Tin tức - Sự kiện

Đau đầu tìm người giúp việc sau Tết

Dù đã đến ngày người lao động trở lại làm việc sau kỳ nghỉ tết dài, nhưng nhiều gia đình tại TP.HCM lâm tình cảnh lao đao vì người giúp việc (NGV) vẫn còn… ăn Tết.

Khan hiếm giúp việc nhà sau tết.

“Đỏ mắt” tìm người

Gia đình chị Nguyễn Thị Thành (ngụ đường Thành Thái, Q.10) “hỗn loạn” khi người giúp việc (NGV) đã quá ngày lên làm vẫn chẳng thấy tăm hơi. Chị Thành cho biết, vì muốn giữ chân người làm, trước tết chị đã thưởng hậu hĩnh 1,5 tháng lương, gửi quà quê, cho về gia đình ăn tết sớm… Thế nhưng, đến hẹn, dù gia chủ đã nhiều lần gọi điện thúc giục nhưng cô người làm cáo bệnh rồi xin nghỉ luôn.

“Muốn nghỉ thì người làm phải báo trước một tháng để mình còn chủ động tìm người. Chứ giờ vừa mới hết tết, tìm đâu ra người thay. Trong khi mình phải đi làm, con cái đi học, không có thời gian tìm người giúp việc mới. Mình cũng đã liên hệ với bạn bè, các trung tâm môi giới nhưng họ cũng chỉ ghi nhận chứ chưa có gì chắc chắn” – chị Thành than thở.

Một số gia đình không tìm được người giúp việc sau tết phải nhờ ông bà lên trông cháu.

Có hai con sinh đôi chưa đến tuổi đi học, chị Hoàng Mai (ngụ chung cư Trương Đình Hội, Q.8) không thể xoay sở hết khi chỉ có một mình. Chị bức xúc: “Trước tết còn ôm con về ngoại, chứ giờ mình phải quay lại công việc, mà NGV xin nghỉ tới hết tháng Giêng thì mình biết làm sao. Mình cũng xuống nước, năn nỉ đủ đường vì không muốn mất người làm đã quen việc, có thể tin tưởng được. Nhưng càng nhường bao nhiêu thì cô giúp việc càng lấn tới bấy nhiêu”.

Dù không lâm vào tình cảnh “ôsin” một đi không trở lại nhưng để giữ được người, chị Đinh Thị Trang cũng trải qua không ít chuyện. Dẫu đã trả lượng cho NGV 4 triệu đồng/tháng, bao ăn ở, thưởng tết 1 tháng lương, bao tiền vé xe đi lại khi về nghỉ tết… nhưng đến hạn trở lại làm việc, cô giúp việc “đánh tiếng” người làm ở nhà hàng lương cao hơn. Vậy là chị Trang đành bấm bụng tăng lương 5 triệu đồng/tháng, và sẽ bồi dưỡng thêm nếu tháng đó nhà có nhiều khách khứa, tiệc tùng… NGV mới chịu quay lại.

 

Giúp việc nhà đã trở thành thành phần không thể thiếu đối với nhiều gia đình.

Không chịu được đòi hỏi, yêu sách của “ôsin”, chị Võ Thị Minh Diệp (28 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) đành phải nhờ ông bà lên trông con giúp. “Tôi phải xin cơ quan tạo điều kiện cho về nhà sớm hơn để nấu cơm, trông con. Cũng may, mới nghỉ tết xong nên công việc chưa nhiều nên lãnh đạo đồng ý. Thời gian này, tôi gấp rút đến các trung tâm nhờ giới thiệu người, nhưng chắc cũng phải mất vài tuần chứ không thể có ngay được” – chị Diệp cho hay.

 

Trung tâm cũng “khan” người

Khi chúng tôi liên hệ với Trung tâm giới thiệu việc làm (TT GTVL) Thành phố, nơi này cho biết hiện tại chỉ có lao động làm việc theo giờ chứ chưa có ai đăng ký làm việc toàn thời gian, ở lại nhà gia chủ.

Tình hình cũng diễn ra tương tự ở nhiều TT khác ở TP.HCM. Tại TT GTVL Vinhempich, nơi này yêu cầu khách hàng để lại thông tin và sẽ thông báo sau. “Do mới nghỉ tết xong, lao động đến tìm việc không nhiều. Trước tết, chúng tôi cũng có một số lao động đến đăng ký giúp việc nhưng đều có người thuê ngay vì lĩnh vực này nhu cầu của khách rất cao, trong khi nguồn cung lại quá ít” – nhân viên tư vấn nói.

Không chịu được đòi hỏi, yêu sách của “ôsin”, chị Võ Thị Minh Diệp (28 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) đành phải nhờ ông bà lên trông con giúp. “Tôi phải xin cơ quan tạo điều kiện cho về nhà sớm hơn để nấu cơm, trông con. Cũng may, mới nghỉ tết xong nên công việc chưa nhiều nên lãnh đạo đồng ý. Thời gian này, tôi gấp rút đến các trung tâm nhờ giới thiệu người, nhưng chắc cũng phải mất vài tuần chứ không thể có ngay được” – chị Diệp cho hay.

 

Giúp việc nhà đã trở thành thành phần không thể thiếu đối với nhiều gia đình.

Tại TT GTVL Phụ nữ trực thuộc Hội LHPN TP.HCM vốn có thế mạnh cung cấp giúp việc nhà theo giờ, tuy nhiên đơn vị này cũng đang khan hiếm lao động. Lý do được đưa ra là nhiều chị em muốn nghỉ tết đến qua rằm tháng Giêng, tổ chức đi lễ chùa đầu năm rồi mới quay lại làm việc.

Theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc TT Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, những hạn chế chủ yếu của lực lượng giúp việc vẫn là thiếu kỹ năng, chưa am hiểu pháp luật, tính thiếu ổn định hay nhảy việc khi gặp cơ hội việc làm hấp dẫn... Do đó, các gia đình có nhu cầu tìm lao động giúp việc nhà khó chọn được NGV tin cậy.

“Hiện nay, nghề giúp việc nhà đã được quy định rõ ràng, cụ thể trong Bộ luật Lao động, do đó thực tế đang đặt ra các yêu cầu ngày càng cao về học nghề, chất lượng đào tạo, chính sách việc làm, quản lý, tuyển chọn và sử dụng lao động giúp việc nhà. Đặc biệt là cần nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động giúp việc nhà, người trực tiếp làm công việc giup việc nhà theo quy định của pháp luật” – ông Tuấn chia sẻ.

Theo TT Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, qua khảo sát nhu cầu tuyển dụng các doanh nghiệp tại thành phố và ứng dụng các phương pháp phân tích dự báo nhu cầu nhân lực, năm 2018, dự kiến TP.HCM có nhu cầu 300.000 chỗ làm việc tăng bình quân 5% so với năm 2017, trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới tăng 4% so với năm ngoái. 

Theo cơ cấu trình độ đại học trở lên chiếm 20%, cao đẳng là 17%, trung cấp và  công nhân kỹ thuật lành nghề 32%, sơ cấp nghề 10% và lao động chưa qua đào tạo chiếm 21%.

 

Nên đọc
Theo Tiền phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo