Xã hội

Đất nước cần động lực phát triển mới

Chiều 13/1, thảo luận tại hội nghị UB TƯ MTTQ Việt Nam, GS Tương Lai lưu ý đến việc đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân, tạo ra nguồn động lực mới để phát triển.

 Ông Đặng Văn Khoa, ủy viên UB MTTQ TP.HCM nhận định: Tham nhũng có mặt ở các cấp và trong mọi lĩnh vực từ kinh tế, đất đai, xây dựng, văn hóa, giáo dục, y tế, thậm chí cả trong giảm nghèo cũng có tham nhũng.

Ông Khoa cũng nêu 2 tâm trạng của người dân trong công cuộc phòng chống tham nhũng hiện nay, gồm cả sự tin tưởng lẫn nỗi thất vọng.
 
Ông Đặng Văn Khoa: Sự tin tưởng vẫn còn
 
Theo ông Khoa, người dân thất vọng vì những gì được đưa ra xử lý thực chất chỉ là một phần nhỏ.
 
Tuy nhiên, sự tin tưởng vẫn còn. Bởi các lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước đã có những tuyên bố không thể mạnh mẽ hơn thể hiện quyết tâm chống tham nhũng. Thời gian qua, người dân đã nhìn thấy những tín hiệu hành động rõ rệt.
 
Sự tin tưởng, theo ông Khoa, còn đến từ một yếu tố khác: Nhân dân tin rằng Đảng biết rất rõ tham nhũng ở đâu, tham nhũng ở ai, cách nào để tham nhũng và cách nào trị tham nhũng. Đảng đã lãnh đạo nhân dân và mang lại những chiến thẳng chói lọi trong lịch sử, vì thế Đảng không thể để một bộ phận không nhỏ tha hóa xuống cấp, làm suy giảm lòng tin, ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.
 
Đổi mới thể chế để diệt tham nhũng
 
Phát biểu sau ông Khoa, GS Tương Lai nói cần trị thật nghiêm tham nhũng, phải quyết liệt đến cùng với các vụ đại án tham nhũng và đẩy tới một cách công khai minh bạch cuộc đấu tranh chống tham nhũng là việc phải làm. Nhưng quan trọng hơn nữa là phải dám chỉ ra một cách thật sòng phẳng: Cội nguồn của tham nhũng là ở đâu?
 
“Quyền lực có xu hướng tham nhũng, quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng tuyệt đối. Chừng nào còn duy trì quyền lực tuyệt đối (quyền lực không có sự kiểm soát) thì chừng ấy không thể thanh toán được tham nhũng. Cho nên, đổi mới thể chế chính là chữa tận gốc tham nhũng”, GS Tương Lai nhấn mạnh.
 
GS Tương Lai: Nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế
 
Theo GS Tương Lai, thể chế chính trị hiện đại phải dựa vào cặp “song sinh” (là dân chủ và nhà nước pháp quyền) để chống tham nhũng. 
 
Bởi dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Dân chủ cũng là xu thế khách quan trong tiến trình phát triển của xã hội loài người.
 
Cùng với bảo đảm quyền dân chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền. Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải.
 
Đánh giá những sự kiện lớn diễn ra trong thời gian qua “biểu hiện khá tập trung và rõ nét diện mạo đời sống đất nước”, GS Tương Lai băn khoăn đó liệu có phải là “một ngọn gió lành thổi vào đời sống đất nước vì nó đáp ứng được những chất chứa bức xúc trong tâm trạng xã hội”?
 
Có thể nói những sự kiện ấy là những đợt sóng cồn dội vào tâm trạng xã hội vốn chứa chất nhiều bức xúc. Người lãnh đạo phải chủ động đáp ứng những đòi hỏi bức xúc ấy nhằm giải tỏa tâm trạng của quần chúng nhân dân, tạo ra một động lực mới thúc đẩy xã hội đi tới. Thông điệp đầu năm của Thủ tướng đã thể hiện rõ điều đó - GS nói.
 
Đất nước cần động lực mới
 
GS Tương Lai đặc biệt lưu ý đến việc đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân để tạo ra nguồn động lực mới cho sự phát triển của đất nước.
 
Theo ông, nhìn lại gần 30 năm qua, những bước phát triển vượt bậc của đất nước đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế, bản chất là mở rộng dân chủ, thực hiện cơ chế thị trường trong hoạt động kinh tế mà bước đột phá lớn và toàn diện là ĐH 6 của Đảng.
 
Nhưng trong những năm gần đây, năng lực cạnh tranh của nước ta chậm được cải thiện, tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng đã chậm lại, xã hội có không ít những vấn đề bức xúc.
 
Một trong những nguyên nhân là động lực mà những cải cách trước đây tạo ra không còn đủ mạnh để thúc đẩy phát triển. Đây là lúc đất nước cần có thêm động lực để lấy lại đà tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.
 
Nguồn động lực đó phải đến từ đổi mới thể chế và phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân. Có thể nói, đây là nhân tố quyết định đưa đất nước vượt qua những trì trệ yếu kém hiện nay - vị GS nhấn mạnh.
VietnamNet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo