Đánh thức thương hiệu quế Trà My
Thị trường quế đang sôi động trở lại
Ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, cây quế đã gắn liền với phong tục, tập quán và đời sống tâm linh, kinh tế, văn hóa của đồng bào các dân tộc Trà My. Những năm 80-90 của thế kỷ 20, cây quế, nhất là quế Trà My có giá trị kinh tế rất cao, được biết với cái tên “Cao Sơn ngọc quế”. Sản phẩm từ cây quế đã được tiêu thụ mạnh tại thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo nguồn thu chủ yếu cho người dân vùng trồng quế, rất nhiều hộ ở các xã Trà Leng, Trà Dơn, Trà Tập… có “của ăn, của để”. Cây quế trở thành cây chủ lực trong phát triển kinh tế của huyện Trà My.
Để giữ nguồn gene quý từ quế Trà My, kể từ khi tái lập huyện đến nay, huyện Nam Trà My đều đưa chỉ tiêu phát triển cây quế vào Nghị quyết nhiệm vụ nhiệm kỳ, năm; HĐND tỉnh Quảng Nam cũng có Nghị quyết chuyên đề về bảo tồn và phát triển quế Trà My; tháng 10/2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “Trà My” đối với sản phẩm quế Võ Trà My (Quảng Nam). Đây là những quyết sách lớn tạo ra cơ hội mới cho việc phát triển cây quế trên địa bàn huyện.
Hiện tại, trên địa bàn huyện Nam Trà My có 10/10 xã trồng quế, sản lượng, diện tích quế không ngừng tăng lên qua các năm, diện tích trồng quế hiện nay là 2.864 ha, sản lượng năm 2017 đạt khoảng 350 tấn, tăng 200 tấn so với năm 2011. Những năm gần đây, thị trường quế đang sôi động trở lại, giá bán các sản phẩm từ quế đã dần có sự cải thiện, nhờ vậy mà người trồng quế có thể sống được từ cây quế.
Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm quế trên địa bàn huyện Nam Trà My chưa được thực hiện tốt. Hầu như chưa có đơn vị thu mua, chế biến nào tham gia ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho người dân, người nông dân chỉ biết bán các sản phẩm thô với giá cả bấp bênh, khiến người dân trồng quế lao đao do không bán được sản phẩm từ cây quế.
Đại diện cho các hộ dân trồng quế, ông Phan Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Trà Leng, huyện Nam Trà My cho biết bà con trồng quế mong muốn có các cơ sở thu mua nguyên liệu quế ổn định, được chuyển giao công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hợp tác ổn định hơn giữa doanh nghiệp và người dân để tận thu, thu mua các sản phẩm từ quế như cành, lá, thân gỗ và giúp người dân xử lý triệt để bệnh tua mực trên cây quế.
Quế Trà My có thể trở thành thương hiệu toàn cầu
Ông Reggie Turner, thương gia người Australia chuyên tiếp thị, bán và phân phối các sản phẩm quế, cho biết, khách hàng của ông tại Australia và Hoa Kỳ rất hài lòng với chất lượng vượt trội của quế Trà My so với các loại quế khác như quế Sri Lanka. Quế Trà My có thể và nên được ghi nhận trên toàn thế giới là quế có chất lượng cao, có thể được sản xuất thành các sản phẩm chăm sóc sức khỏe có chất lượng.
Tuy nhiên, để có sản phẩm tốt, phụ thuộc nhiều vào nông dân bảo vệ các khu trồng quế, phát triển chất lượng quế và đầu tư vào các khu trồng quế mới. Song người nông dân không thể tự trang trải chi phi này, do đó, mô hình hợp tác là cần thiết, gồm người nông dân, nhà khoa học, chính quyền, người sản xuất, người phân phối và người bán.
Theo ông Reggie Turner, nhu cầu đối với các sản phẩm sức khỏe y tế và thảo dược đang ngày càng tăng trên toàn thế giới và thế giới đang kỳ vọng Việt Nam đáp ứng nhu cầu này. Ông tin rằng Việt Nam có thể xây dựng thương hiệu toàn cầu cho quế Trà My. Thương hiệu này sẽ tăng thêm giá trị cho các sản phẩm quế được trồng và sản xuất tại Việt Nam, cũng như đem lại doanh thu cao hơn cho người nông dân khi thu hoạch quế.
Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, chế biến và xuất khẩu Hương Quế, quế Trà My là loại quế có chất lượng rất cao, nhưng với yêu cầu thị trường thế giới hiện nay chúng ta phải chọn cách trồng, chăm sóc, khai thác và bảo quản theo tiêu chuẩn organic để tạo ra sản phẩm quế sạch. Trước mắt nên thí điểm xây dựng một vùng chuyên canh quế tại xã Trà Leng theo chuẩn organic, trên cơ sở đó nhân rộng mô hình này để nâng cao giá trị thương hiệu quế Trà My.
Đồng thời, phải chú trọng khuyến cáo, hướng dẫn cụ thể cho người dân trong việc khai thác, bảo quản sau khai thác nhằm giữ gìn được chất lượng của quế để tạo ra giá trị cao hơn trong việc giao thương, cũng như chế biến ra các sản phẩm có giá trị cao. Hạn chế tối đa việc bán non, bán thô, làm giảm hiệu quả kinh tế của người trồng quế.
Theo ông Sơn, để bảo vệ thương hiệu quế Trà My, địa phương cần có giải pháp mạnh để ngăn chặn tất cả các loại quế khác xâm nhập vào lãnh thổ Quảng Nam “mượn danh” quế Trà My làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu “Cao Sơn ngọc quế”. Đồng thời, phải đẩy mạnh tuyên truyền để người trồng quế biết quý trọng, gìn giữ, bảo vệ để phát triển giống quế Trà My; đẩy mạnh đầu tư, quảng bá rộng rãi để thị trường quốc tế biết đến loại sản phẩm quý này. Làm được như vây không những trả lại giá trị quế Trà My như thập kỷ 80 của thế kỷ trước mà còn được nâng cao hơn nữa trong thời gian tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 11/1/2025: SJC chính thức vượt mốc 86 triệu đồng
Giá ngoại tệ ngày 11/1/2025: USD tăng mạnh, Index gần chạm mốc 110
Danh tiếng 'vua sầu riêng' thế giới gọi tên Việt Nam
Chống lãng phí đất đai - Bài 1: Bờ xôi ruộng mật bị bỏ hoang
Kinh doanh online hết thời trốn thuế
Giá heo hơi ngày 11/1/2025: Miền Bắc vươn lên dẫn đầu với mức 69.000 đồng/kg