Thị trường

Đánh thuế thu nhập đặc biệt nước ngọt có ga không cồn: Người tiêu dùng gánh thiệt hại

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nước ngọt có ga không cồn sẽ đẩy các doanh nghiệp trong nước vào khốn khó và tạo cơ hội cho hàng lậu chảy vào thị trường nội địa. Và gánh hậu quả cuối cùng của việc này chính là người tiêu dùng.

Khi giá nước ngọt có ga không cồn bị đẩy lên cao vì thuế TTĐB thì người tiêu dùng gánh chịu thiệt hại - Ảnh: Hương Giang

Làm khó hàng nội

Kéo sức mua, giải pháp được các cơ quan có thẩm quyền cho rằng hiệu quả nhất là doanh nghiệp phải giảm giá sản phẩm. Để tạo điều kiện cho việc này, chính phủ cũng đưa hàng loạt các giải pháp giảm, giãn, miễn thuế, hạ lãi suất... cho doanh nghiệp. 

Vì vậy, đề xuất đánh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) lên nước ngọt có ga đang đi ngược với chính sách điều hành chung của chính phủ. Thậm chí, có thể bóp chết ngành công nghiệp còn non trẻ này của Việt Nam.

Từ góc độ nhà quản lý, TS. Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) cho rằng sắc thuế này sẽ gây sự bất bình đẳng giữa các loại nước ngọt. 

Hiện nay cả nước có 140 doanh nghiệp sản xuất nước giải khát, năm 2013 cung cấp 4 tỷ lít nước ngọt. 

Nếu đánh thuế lên 925 triệu lít nước ngọt có ga sẽ là đi ngược lại với xu hướng chính sách thuế minh bạch, công bằng của thế giới.

Đặc biệt, trong số doanh nghiệp sản xuất nước giải khát có doanh thu lớn nhất hiện nay, có quá nửa là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với những nhãn hiệu nổi tiếng toàn cầu như Coca-Cola, Pepsi, 7-Up, Red Bull… 

Vì vậy, việc đánh thuế TTĐB đối với nước ngọt có ga, sẽ gián tiếp đẩy hàng loạt doanh nghiệp sản xuất nước giải khát nội địa rơi vào khó khăn.

Mở đường cho hàng lậu 

Đáng lo ngại hơn, việc đánh thuế TTĐB lên nước ngọt có ga chắc chắn sẽ tạo cơ hội lớn cho các mặt hàng cùng chủng loại của nước khác "chảy lậu" vào nội địa. 

Bởi trong cùng một cộng đồng kinh tế, nếu có sự khác biệt về hệ thống thuế giữa các quốc gia thì cái khó của nước này sẽ là cơ hội của nước khác. 

Điều này đã xảy ra với Liên minh châu Âu (EU). Khi Đan Mạch, Hà Lan, Pháp áp dụng thuế TTĐB cho nước giải khát không cồn có ga, người dân đã sang các nước láng giềng để mua nước ngọt có ga với mức giá rẻ hơn do không bị đánh thuế. Việc này đã gây ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu của Đan Mạch. 

Nước này cùng với Hà Lan cuối cùng đã bắt đầu lộ trình xóa bỏ thuế TTĐB cho nước giải khát có ga không cồn từ năm 2013. 

Trở lại câu chuyện của Việt Nam, hoàn toàn có thể xảy ra nguy cơ, khi giá nước ngọt có ga không cồn bị đẩy lên cao vì thuế TTĐB, sản phẩm cùng loại nhưng giá rẻ hơn từ bên kia biên giới sẽ tràn vào nội địa. 

Lúc này sẽ dẫn đến 2 nguy cơ cho người tiêu dùng. 

Đầu tiên là sử dụng hàng lậu không rõ nguồn gốc, chất lượng, có thể ảnh hưởng tiêu cực về sức khỏe. Nếu sử dụng hàng trong nước thì họ phải trả giá cao hơn. Nói chung gánh chịu thiệt hại cuối cùng vẫn là người tiêu dùng trong nước.

Về vấn đề này, theo phát biểu của ông Nguyễn Sỹ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của quốc hội, tại một cuộc hội thảo gần đây, ở đâu trên đất nước Việt Nam cũng có thể mua hàng lậu, hàng trốn thuế thì liệu rằng nước ngọt có ga không cồn ở các quốc gia láng giềng có mức thuế thấp sẽ không vượt biên chảy vào thị trường trong nước?

Chúng ta đều biết, thuế TTĐB luôn được sử dụng để “đánh” vào các mặt hàng xa xỉ phẩm, phục vụ nhu cầu của một nhóm người có thu nhập cao vượt mức trong xã hội. 

Trong khi đó, nước ngọt có ga không cồn chỉ là một mặt hàng phổ thông, được người dân sử dụng rộng rãi, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. 

Vậy đánh thuế TTĐB cho sản phẩm này chính là đặt thêm gánh nặng lên vai những người có thu nhập thấp. 

Không có gì đảm bảo việc đánh thuế lên nước ngọt có ga không cồn sẽ hạn chế sử dụng để đạt mục tiêu "bảo vệ sức khỏe cộng đồng" như lập luận của Bộ Tài chính. 

Nhưng điều chắc chắn xảy ra là nhu cầu tiêu dùng sẽ chuyển sang các loại sản phẩm na ná, đồng dạng. 

Theo Thanh Niên
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo