Đâu là động lực cho tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm?
Báo cáo mới đây của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm ước tính tăng 7,08%. Đây là mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở lại đây.
Với đà tăng trưởng này, nhiều nhà đầu tư, tổ chức quốc tế và cộng đồng doanh nghiệp nhận định, tăng trưởng kinh tế năm nay hoàn toàn có thể đạt mục tiêu mà Chính phủ đề ra là 6,7%, thậm chí còn cao hơn.
Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, xu hướng của nền kinh tế năm nay tích cực là chủ đạo, với tăng trưởng GDP cả năm 6,7-6,8% là mức cao so với các nước trên thế giới.
Tuy vậy, ông Dũng nhấn mạnh, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%, cần có sự nỗ lực, phấn đấu mạnh mẽ hơn nữa, cố gắng đạt khoảng 6,53% trong quý III và 6,36% vào quý IV.
Còn nếu muốn phấn đấu đạt 6,8%, thì đòi hỏi phải nỗ lực cao hơn nữa, phải tận dụng mọi cơ hội trong điều kiện thuận lợi ở cả trong nước và quốc tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo vẫn tiếp tục giữ vai trò động lực chính, Bộ trưởng KHĐT lưu ý.
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2018 mới đây, ông Ousmane Dione - Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay hoàn toàn có thể đạt 6,8%.
Kinh tế Việt Nam đang có nhiều tiến triển. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục ghi nhận những con số tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, tiếp tục tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế, ông Ousmane Dione đánh giá, đồng thời cho rằng, với đà tăng trưởng này, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam những năm tới có thể ở mức trên 7%.
Bày tỏ lạc quan về tăng trưởng kinh tế năm 2018, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, các kết quả kinh doanh qua các số liệu thống kê do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy nền kinh tế đang khởi sắc.
Nhiều chỉ số thể hiện niềm tin kinh doanh trên thị trường gia tăng, nhất là số doanh nghiệp thành lập mới ngày càng tăng. Điều này cho thấy quá trình phục hồi nền kinh tế đang bắt đầu.
Ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh sự cần thiết cải cách thể chế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong nước phát triển. Trước hết là việc cắt bỏ 50% điều kiện kinh doanh cũng như số mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.
Cùng với đó là thúc đẩy thực hiện mạnh mẽ các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới, nhằm tạo nên không gian và động lực mới cho môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, Chủ tịch VCCI nêu rõ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2018, cả nước có 64.531 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 649 nghìn tỷ đồng, tăng 5,3% về sổ doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 10,1 tỷ đồng, tăng 3,4%.
Nếu tính cả 1.192,2 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế là 1.841,2 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 16.449 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 6 tháng lên gần 81.000 doanh nghiệp. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Ba lĩnh vực được dự báo tăng trưởng ấn tượng
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững