Dầu ăn tái chế: thực phẩm độc hại
(kienthuc) Xét về cảm quan, dầu ăn tái chế lẫn dầu tinh luyện đều không có sự khác nhiều về màu sắc, mùi vị, nhưng chất lượng hoàn toàn khác.
Độc hại khôn lường
Không như dầu ăn tinh luyện được sản xuất bởi các công ty lớn với dây chuyền công nghệ hiện đại, dầu ăn tái chế được sản xuất bởi các cơ sở tư nhân không giấy phép từ nguồn nguyên liệu là dầu ăn đã qua sử dụng (chiên, xào), được thu gom, xử lí sơ sài rồi phân phối lại cho người tiêu dùng, các nhà hàng, quán ăn với giá rẻ. Dầu tái chế do đã qua chiên rán nhiều lần cộng với việc tái chế ở nhiệt độ cao nên chứa nhiều axit béo dạng trans. Mặt khác, nhiều cơ sở tái chế có thể sử dụng hóa chất trôi nổi trong quá trình xử lí nên dầu tái chế hoàn toàn không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của Bộ Y tế, gây ảnh hưởng độc hại cho sức khoẻ người sử dụng.
Theo TS Nguyễn Thanh Phong, Cục phó Cục An toàn thực phẩm, xét về cảm quan, dầu ăn tái chế lẫn dầu tinh luyện đều không có sự khác nhiều về màu sắc, mùi vị, nhưng chất lượng hoàn toàn khác nhau. "Dầu tái chế đã được đun ở nhiệt độ cao nhiều lần nên thành phần hóa học bị biến đổi. Vitamin và một số chất dinh dưỡng đã bị phá hủy, xuất hiện một số chất độc như aldehyde, fatty axit oxide... rất nguy hại cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Trong dầu tái chế còn có nhiều axit béo cấu hình trans (axit béo bị chuyển hóa trong quá trình chiên rán). Loại axit béo này làm tăng lượng cholesterol xấu trong cơ thể, từ đó tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Các nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ, tiêu thụ nhiều axit béo cấu hình trans sẽ tăng khả năng mắc các bệnh khác như ung thư, béo phì... Ngoài ra, dầu tái chế còn chứa các sản phẩm của thực phẩm bị cháy do chiên rán. Khi ăn phải các thực phẩm cháy, vỡ vụn là đưa vào cơ thể các chất phosphor, lưu huỳnh... rất độc hại và có khả năng gây ung thư".
Cách nhận biết dầu ăn tốt
TS Nguyễn Thanh Phong cũng cho hay, các cơ sở sản xuất dầu ăn có uy tín được sản xuất theo quy mô công nghiệp, được giám sát và kiểm soát chặt chẽ về quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm. Còn các cơ sở chế biến dầu ăn tái chế, mỡ động vật không bảo đảm vệ sinh thường chỉ là công nghệ xử lý sơ sài, không bảo đảm an toàn thực phẩm, dùng hóa chất trôi nổi không rõ nguồn gốc nên có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng.
Người tiêu dùng nên chọn mua dầu ăn của những công ty có uy tín trên thị trường. Dầu ăn được chứa trong chai hoặc can nhựa có đầy đủ nhãn mác, ngày sản xuất, tên cơ sở sản xuất, thành phần... Tuyệt đối không sử dụng dầu đã quá hạn sử dụng, dầu không được bảo quản đúng cách như khuyến cáo trên nhãn của nhà sản xuất, không sử dụng dầu không rõ nguồn gốc, xuất xứ...
Để nhận biết dầu ăn chất lượng tốt, các chuyên gia khuyên người tiêu dùng nên dựa vào cảm quan về màu sắc và mùi vị của sản phẩm. Dầu ăn tốt có màu vàng sáng, trong suốt, mùi thơm nhẹ, không ôi, khét, vị nhạt; đồng thời, khuyến cáo người tiêu dùng không nên sử dụng dầu ăn trôi nổi trên thị trường, giá tuy rẻ nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật.
PV
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Quảng Nam: Làng rau Trà Quế được công nhận “Làng du lịch tốt nhất” năm 2024
Đồng Tháp khởi xướng sáng kiến thành lập “Mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong”
Bộ Y tế đề xuất áp thuế 40% với nước giải khát có đường
Khát vọng xây dựng một ASEAN kết nối, sáng tạo hơn
Khởi động cuộc thi công nghệ ICT Competition cho sinh viên
Dai-ichi Life Việt Nam được vinh danh 'Doanh nghiệp vì cộng đồng'