Tin tức - Sự kiện

Đầu hè, nhiều bệnh nhi nhập viện

Thời tiết miền Bắc đang sang hè khiến lượng bệnh nhi nhập viện tăng vọt mấy ngày qua. Thời điểm này, trẻ chủ yếu mắc các bệnh như tay chân miệng, sốt virus, tiêu chảy, dị ứng, đặc biệt các bệnh về đường hô hấp.

Chủ yếu là bệnh hô hấp

 

Mấy ngày gần đây, tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, lượng bệnh nhi đến khám, nhất là bệnh nhi mắc bệnh về đường hô hấp (viêm họng, viêm mũi, cảm cúm, viêm phổi, phế quản…) bắt đầu tăng nhanh. Ngày nào khoa cũng khám từ 250 - 300 bệnh nhi. Số bệnh nhi nội trú cũng tăng từ 50 lên 100, thậm chí 120 trường hợp. Có phòng, có thời điểm phải nằm ghép ba, bốn trẻ/giường. Tương tự, khoa Tai mũi họng trẻ em, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, số trẻ đến khám bắt đầu có sự tăng nhẹ từ đầu tháng, mấy ngày cuối tuần qua, số trẻ khám còn tăng hơn trước. Ths. Bs. Nguyễn Thu Hương, Phó trưởng Khoa cho biết: "Thời điểm này, trẻ đến khám chủ yếu bị viêm mũi xuất tiết, viêm VA, viêm phế quản… do thời tiết oi, khó chịu".

 

Còn tại BV Nhi Trung ương, khoảng một tuần nay, trung bình mỗi ngày có gần 2.000 trẻ đến khám, có những ngày lên đến 2.000 trẻ, phần nhiều là mắc các bệnh liên quan đến hô hấp. Con số này tăng đột biến so với khoảng thời gian trước đó. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, hầu như tất cả các khoa điều trị của BV đều quá tải nên có khoảng 7 - 10% bệnh nhân mỗi ngày được chỉ định nhập viện, còn lại đều được điều trị ngoại trú. 

 

Theo bác sĩ Hải, thời gian tới, trời nắng nóng gay gắt hơn, chắc chắn số bệnh nhi đến khám sẽ tiếp tục tăng. Thực tế đã có những thời điểm hè, bệnh viện tiếp nhận gần 2.500 trẻ/ngày. Điều đáng nói, khoảng gần 80% bệnh nhi đến khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương hoàn toàn có thể điều trị được tại các bệnh viện tuyến dưới. Nhưng tâm lý "thích lên tuyến trên" của người dân đã khiến bệnh viện thường xuyên trong tình trạng quá tải.

 

Không tự điều trị cho trẻ

 

Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương, thời tiết chuyển mùa là nguyên nhân khiến số trẻ mắc bệnh tăng cao. Nắng nóng kèm độ ẩm trong không khí cao, nên virus phát triển mạnh. Bên cạnh đó, không khí bụi bặm, khí thải nhiều khiến môi trường bị ô nhiễm làm gia tăng bệnh viêm đường hô hấp. Hầu hết các ca bệnh đến khám và nhập viện thời điểm này do bệnh lý hô hấp đều có biểu hiện rõ rệt là hắt hơi, sổ mũi, ho ngày càng tăng, có đờm, đau họng. Ở trẻ nhỏ có biểu hiện bỏ bú, khó thở, ho do tắc đờm. Đặc biệt, những trẻ hen phế quản, thời tiết này khiến tình trạng ho, rít vì hen trở nên nặng nề.

 

Bác sĩ Nguyễn Văn Đạt, Khoa Khám bệnh cho biết, có rất nhiều trường hợp trẻ nhập viện muộn khi bệnh lý đã nặng lên, phải điều trị dài ngày, vì gia định tự mua kháng sinh điều trị, khi thấy bệnh nặng hơn mới đưa đến bệnh viện. Có trường hợp trẻ bị viêm mũi họng ban đầu bị bỏ qua dẫn đến viêm tai giữa cấp, rồi viêm tai thanh dịch, chảy mủ tai gây viêm xương chũm buộc phải phẫu thuật.

 

Bác sĩ Hải khuyến cáo, để chủ động phòng bệnh cho trẻ trong những ngày đầu hè và thời tiết nóng nực sắp tới, người lớn cần quan tâm, giúp trẻ thực hiện tốt các biện pháp: giữ ấm cho trẻ khi về đêm và gần sáng, cởi bớt đồ vào lúc trưa nóng, tránh khói thuốc lá, bụi xe bằng khẩu trang. Ngoài ra, nên đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ, bởi tiêm phòng có thể loại bỏ 80 - 90% một số bệnh do virus. Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý cho trẻ, đặc biệt uống nhiều nước, ăn nhiều hoa quả. Khi trẻ có biểu hiện ngạt mũi, sổ mũi, có thể nhỏ mũi bằng nước muối sinh lý ngày 3 - 6 lần…
 
 
Theo KTĐT

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo