Tin tức - Sự kiện

Đầu trọc ‘đấu’ chân dài

Trong khi rất nhiều quán nhậu dọc bờ kè đường Hoàng Sa thi nhau tuyển thêm các em chân dài, ngực to nhằm thu hút thêm thực khách thì quán Trọc Nướng cũng ở khu vực đó lại làm điều ngược lại.

Nhân viên quán đang chuẩn bị món ăn phục vụ thực khách

Họ không những không tuyển chân dài mà còn tuyển nhiều thanh niên xăm trổ đầy mình rồi cho cạo trọc hết. Sự phá cách của họ đã mang lại kết quả tốt, bằng chứng là quán luôn trong tình trạng đông khách, thứ 7 và chủ nhật thường không có chỗ ngồi.

 
Trọc không có nghĩa là xấu!
 
Khi chúng tôi hỏi Mập (sinh 1987), nhân viên ở quán rằng gia đình các em nói gì khi các em cạo trọc không?. Em trả lời hồn nhiên: “Không chị ơi, gia đình em chẳng nói gì hết”. Còn Toàn (sinh 1993) ngồi ngoài nói vọng vào: “Bình thường mà chị, bạn gái em còn khen đẹp nữa”.
 
Dù xã hội Việt Nam chúng ta bây giờ không còn khắt khe nữa, nhưng khi một người gọt đầu vẫn phải nhận những ánh mắt thiếu thiện chí của nhiều người lớn tuổi, sẽ bị nói là đồ “đầu bò, đầu bướu”. Tuy nhiên, sau một hồi tỉ tê, tâm sự cũng như tiết lộ của anh chủ quán tên Phạm Phú Quốc thì chúng tôi mới vỡ lẽ vì sao quán anh lại có “phong cách” lạ thế.
 
Theo anh Quốc, nhân viên của quán hầu hết là những người gần như “bị xã hội chối bỏ”. Trong đó, rất nhiều người đã từng ra tù vào tội, người thì có hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
 
Anh Quốc chia sẻ: "Mục đích anh mở quán này nhằm tạo ra một ngôi nhà cho những bạn trẻ từng lầm lỡ. Và mục đích thứ hai là lấy tiền làm từ thiện từ lợi nhuận của quán. Theo đó, với những bạn trẻ như thế, thì một cái đầu trọc chẳng là cái quái gì".
 
Bến đỗ của những mảnh đời lầm lỡ
 
Để chứng minh lời mình nói, anh Quốc cho chúng tôi gặp Trường (sinh năm 1984), nhân viên anh vừa mới nhận vào mấy ngày.
 
Trường có một khuôn mặt gây ám ảnh cho người đối diện bởi trên gương mặt của Trường là một vết sẹo to tướng. Tuy nhiên trên gương mặt “giang hồ” ấy là ánh mắt hiền lành, bản tính vô cùng chất phát.
 
Khi chúng tôi hỏi chuyện, Trường cũng chẳng biết nói gì, đến nỗi, anh Quốc phải động viên: “Em kể những gì như khi kể với anh ấy”. Dù thế, để hoàn thành câu chuyện của Trường, chúng tôi cũng phải vài lần cầu cứu đến anh Quốc.
 
Trường (quê An Giang) kể, vì nhà nghèo, khi người ta thuê anh vào khai thác gỗ lậu ở trong rừng với mức lương cao, anh đã đồng ý. Kiếp lâm tặc cực kỳ khổ sở, vất vả cũng như nguy hiểm. Trong một lần ẩu đả với một nhóm khác, Trường đã bị một nhát búa khiến khuôn mặt anh gần như biến dạng. Tuy nhiên, anh cũng đã “kịp” chém bị thương nặng nhiều người khác, nên phải đi tù 4 năm. Trường thi hành án ở trại giam Kênh Làng Thứ 7 và mới ra trại ở năm 2006.
 
Mặc dù mang gương mặt "bặm trợn", nhưng khi phải đứng trước đông người, Trường không nói thành lời, tay chân như thừa thãi. Nhìn anh cười thật tội khi anh Quốc chủ quán nói đùa là vẫn chưa biết phân Trường vào khâu gì, vì cái gì anh chàng này cũng không biết, hay chắc là mình đuổi đi…
 
Trường không phải là người duy nhất trong quán từng vào tù ra tội. Toàn (sinh 1993) cũng từng dựa khám 2 năm, cũng tại trại giam của Trường, bởi tội “cố ý gây thương tích”. Toàn vừa mới ra trại năm 2012. Trước khi đánh nhau để vào tù, Toàn làm sơn nước. Sau khi ra tù, em đi xin việc hoài mà không được, cho đến khi vào làm ở quán. 
 
Toàn kể, đầu tiên, em được làm quản lý vì nhanh nhẹn và mặt mày cũng sáng sủa. Nhưng, theo thời gian em không kham nổi công việc nên xin xuống làm phục vụ rồi. Nghe em kể xong mà chúng tôi thấy thật buồn cười, bởi lần đầu thấy có người xin từ chức sếp xuống làm nhân viên.
 
Chưa từng vào tù, nhưng hoàn cảnh của Hoàng (sinh 1988, quê An Giang) cũng vô cùng đáng thương. Hoàng tâm sự: "Ba đã mất, mẹ lại bị bại não, nên nhà ba anh em phải nương tựa nhau để sống". Hoàng được nhận vào làm khi quán bắt đầu mới khai trương, có thể coi là nhân viên kỳ cựu nhất. Công việc chính của Hoàng là...đi chợ. Không những thế, "thấy hoàn cảnh gia đình em quá khó khăn, anh chủ đã nhận em làm con nuôi; rồi cũng giúp đỡ gia đình em nhiều", Hoàng chia sẻ.
 
Có một điều vô cùng trái khoáy ở quán ăn này là dù trên người tất cả các nhân viên đều có ít nhất một hình xăm và ai cũng cạo trọc đầu; nhưng chắc chắn chẳng thực khách nào nghĩ họ từng là những thanh niên từng vào tù, ra tội; chúng tôi cũng thế. Nhìn họ hết sức hiền lành. Thế nên, những ai từng có ý lo sợ hay thành kiến với những người từng “nhúng chàm” rồi không nhận họ vào làm xin hãy nghĩ lại. Không phải cứ đi tù là người xấu, vì ai cũng có những phút nóng giận bất thường; hãy cho họ cơ hội làm lại cuộc đời, làm một người có ích.
 
Thậm chí, khi bạn tạo môi trường tốt cho họ làm việc, họ có thể làm tốt hơn nhiều người thường, như ở quán Trọc Nướng, dù không chân dài, song với sự nhiệt tình, chăm chỉ và vui vẻ, họ vẫn khiến thực khách quay lại nhiều lần, khiến quán hoạt động cực tốt.
 
Khát khao làm lại cuộc đời đã đưa những bạn trẻ ở đây giũ bỏ quá khứ, đứng lên làm lại cuộc đời mình. Trong sự khắc nghiệt của mưu sinh, những con người từng vào tù ra khám đang nương tựa nhau ở quán Trọc Nướng có thể tự tin nói rằng mình đã thoát khỏi quãng đời u tối.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo