Dấu hiệu xé rào lãi suất
Tùy vào giá trị từng khoản tiền gửi khác nhau mà khách hàng có thể “trả giá” với ngân hàng để có được mức lãi suất kỳ vọng. Ngược lại, các ngân hàng, nhất là những ngân hàng quy mô nhỏ cũng không thể từ chối khách hàng và ngồi nhìn các khoản tiền gửi tiết kiệm “đội nón” ra đi, nên đã sẵn sàng “chi” thêm mức chênh lệch ngoài lãi suất thực ghi trên sổ tiết kiệm. Kỳ hạn thỏa thuận được thực hiện phổ biến hiện vẫn là 1 - 3 tháng.
Chị Tùng, một khách hàng cá nhân ở TP.Hồ Chí Minh cho biết, với khoản tiền nhàn rỗi 2 tỷ đồng mà đang gửi tại ngân hàng S., chị được nhân viên ngân hàng này tư vấn, nên gửi kỳ hạn 3 tháng để được hưởng mức lãi suất 12,5%/năm. Một số ngân hàng đang phải trả cho khách hàng lãi suất phổ biến ở mức trên 10%/năm với kỳ hạn 1-3 tháng, mới giữ được tiền tiết kiệm ở lại. Khoản “chi” ngoài bằng tiền này được ngân hàng trả vào cuối kỳ, khi sổ tiết kiệm đáo hạn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.Hồ Chí Minh thừa nhận, huy động vốn là vấn đề sống còn của các ngân hàng thương mại, nên việc cạnh tranh trong lĩnh vực này luôn ở mức cao, nhất là vào những tháng cận Tết Nguyên đán, khi nhu cầu vốn của khách hàng tăng mạnh.
Ông Trương Văn Phước, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Eximbank cho biết, vốn huy động của Ngân hàng trong năm 2012 tăng trưởng ở mức khả quan, trong khi tín dụng âm hơn 6%, hiện tại Eximbank vẫn phải duy trì lãi suất huy động theo đúng quy định.
Tuy nhiên, theo ông Phước, cần xem xét bỏ quy định về mức trần lãi suất huy động. Có như vậy, lãi suất đầu ra mới giảm dần xuống mức mà doanh nghiệp kỳ vọng. “Trước mắt, khi bỏ mức trần, ngân hàng nhỏ sẽ đua lãi suất huy động, song trần cho vay được áp dụng ở mức phù hợp buộc phải điều tiết chi phí đầu vào. Như vậy, thị trường sẽ triệt tiêu được tình trạng vượt trần huy động và quan trọng hơn nữa là lãi suất cho vay sẽ giảm”, ông Phước nói.
Theo Chủ tịch HĐQT một ngân hàng TMCP, với mức trần lãi suất 8%/năm được cào bằng hiện nay khiến ngân hàng nhỏ sẽ khó có thể cạnh tranh được với ngân hàng lớn trong huy động vốn.
Trong khi đó, ông Lê Đức Thúy, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nhận định, chưa có quốc gia nào lại giảm lãi suất nhiều như Việt Nam trong thời gian qua, với 6 lần hạ (mỗi lần giảm đến 1%). Mặt khác, với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra đầu năm 2012 ở mức 15-17%, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có hướng mở nếu ngân hàng nào sử dụng hết sẽ được cấp thêm. Tuy nhiên, do nền kinh tế không hấp thụ được vốn, nên các ngân hàng thừa tiền, nhưng không thể đẩy mạnh cho vay ra, mà phải mua trái phiếu chính phủ, với lãi suất chỉ là 5 - 6%/năm. “Nhiều câu hỏi đặt ra là tại sao thừa vốn, ngân hàng không cho vay mà mua trái phiếu với lãi suất thấp? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải xem xét đến yếu tố ngân hàng cũng là người buôn vốn và luôn muốn bán được giá cao, song khi rủi ro nợ xấu tăng họ sẽ thận trọng”, ông Thuý nói.
Đối với huy động vốn, ông Thúy cho rằng, hiện để có được nguồn tiền gửi tiết kiệm, các ngân hàng phải cạnh tranh khá gay gắt. Do lạm phát cả năm 2012 được kiểm soát ở mức 6,81%, nên trần lãi suất huy động 8%/năm là hợp lý. Nhưng theo ông Thúy, tình trạng vượt trần lãi suất huy động 8%/năm hiện vẫn phổ biến tại một số ngân hàng.
Thảo Nguyên (Theo Đầu tư)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bất động sản miền Trung khởi sắc: Đà Nẵng, Quảng Bình dẫn đầu xu hướng tăng trưởng
Thủ tướng: Can thiệp vào hoạt động doanh nghiệp nhà nước sẽ làm méo mó thị trường, cản trở phát triển
Mắc một loạt sai phạm, Chứng khoán SmartInvest AAS bị phạt gần 1,4 tỷ đồng
Quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam năm 2024 ước đạt 36 tỷ USD