Tin tức - Sự kiện

Đầu tư công trung hạn sẽ xóa cơ chế “xin cho” thế nào?

Tại hội nghị toàn quốc ngành Kế hoạch-Đầu tư vừa diễn ra tại Đà Nẵng, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định thực hiện đầu tư trung hạn 5 năm sẽ ngăn ngừa cơ chế “xin cho” tồn tại lâu nay.

Như tin đã đưa, trong hai ngày 7 – 8/8 tại Đà Nẵng đã diễn ra hội nghị ngành Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) toàn quốc với nhiều nội dung quan trọng như xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2016 – 2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, chuyển đổi cách tính GDP của các địa phương lên TƯ... 

Bên lề hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về các nội dung này:
 
Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh trả lời phỏng vấn báo chí bên lề hội nghị toàn quốc ngành KH-ĐT vừa diễn ra tại Đà Nẵng (Ảnh: HC)
 
PV: Tại hội nghị toàn quốc ngành KH-ĐT vừa qua, ông có nói Việt Nam đã cơ bản ngăn chặn được tình trạng đầu tư dàn trải. Ông có thể giải thích rõ thêm về điều đó?
 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Lâu nay chúng ta làm theo kế hoạch hàng năm nên không thể biết năm sau công trình này được đầu tư bao nhiêu. Trong cả nhiệm kỳ 5 năm thì các Chủ tịch tỉnh, Bộ trưởng các Bộ không biết mình có bao nhiêu nguồn lực. Do vậy, khi được trao quyền quyết định chủ trương đầu tư thì họ không thể biết mình quyết định như thế nào là phù hợp với khả năng. Từ đó tạo ra tình trạng phê duyệt lớn hơn rất nhiều so với khả năng đầu tư. Đấy chính là nguyên nhân dẫn tới đầu tư dàn trải, kém hiệu quả trong nhiều năm qua. Tôi có thể nói nhiều nước bị vỡ nợ chính là vì đầu tư dàn trải.
 
Rất may cho Việt Nam là năm 2011 Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 1792 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ nên đến nay chúng ta đã kiểm soát được tình hình. Như Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nói, đây là biện pháp mạnh chặn đứng được đầu tư dàn trải trong 3 năm qua, làm cho nợ đầu tư xây dựng cơ bản ở các địa phương, bộ, ngành giảm rất nhiều. Có thể nói sau bao nhiêu chục năm chúng ta không ngăn chặn được tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả thì đến nay đã bắt đầu đi vào đường ray, dần dần tập trung hơn, hiệu quả hơn.
 
PV: Với việc Luật Đầu tư công ra đời và sắp tới sẽ là Nghị định về đầu tư công trung hạn, ông nhận định như thế nào về hoạt động đầu tư công tại Việt Nam thời gian tới?
 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Đầu tư công trung hạn tạo ra sự chủ động cho các bộ, ngành và địa phương ở chỗ họ biết được tổng nguồn lực trong 5 năm tới là bao nhiêu và nguồn lực đó được xây dựng kèm theo việc xây dựng kế hoạch KT-XH 5 năm. 
 
Hai cái này gắn bó với nhau vì kế hoạch đầu tư phát triển KT-XH đưa ra những mục tiêu thì phải có nguồn lực để thực hiện. Đầu tư công là nguồn lực quan trọng bậc nhất để thực hiện các mục tiêu này. 
 
Khi Bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh phê duyệt kế hoạch đầu tư trung hạn phải bám sát mục tiêu quy hoạch và kế hoạch 5 năm đó. Như vậy sẽ làm cho chủ trương đầu tư và lựa chọn các dự án đầu tư rất trúng, rất đúng.
 
PV: Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với tiến độ, chất lượng của các công trình, dự án?
 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Trước đây cứ hàng năm, thậm chí cuối năm mới bố trí vốn nhưng tháng 12 là phải quyết toán, ông nào không làm được thì kết dư, thậm chí thu hồi vốn. Cho nên nhiều bộ, ngành, địa phương đã phải quyết toán khống để giữ vốn lại, hoặc đẩy nhanh tiến độ để đạt khối lượng nên chất lượng rất kém.
 
Lần này họ được chủ động sử dụng nguồn vốn đó trong cả 5 năm. Theo Luật Đầu tư công quy định, nếu năm nay bố trí dùng không hết thì được quyền sử dụng thêm một năm nữa và tổng 5 năm không quá số tiền đó nên anh có thể ứng trước nếu tiến độ nhanh hơn, hoặc có thể sử dụng ít năm nay mà sử dụng nhiều năm sau. 
 
Như vậy là rất linh động, giúp các chủ đầu tư có thể lồng kết các nguồn lực khác để thực hiện, làm cho công trình đạt chất lượng hơn và tiến độ nhanh hơn rất nhiều.
 
PV: Tại hội nghị toàn quốc ngành KH-ĐT vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có nói: “Cách làm này cũng khắc phục được tình trạng hàng năm phải xin”. Ông có thể nói rõ thêm về điều đó?
 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Việc bộ trưởng các Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh chủ động được như nêu trên cũng sẽ là biện pháp quan trọng để ngăn ngừa cơ chế “xin cho”. Đồng thời đây là biện pháp chống tham nhũng, chống tiêu cực lớn nhất trong ngành đầu tư. Tôi có thể nói như vậy. Khi anh làm đầu tư trung hạn 5 năm thì cũng chẳng có ai “chạy”, bởi vì đây là những vấn đề chủ trương rất lớn.
 
Sau khi xác định tỉnh A được ngân sách TƯ hỗ trợ bao nhiêu, ngân sách địa phương có bao nhiêu, ODA bao nhiêu thì người ta sẽ lên được kế hoạch trong 5 năm tới sẽ giải quyết tiếp các công trình dở dang thế nào, đồng thời lựa chọn những công trình mới là gì, phù hợp với khả năng nguồn lực đó. Đây là điều rất quan trọng. 
 
Mỗi dự án đều phải làm 5 – 7 năm mới xong nhưng trước đây chủ đầu tư chỉ biết được tiền năm nay mà không biết tiền năm sau bao nhiêu. Vì vậy một cuộc chạy đua xin tiền diễn ra liên tục. Xin được nhiều thì đỡ dàn trải, xin được ít thì lại rất dàn trải và nó tạo ra cái tiêu cực.
 
Bộ KH-ĐT là người quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản và phân bổ nguồn vốn này, nhưng cũng tự thấy cần phải đổi mới, cần phải minh bạch. Cho nên chúng tôi kiên quyết đề nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Đầu tư công theo hướng xây dựng kế hoạch đầu tư trung hạn để hạn chế, chặn đứng tình trạng tiêu cực này. Điều đó đã được các Bộ trưởng, các Chủ tịch UBND tỉnh rất hoan nghênh tại hội nghị lần này.
 
PV: Theo ông, thách thức đặt ra đối với các bộ, ngành, địa phương khi thực hiện Luật Đầu tư công và sắp đến là Nghị định về đầu tư công trung hạn là gì?
 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tôi có thể nói Luật Đầu tư công và sắp tới là Nghị định về đầu tư công trung hạn là biện pháp làm cho đầu tư công hiệu quả rất nhiều và hoàn toàn không có chuyện nợ đọng. 
 
Điều 107 Luật Đầu tư công quy định Nhà nước sẽ không bố trí nguồn vốn ngân sách để thanh toán những khoản nợ xây dựng cơ bản phi lý. Nghĩa là có bao nhiêu tiền thì làm đúng bấy nhiêu và tổng mức phê duyệt nào thì bố trí như thế.
 
Đây là một thách thức vì đòi hỏi chất lượng làm dự toán và thiết kế phải rất chuẩn xác, nhưng đây cũng là một bước tiến cho hoạt động đầu tư của đất nước ta trong tương lai, giúp cho những đồng tiền nhân dân đóng thuế, những đồng tiền ngân sách chắt chiu được cũng như những đồng tiền chúng ta phải vay từ nước ngoài về để đầu tư sẽ được sử dụng một cách hiệu quả hơn và đóng góp cho tăng trưởng của Việt Nam tốt hơn rất nhiều.
 
PV: Còn điều gì khiến ông quan ngại khi triển khai Luật Đầu tư công cũng như kế hoạch đầu tư công trung hạn?
 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Chúng tôi lo lắng nhất là vấn đề nhận thức. Cả bộ máy từ TƯ đến địa phương mấy chục năm nay đã quen làm theo cách phân bổ nguồn vốn hàng năm, bây giờ chuyển qua làm trung hạn là phải biết dự báo, rồi lại phải từ bỏ những lợi ích cá nhân vì không còn xin – cho nữa mà phải làm cái chuyện cho cả 5 năm. Cho nên như Bộ trưởng KH-CN Nguyễn Quân nói, điều đầu tiên là phải đánh thông được tư tưởng từ trên xuống dưới. Đây là lợi ích của dân tộc, của đất nước, chúng ta phải làm chứ không phải vì lợi ích cá nhân mà chúng ta không làm. Đấy là cái mà tôi cho là khó khăn nhất.
 
Nhưng chúng ta đã có bài học rất tốt từ 3 năm thực hiện Chỉ thị 1792/TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ mà như Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nói, nếu không có chỉ thị này thì Vĩnh Phúc kết dư ngân sách về TƯ mà cũng nợ nần trong đầu tư thì các địa phương khác sẽ thế nào.
 
Cho nên chúng tôi tin tưởng Luật Đầu tư công ra đời và sẽ được chi tiết bằng Nghị đinh về đầu tư công trung hạn sẽ đem đến sự chuyển đổi to lớn trong 5 năm và nhiều năm tới cho Việt Nam.
 
PV: Một vấn đề khác cũng được đặt biệt quan tâm tại hội nghị vừa qua là từ năm 2015 TƯ sẽ tính và công bố GDP của các địa phương, thay vì các địa phương vẫn làm như lâu nay. Ông có thể nói rõ nguyên nhân của việc chuyển đổi này?
 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Đây là một bước quyết định rất quan trọng. Bởi nếu cứ để tình trạng cũ diễn ra, các địa phương tính sai về tăng trưởng GDP của mình sẽ dẫn đến nhiều quyết sách sai. Anh cứ tưởng tỉnh anh tăng trưởng đến 13 – 14% nhưng thực chất không phải vậy mà anh đã tính trùng.
 
Tôi ví dụ các địa phương có cửa khẩu như TP.HCM, Hà Nội, Lào Cai, Lạng Sơn, Quảng Ninh... thì các cửa khẩu đó mỗi năm xuất khẩu 3 – 5 tỉ USD. Nhưng toàn bộ giá trị sản xuất đó không phải do địa phương đó mà do nơi khác làm ra, nhưng anh đều tính vào giá trị xuất nhập khẩu của anh. Như vậy là tính trùng. Rồi nhiều cái khác nữa cũng tính trùng, nên tạo ra tăng trưởng ảo. Chúng ta cứ chạy đuổi theo cái đó mà đưa vào Nghị quyết đại hội là không đúng.
 
Thứ hai là quốc tế cũng xem vấn đề của chúng ta rất lạ. Sao ở Việt Nam các địa phương tăng 10%, thậm chí có nơi tăng tới 14%/năm mà cả nước chỉ tăng có 5 – 7%? Đây là điều không chấp nhận được trong kinh tế, nên chúng ta phải tính lại. 
 
Các nước không ai tính GDP của địa phương cả. GDP phải tính cho một quốc gia. Với chúng ta, đây là thời kỳ chuyển đổi. Chúng ta tạm chấp nhận tính GDP cho địa phương vì chưa có cách nào khác thay thế để đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế của các địa phương.
 
Nhưng để hạn chế bớt việc tính trùng, tính sai thì Bộ KH-ĐT sẽ giao Tổng cục Thống kê trên cơ sở số liệu của các địa phương cung cấp, sẽ loại trừ những nhân tố tính trùng, sau đó thống nhất lại lần cuối và so sánh với mức tăng GDP của cả nước để có được công bố chính thức tốc độ tăng trưởng cho các địa phương. 
 
Mỗi địa phương đều có Cục Thống kê, thậm chí có nhiều Chi cục Thống kê cấp quận, huyện nên lấy số liệu đầu vào tương đối chính xác. Điều này sẽ thu hẹp khoảng cách lại và nó thực chất hơn.
 
PV: Nhưng đồng thời đây cũng là vấn đề rất nhạy cảm?
 
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Đúng vậy, nó rất nhạy cảm, vì Đảng bộ các địa phương sắp đại hội vào năm sau. Mọi năm thì đều nói tỉnh ta tăng 10 – 15%, bây giờ chỉ còn 8 – 9%, thậm chí 6 – 7%, kể cả có tỉnh chỉ 4 – 5% là một điều khó giải thích. 
 
Nếu không làm tốt công tác tư tưởng thì địa phương sẽ không chấp nhận, cho rằng trên này tính chưa đúng. Nhưng đây là điều cần phải làm vì lợi ích chung của đất nước. Chúng tôi dám làm, và hoàn toàn nghĩ rằng các địa phương phải ủng hộ vì đây là một quyết định rất đúng đắn!.
 
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo