Đầu tư lệch pha trong nông nghiệp: “Ăn đong” thị trường
Một trong những lý do chính là do đầu ra nhiều loại nông sản phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.
Trái cây là thế mạnh của các tỉnh phía Nam. Thế nhưng nhiều năm qua sản lượng trái cây VN xuất khẩu chính ngạch không bao nhiêu, còn người nông dân trồng cây ăn trái luôn lao đao vì giá cả bấp bênh, thậm chí không bán được.
Loay hoay “trồng, chặt”
"Nếu không có vùng nguyên liệu mà phải “ăn đong” mỗi ngày thì nhà máy sẽ không tồn tại được. Vì vậy, rất cần nguồn đầu tư ưu đãi để xây dựng vùng nguyên liệu liên kết với các nhà khoa học, chuyên gia để chọn cây giống chất lượng cao, kỹ thuật trồng hiện đại cho năng suất cao" Ông Phan Quốc Nam (giám đốc Công ty Long Uyên) |
Vợ chồng chị Dương Thị Út (xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, Bến Tre) chỉ có 2.000m2 đất trồng mấy chục gốc nhãn. Sau hai năm nhãn bắt đầu cho trái đúng lúc giá rẻ như bèo. Thế là anh chị đốn bỏ nửa vườn nhãn chuyển sang trồng dừa, khi đó đang cho thu nhập khá.
Mất thêm năm năm, những cây dừa mới bắt đầu cho trái. Nhưng tình hình chẳng kéo dài được bao lâu vì đến đầu năm 2012, giá dừa giảm không phanh và hiện chỉ còn hơn 10.000 đồng/chục (12 trái).
Cực chẳng đã, vợ chồng chị Út đang tính chặt dừa trồng cây khác có thu nhập ổn định nhưng nhìn qua nhìn lại chẳng cây nào được như vậy cả. Chị Út thở dài: “Riết rồi chúng tôi không biết phải làm gì với mảnh vườn này nữa. Bỏ vào bao nhiêu vốn liếng, công sức cũng đi tong hết. Con cái ngày một lớn, đi học cần tiền mà cây trái không bán được”.
Ở sát bên cạnh, anh Hiền đang bắt đầu đốn vườn nhãn vì không cầm cự nổi. Trong vườn cũng có vài chục gốc chanh và dừa, trái rụng lăn lóc dưới đất. “Tiền thuê người hái còn cao hơn tiền bán chanh với dừa nên tui bỏ để rụng ngoài vườn luôn” - anh Hiền ngán ngẩm cho hay.
Chẳng riêng gì gia đình chị Út, anh Hiền, hàng trăm ngàn hộ dân trồng dừa ở các tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tiền Giang cũng đang điêu đứng vì dừa giảm giá thảm hại không tiêu thụ được. Hàng chục triệu trái dừa ở các tỉnh này đang được chất đầy vựa, đầy nhà dân và vương vãi trong vườn dừa suốt sáu tháng qua. Phần lớn số dừa này đã lên mộng, không còn chế biến được nữa.
Bà Phan Thị Dùng ở huyện Giồng Trôm (Bến Tre) cho biết trước đây bà sống khỏe với vườn dừa rộng 6.000m2, thế nhưng nửa năm nay gia đình bà lay lắt kiếm từng đồng bạc lẻ vì dừa không ai mua. Nếu có người chịu mua thì bán cả trăm trái dừa cũng chỉ đủ đong gạo ăn hai tuần.
Bà Dùng thở dài: “Giá cả thế này lo cái ăn cho cả nhà còn hụt hơi nói chi đến lo cho mấy đứa nhỏ ăn học. Ráng tới đâu hay tới đó, kẹt quá chắc phải bán đất cho con ăn học thôi”.
Do giá dừa xuống quá thấp, nhiều nông dân ở Bến Tre và Trà Vinh bắt đầu đốn bỏ dừa trồng cacao, trồng bưởi. Trước tình hình trên, lãnh đạo hai tỉnh phải chi gần 100 tỉ đồng hỗ trợ nông dân để ngăn chặn tình trạng này.
Đầu ra phụ thuộc
Vì sao nông sản của Việt Nam cứ loay hoay trong “sân nhà” và nông dân cứ phải vật vã với bài toán trồng rồi chặt mãi như vậy?
Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, cho rằng do chúng ta xây nhà từ nóc, tức chưa đầu tư tới nơi tới chốn cho khâu nghiên cứu giống, quy trình công nghệ canh tác và chế biến sau thu hoạch. Đặc biệt, nhiều loại nông sản của Việt Nam quá phụ thuộc thị trường Trung Quốc, nên khi thị trường này trở chứng thì nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu thô dạng tiểu ngạch của chúng ta “hấp hối” ngay.
Bằng chứng rõ nhất là khoai lang tím Nhật ở Vĩnh Long và dừa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ứ đọng, giá giảm tới đáy do Trung Quốc giảm sản lượng tiêu thụ.
Năm 2011 khoai lang tím Nhật được thương lái Trung Quốc mua với giá 1,2 triệu đồng/tạ 60kg. Thế là người người đua nhau bỏ ruộng lên liếp trồng khoai lang. Đến tháng 5/2012 diện tích trồng khoai lang ở Vĩnh Long lên tới 9.225ha, tăng 87% so với năm trước.
Tuy nhiên mấy tháng nay giá khoai lang lao dốc xuống còn 200.000 đồng/tạ. Nhiều nông dân thua lỗ trắng tay quay lại... trồng lúa. Theo thống kê của huyện Bình Tân, đến thời điểm này diện tích khoai lang đã giảm tới 50%.
Thiếu liên kết
Theo các chuyên gia, để người dân an tâm sản xuất cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân, nhà khoa học và hỗ trợ của Nhà nước. Thế nhưng hiện nay mô hình liên kết này vẫn ở dạng thí điểm.
Vấn đề nghiên cứu tìm ra giống mới mặc dù thường xuyên được quan tâm, nhưng thời gian qua số lượng công trình khoa học được nghiệm thu và chuyển giao, đưa ra ứng dụng thực tế không nhiều. Cũng có không ít công trình nghiên cứu bị cất vào ngăn tủ.
Tại Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, hiện có công trình nghiên cứu gốc ghép chống biến đổi khí hậu, đậu bắp, dưa chuột, ớt... có chất lượng và giá trị đang bị cất trong ngăn tủ. Lý do là không có kinh phí để chuyển giao, phổ biến tới người dân.
Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang và Vĩnh Long đang tồn đọng hàng chục triệu trái dừa không tiêu thụ được dù giá dừa chỉ còn 1.000 đồng/trái. Thế nhưng, theo ông Nguyễn Trúc Sơn - giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre, cả tỉnh không có doanh nghiệp nào sản xuất dầu dừa tinh (VCO) và chỉ có 17 doanh nghiệp chế biến cơm dừa nạo sấy.
“Việc độc canh sản xuất cơm dừa nạo sấy dễ làm doanh nghiệp bị tổn thất khi Indonesia, Thái Lan, Philippines và Trung Quốc tăng sản lượng và cạnh tranh về giá. Đây là sản phẩm có giá trị lớn, nhưng đáng tiếc là Việt Nam lại không đầu tư sản xuất mặt hàng này. Còn nước láng giềng Thái Lan đã chế biến mấy trăm sản phẩm từ dừa, trong đó có những sản phẩm giá trị cao như sữa dừa, bột sữa dừa, nước dừa đóng lon, thực phẩm ăn liền có thành phần cốt dừa... Họ sản xuất các sản phẩm này trong cùng một nhà máy, nên trường hợp sản phẩm này “có vấn đề” thì còn sản phẩm khác bù lại” - ông Sơn nói.
Chế biến cũng “ăn đong”
Ông Phan Quốc Nam, giám đốc Công ty Long Uyên (Tiền Giang - chuyên sản xuất trái cây đông lạnh xuất khẩu), cho biết suốt ba năm qua công ty ông không hề nhận được bất cứ sự hỗ trợ, đầu tư nào từ Nhà nước. Từ vay vốn đầu tư đến xúc tiến thương mại tìm thị trường xuất khẩu ông đều phải tự lo. Chính vì thế công ty phải “ăn đong” nguồn nguyên liệu thông qua thương lái, lúc có lúc không. Nhiều khi khách hàng cần mà nguyên liệu không có để chế biến đành bỏ mất cơ hội. Mãi tới gần đây Chính phủ có chủ trương cho vay vốn ưu đãi phục vụ xuất khẩu nông sản, ông Nam làm dự án đầu tư mở rộng quy mô nhà máy lên gấp ba lần thì được duyệt. |
Theo TTO
End of content
Không có tin nào tiếp theo