Thị trường

Đào rừng được bán với giá vài chục triệu đồng vẫn hút khách

(DNVN) - Những ngày sát Tết Nguyên Đán 2018, những cành đào rừng hoang dã, mang vẻ đẹp thiên nhiên của núi rừng Tây Bắc thi nhau ùn ùn đổ về Hà Nội phục vụ giới sành chơi. Dọc theo một số tuyến đường như Lạc Long Quân, Nghi Tàm, Âu Cơ, Láng và Lê Văn Lương kéo dài tìm hiểu được biết, giá đào rừng ở đây không hề rẻ. Có những cành được bán ra với giá vài chục triệu đồng nhưng vẫn hút khách.

Đào rừng được bán với giá vài chục triệu đồng vẫn hút khách.

Những ngày này, đi dọc những tuyến đường Lạc Long Quân, Nghi Tàm, Âu Cơ, Láng, Lê Văn Lương kéo dài,... người đi đường dễ dàng bắt gặp hàng trăm cành đào rừng to nhỏ khác nhau được bày bán khắp 2 bên đường, nhìn xa không khác gì những cành củi khô. Tuy nhiên, mỗi cành đào rừng ở đây có một thế khác nhau, không cành nào giống cành nào. Chúng chỉ có một điểm chung duy nhất là giá cả khá đắt đỏ.

Theo quan sát của phóng viên DNVN, vào thời điểm hiện tại không có cành đào rừng nào có giá dưới 1.000.000 đồng. Thậm chí, có những cành gốc to, độ tỏa rộng giá lên đến 30-50 triệu đồng/cành.

Thực tế, lý do đào rừng có giá đắt đỏ như vậy là bởi nguồn hàng đang khan hiếm. Trong những năm gần đây, người săn đào rừng liên tục chặt bán nên những cây đào không kịp sinh trưởng, khó tìm được đào già và đẹp mắt.

Theo những người buôn đào rừng, vào khoảng thời gian trước rằm tháng Chạp, những thương lái đào lâu năm, kì cựu sẽ bắt đầu lên các tỉnh vùng núi Tây Bắc để săn đào gốc to, cành đẹp. Những cành đào được chọn sẽ được đánh dấu gốc, chờ đến sau rằm tức khoảng 18 - 20/12 âm lịch bắt đầu chặt rồi mang về xuôi bán.

Anh Hùng ở đường Láng ( Hà Nội ) cho biết, các năm trước anh bán được khoảng 300 - 400 gốc đào rừng. Để vận chuyển được những cành đào “khủng” này về tới Hà Nội, tôi phải khéo léo buộc cành cho thật gọn gàng, thậm chí vận chuyển hẳn bằng xe container. Những khách hàng ưa chuộng đào rừng thường là các công ty, cơ quan hoặc những gia đình có không gian rộng sẽ thích cành đào rừng tán rêu mốc và hoa nở phớt hồng, trông rất đẹp và lạ mắt. Tất nhiên, đi kèm với mức giá bán ra không hề rẻ. So với đào Nhật Tân, giá đào rừng đắt hơn rất nhiều.

 

Anh Nguyễn Mạnh Thắng, chủ bán đào trên vỉa hè Lạc Long Quân (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, giá cả tùy thuộc vào mỗi cành. Cành to, đẹp và có rêu phủ gốc thì khoảng 20 triệu đến 30 triệu đồng/cành. Cành nhỏ thì từ vài trăm nghìn đến vài triệu đồng/cành. Thậm chí có cây lên tới 50 triệu đồng. Ngoài ra, giá bán còn tùy thuộc vào hoa, nụ trên cành và gặp được khách nữa. Có những khách biết chơi đào, họ nhìn cành nào ưng thì bán được giá tốt, gặp khách không biết chơi đào họ kì kèo thì mất giá, lãi chẳng được bao nhiêu..

Theo quan sát tại các địa điểm đã nêu trên, một tay buôn đào rừng ít nhất cũng chở từ 60 - 100 cây/chuyến. Dọc các tuyến đường khác của Hà Nội,  nguồn đào rừng đổ về từ Sapa, Thuận Châu, Mộc Châu,... trong những ngày tới có thể còn tăng cao. 
Đào bị chặt hạ đa số từ 3 - 4 năm tuổi trở lên. Những cây trên 15 - 20 năm rất hiếm. Nguy cơ đào mọc không kịp bù đào bị chặt là hoàn toàn có cơ sở. Đó là chưa kể những hộ trồng đào chuyên nghiệp tại Nhật Tân hàng năm vẫn nhập một số lượng gốc đào không nhỏ từ các vùng núi để ghép gốc với đào bích, phục vụ cho mục đích kinh doanh dịp Tết Nguyên Đán.

Thiết nghĩ, năm nào cũng chặt cả gốc lẫn cành như vậy thì chẳng bao lâu nữa đào rừng liệu có còn không? Thực tế cho thấy, rất nhiều cánh rừng đào ở vùng Tây Bắc có tuổi hàng chục, thậm chí cả vài chục năm có nguy cơ biến mất. Chơi xuân bằng đào rừng, đó là nhu cầu chính đáng và việc khai thác đào rừng để mưu sinh cũng không ảnh hưởng đến vấn đề đạo đức. Nhưng mỗi người thử xem, chúng ta chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt mà không nghĩ tới cái bất lợi lâu dài ở mai sau. Vì vậy, song song với việc chơi đào, thiết nghĩ cần có cả phương án bảo tồn giống đào rừng ở những cánh rừng Tây Bắc. Để năm nào đào rừng cũng rộn ràng về xuôi, cùng khoe hương khoe sắc trong tiết xuân đất trời đẹp đẽ.

Nên đọc

 

Tuyết Thùy
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo