Tin tức - Sự kiện

Đấu thầu vàng có ổn định được thị trường?

Những ngày qua, trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tung ra thị trường trên 10 tấn vàng thông qua hình thức đấu thầu thì có thời điểm, giá vàng tại Việt Nam lại cao hơn giá vàng thế giới khoảng 7 triệu đồng/lượng. Nhiều người đặt câu hỏi, mục tiêu bình ổn thị trường vàng thông qua việc tăng nguồn cung thông qua hình thức đấu thấu của NHNN có thực sự hiệu quả?
Trước thực trạng thị trường vàng trong nước vài năm trở lại đây liên tục biến động. Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2013 của QH Khóa XIII đã đưa ra mục tiêu và yêu cầu Chính phủ “khắc phục bất cập trong quản lý, ổn định thị trường vàng, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng quốc tế, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của người dân”. 
 
Thời gian vừa qua, sau một loạt các biện pháp quản lý và kinh doanh vàng miếng, trong đó có việc cấp phép sản xuất và kinh doanh vàng miếng cho các đơn vị, NHNN đã thực hiện thí điểm đấu thầu bán vàng miếng với lượng vàng dự kiến cung ra thị trường là 276.000 lượng. Theo đại diện của NHNN, hoạt động này để nhằm tăng cung vàng miếng trên thị trường để can thiệp bình ổn thị trường vàng theo chủ trương của QH và Chính phủ.
 
Theo thông báo của NHNN, sau 9 phiên đấu thầu, tổng số vàng cung ra thị trường tính đến ngày 18/4 là 263.400 lượng (tương đương khoảng 10,1 tấn vàng) trên tổng số 276.000 lượng được NHNN đưa ra chào bán. Điều đáng nói, trong thời gian NHNN tổ chức bán đấu thầu vàng miếng thì biên độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới lại được nới rộng. Biên độ này rộng hơn nhiều so với trước thời điểm NHNN tổ chức đấu thầu bán vàng khiến nhiều người đặt câu hỏi liệu hoạt động kinh doanh vàng của NHNN, cụ thể là đấu thầu vàng có bình ổn được thị trường vàng như mục tiêu của NHNN?
 
Có thể thấy, giá vàng trong nước thời gian qua có giảm song mức giảm chưa tương ứng với mức độ giảm của giá vàng thế giới, khiến cho độ chệnh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao. Điều này cho thấy, lượng cung cho thị trường vàng thực chất đã không tăng. Như vậy, lượng vàng NHNN tung ra qua các phiên đấu thầu so với tổng lượng vàng đang giao dịch trên thị trường là nhỏ, không đủ tác động...
 
Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Võ Trí Thành cho rằng, thời gian qua, có vẻ như NHNN chưa thực hiện được việc rút ngắn được độ chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Để đánh giá về sự thành công của hoạt động đấu thầu vàng của NHNN, cần phải nhìn nhận xem hoạt động này có đạt được các mục là tiêu ổn định, tránh xáo động tâm lý quá mức cần thiết của thị trường; góp phần ổn định cán cân thanh toán quốc tế; điều hòa được việc kiểm soát cung tiền, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô hay không. Ông Thành cũng cho rằng, việc NHNN đấu thầu bán vàng nhằm làm tăng nguồn cung cho thị trường là hành động đúng đắn, khi nguồn cung tăng đủ và vượt cầu thì giá vàng trong nước sẽ bám sát giá vàng thế giới.
 
Mục tiêu là đúng, nhưng có làm được hay không thì còn rất nhiều điều phải bàn. Ông Võ Trí Thành cho rằng, hoạt động kinh doanh này của NHNN chứa đựng rủi ro khá cao. Đây là một giải pháp với những kỹ thuật tổng thể, đòi hỏi NHNN phải có được năng lực điều hành nhanh nhạy, phân tích xử dụng kỹ thuật và các công cụ tiền tệ một cách uyển chuyển, chính xác. Làm sao để việc đưa ra các quyết định nhập vàng, xuất vàng ra, gom vàng vào là hợp lý. Cách làm của NHNN hiện nay là phép thử, đấu thầu vàng không chỉ là đáp ứng nhu cầu cho thị trường mà còn là học “cách chơi” để làm sao không gây chấn động cho thị trường.
 
Nhìn về dài hạn và mục tiêu tránh hiện tượng vàng hóa nền kinh tế thì hoạt động đấu thầu vàng của NHNN lại đang rất mâu thuẫn. Ông Võ Trí Thành phân tích, bản chất của mục tiêu giảm vàng hóa không phải làm giảm lượng vàng trong nền kinh tế, mà là giảm các hoạt động giao dịch dùng vàng như tiền. Hoạt động đấu thầu bán vàng như hiện tại, xét về bản chất là chúng ta đang thừa nhận vàng miếng là vàng tiền. Nền kinh tế của một quốc gia nếu mà coi vàng miếng là vàng tiền về lâu dài sẽ dẫn đến tình trạng vàng hóa. Vì vậy, mâu thuẫn giữa việc không muốn vàng hóa nền kinh tế nhưng lại thừa nhận vàng tiền trong bước đi quá độ của nền kinh tế Việt Nam hiện nay về lâu dài cần sớm được giải quyết.
 
 
 
 
Quyết Thắng
Theo ĐBND
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo