Đầu cơ, găm giữ USD: Lần thứ 5 “đứt tay”?
Cuối chiều 3/6, sau gần một tháng biến động, giá USD bán ra trên biểu niêm yết của một số ngân hàng thương mại đã chính thức kịch trần biên độ với 21.246 VND.
Tình hình chưa đáng ngại, nhưng sẽ đáng chú ý, nếu có nguyên nhân từ bệnh “nhà giàu cũng khóc”.
Bước tăng 40-45 VND chỉ trong một ngày là diễn biến mới nhất và cách biệt sau một tuần giằng co trong khoảng 21.180 - 21.190 VND của tỷ giá USD/VND.
Và lần đầu tiên kể từ đợt biến động đầu tháng 7/2013 đến nay mới có trạng thái kịch trần giá bán như vậy.
Lần thứ 5 “đứt tay”?
Tình hình chưa đáng ngại khi tất cả các ngân hàng thương mại đều giữ chênh lệch giá mua vào bán ra ở mức bình thường, thậm chí có chút doãng rộng 75-80 VND như tại Techcombank.
Cầu ngoại tệ của các nhà băng chưa có biểu hiện căng thẳng, họ chưa quyết mua bằng được bằng cách đẩy giá mua vào áp sát giá bán.
Dù vậy, sau gần một năm trạng thái kịch trần biên độ mới tái lập, hay cam kết giữ ổn định tỷ giá USD/VND đã chính thức được đặt vào tình huống thử thách. Một lần nữa niềm tin của thị trường có thể bị xao xuyến.
Đây là lần thứ 5 tỷ giá USD/VND biến động và cam kết của Ngân hàng Nhà nước bị thử thách, kể từ thời điểm cuối 2011 - giai đoạn thị trường ngoại tệ sống chung với cam kết bình ổn từ nhà điều hành với mức độ dao động rất cụ thể.
Bốn lần trước đó, niềm tin được khẳng định và củng cố, đồng nghĩa với tình huống nhà đầu cơ, nhà đầu tư hay hoạt động găm giữ USD có khả năng bị “đứt tay”.
Lần thứ nhất: con sóng với trạng thái kịch trần biên độ trong ngày điển hình 31/1/2012, ba tháng sau khi thị trường ngoại tệ bước vào giai đoạn có cam kết ổn định của Ngân hàng Nhà nước. Quán tính của những năm phá giá VND liên tục trước đó là chưa hết trong tâm lý thị trường, song nhà điều hành cũng nhanh chóng bình ổn. Đỉnh cao của tỷ giá lúc đó là 21.036 VND.
Lần thứ hai: ngày điển hình biến động 6/6/2012, trạng thái kịch trần 21.036 VND lại tái diễn. Con sóng này cũng rất ngắn. Và có một điểm chung như lần thứ nhất, khoảng cách giữa giá mua vào với bán ra USD của các ngân hàng khá lớn, từ 50-70 VND, thậm chí tới 100 VND.
Cả hai lần trên đều cho nét tương đồng với biến động vừa diễn ra, chênh lệch giữa giá mua vào - bán ra vẫn bình thường, phản ánh cầu ngoại tệ chưa thực sự căng thẳng.
Lần thứ ba: ngày điển hình 21/2/2013, vẫn là kịch trần giá bán 21.036 VND, chênh lệch giá mua vào - bán ra có từ 50-60 VND. Đợt biến động này cũng nhanh chóng được bình ổn.
Lần thứ tư: ngày điển hình 5/7/2013 với trạng thái kịch trần biên độ 21.246 VND. Đây là đợt biến động đáng chú ý nhất trong gần ba năm qua, bởi diễn biến khá dài và đặc biệt là cơn sốt của tỷ giá trên thị trường tự do.
Cú hích của đợt biến động này là những đồn đoán rộ lên vào cuối tháng 6/2013, để rồi sau đó Ngân hàng Nhà nước chính thức tăng thêm 1% tỷ giá bình quân liên ngân hàng. Giá USD trên thị trường tự do phi thẳng lên gần mốc 21.900 VND.
Và đây cũng là lần “đứt tay” nặng nhất nếu tổ chức, nhà đầu cơ vào lệch sóng. Nếu lỡ ôm với mức giá 21.900 VND trên thị trường tự do, lỗ lớn là có thể và chưa biết đến khi nào tỷ giá mới tái lập trở lại mốc này.
Lần thứ năm: biến động tỷ giá khởi phát từ đầu tháng 5/2014, ngày điển hình là 3/6 với trạng thái kịch trần nói trên. Điểm kết thúc là chưa có. Tình huống “đứt tay” hay không khi theo đuổi con sóng này vẫn còn để ngỏ.
Nhìn lại cả 5 lần biến động, bốn lần trước đây đều có thể gây thiệt hại cho hoạt động đầu cơ, găm giữ USD, nhất là với dân cư ít có điều kiện để vào - ra đúng sóng như các ngân hàng thương mại - những tổ chức chuyên nghiệp.
Hơn hai năm, găm giữ USD được lợi chưa đầy 1,5% theo biến động tỷ giá chính thức, cộng thêm chút lãi suất tiền gửi bọt bèo. Cũng lưu ý rằng, doanh nghiệp và người dân nếu gom ngoại tệ phải mua với giá bán ra của ngân hàng, bán lại với giá mua vào của họ, chứ không hẳn luôn mua được giá rẻ nhất và bán được giá hời nhất.
“Một miếng khi đói”…
Nhìn lại quá khứ như trên để thấy khả năng “đứt tay” là rõ ràng. Nhưng, lỗ hay thiệt của người này có thể là lợi của kẻ khác.
Trong hoạt động của ngân hàng thương mại, kinh doanh ngoại tệ buồn tẻ nhất là khi rơi vào tình trạng thị trường thiếu sóng. Hai năm rưỡi qua có 5 con sóng, cũng là đáng kể. Nhất là hiện nay, có sóng tỷ giá để tạo cơ hội kiếm lợi nhuận chẳng khác nào “một miếng khi đói”.
Vì sao? Vì các nhà băng nói chung hiện nay đang rất khó khăn. Hoạt động nguyên thủy nhất, chi phối nhất đến lợi nhuận của họ là huy động - cho vay vẫn đang nghẹt. 5 tháng đầu năm đã qua mà tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ chớm trên 1%.
Nếu như các doanh nghiệp, người dân bình thường có thể lắp màn hình Reuters theo dõi giao dịch ngoại tệ trên liên ngân hàng, họ sẽ định hình tốt hơn yếu tố cơ hội và tình huống “đứt tay” trong 5 con sóng nói trên. Còn các ngân hàng thương mại, lợi thế quá nhiều, họ chuyên nghiệp và có các điều kiện hỗ trợ để có thể ra - vào đúng sóng.
Với con sóng lần này, nhịp của nó chưa hết. Nhưng về mặt tinh thần và chủ trương, chắc chắn Ngân hàng Nhà nước sẽ bằng mọi cách để bình ổn. Và dù đã diễn ra gần một tháng qua, câu hỏi nguyên nhân vẫn dường như chưa thỏa mãn cho đa số.
Như ở bài viết trước, chuyên gia và người trong cuộc đã đưa ra 5 nguyên nhân của đợt biến động tỷ giá lần này. Trong đó, yếu tố tâm lý từ vấn đề biển Đông được chú ý nhất.
Thế nhưng, trong một tháng qua, chỉ khoảng 0,5% mức tăng của tỷ giá mà đã “bao tiêu” được diễn biến tâm lý của thị trường thì yếu tố này không quá lo ngại, nhất là đã bao gồm cả những ngày căng thẳng từ xáo trộn ở một số khu công nghiệp.
Quan sát các phân tích vừa qua, có một tình huống khác chưa thấy đề cập đến: liệu biến động tỷ giá có liên quan đến bệnh “nhà giàu cũng khóc” hay không?
Như trên, cung - cầu ngoại tệ không quá căng thẳng, yếu tố tâm lý được dát mỏng từ đầu tháng 5 đến nay với mức “bao tiêu” biến động chỉ khoảng 0,5%. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại nói chung đang dư thừa vốn, không đẩy mạnh được cho vay ra.
Việc ứ năng lượng mà không giải phóng được có thể xem là tình huống “nhà giàu cũng khóc”. Và không loại trừ khả năng một phần năng lượng dư thừa đó được dùng vào cơ hội từ con sóng tỷ giá đang nổi lên.
Tiền đồng dư thừa quá nhiều cũng từng là một nguyên nhân được đề cập đến khi tỷ giá biến động trong năm 2013. Lượng tiền đồng dư thừa đó chỉ xoay vòng trên liên ngân hàng với lãi suất một vài phần trăm. Trong khi, chớp được cơ hội từ biến động tỷ giá lúc này hẳn là “một miếng khi đói”, mức độ 0,5-1% trong một thời điểm là lớn hơn nhiều.
Đó chỉ là một giả thiết phía sau biến động tỷ giá hiện nay. Và như từng diễn ra trong năm 2013, nếu các nhà băng có dụng ý nắm cơ hội từ biến động tỷ giá thì cũng là lẽ thường, họ kinh doanh trong khuôn khổ cho phép.
Việc còn lại, một lần nữa thị trường chờ đợi vai trò bình ổn của Ngân hàng Nhà nước. Cũng lưu ý rằng, khác với bốn lần trước, lần này họ nắm trong tay nguồn lực ngoại hối mạnh hơn nhiều, trong khi các cân đối vĩ mô ảnh hưởng đến tỷ giá không cho thấy nhiều bất lợi so với những lần trước.
Còn với nhà đầu cơ hay hoạt động găm giữ, nếu có lần thứ 5 “đứt tay” khi theo đuổi con sóng này thì cũng sẽ không quá bất ngờ.
Theo VnEconomy
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước
Cột tin quảng cáo