, phẩm chất. Cuối kỳ hoặc cuối năm, HS sẽ được khen thưởng với các nội dung như có thành tích nổi bật, tiến bộ vượt bậc, đạt thành tích trong phong trào thi đua, chứ không có danh hiệu HS giỏi hay tiên tiến như trước đây.
End of content
Không có tin nào tiếp theo