Đầu tư vào Lào: Thị trường nhỏ, tiềm năng lớn
Trên thực tế, đầu tư vào nước bạn Lào mới được các DN Việt Nam quan tâm trong ít năm gần đây. Tuy thế, sức hút từ thị trường này càng lúc càng “mãnh liệt”. Sự “nhanh chân” của nhiều DN tư nhân với những thành công trong kinh doanh đang kích thích ngay cả các “ông lớn” ở trong nước.
Tìm cơ hội tại Lào
Nhiều năm liền là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, nền kinh tế Lào phát triển chủ yếu nhờ việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành công nghiệp khoáng sản, điện lực. Tuy thế, các ngành sản xuất và dịch vụ cũng đã bắt đầu tạo sức hút mạnh với đầu tư nước ngoài mà dòng chảy vốn Việt Nam vào thị trường này trong thời gian gần đây không là ngoại lệ.
Với 224 dự án còn hiệu lực, tính đến cuối năm 2012, tổng vốn đăng ký đạt trên 4,2 tỷ USD, Lào là địa bàn đầu tư được nhiều DN sản xuất và dịch vụ của Việt Nam “ưa thích” nhất, trong số 59 thị trường có hoạt động đầu tư của DN Việt Nam.
Nếu chỉ nhìn bề ngoài, có không ít rào cản để các DN sản xuất phải ngần ngại khi quyết định đầu tư vào Lào: quy mô thị trường nhỏ với chỉ hơn 6 triệu dân, hạ tầng yếu, nguồn vốn trong nước hạn chế và các dự án đầu tư phát triển chủ yếu dựa vào tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ, viện trợ chính thức (ODA)...
Trong khi đó, thói quen tiêu dùng của người Lào cũng gắn với sản phẩm của Thái Lan, quốc gia có quan hệ thương mại truyền thống lâu đời với Lào. Tuy thế, nhiều DN Việt Nam lại có cách nhìn khác về khả năng hưởng lợi khi đầu tư vào đây.
Từ mối quan hệ thương mại đơn thuần thông qua xuất khẩu sản phẩm sang Lào, năm 2009, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong đã lên kế hoạch đầu tư nhà máy sản xuất ống nhựa cao cấp tại quốc gia láng giềng này.
“Thương hiệu Nhựa Tiền Phong của chúng tôi đã được nước bạn Lào biết đến. Đó là điều kiện để chúng tôi quyết định thành lập DN tại Lào”, ông Phạm Văn Viện - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty liên doanh Tiền Phong - SMP (Lào) nói về lý do đưa đến quyết định đầu tư của DN mình như vậy.
Cũng theo vị này, vượt qua nhiều hạn chế thì đầu tư vào Lào cũng có nhiều cái lợi. Do chính sách ưu đãi đầu tư của nước bạn có nhiều thuận lợi, vì vậy trong giai đoạn triển khai thủ tục, cũng như đầu tư xây dựng nhà máy tại Thủ đô Viêng Chăn của Lào, Công ty Nhựa Tiền Phong đã nhanh chóng đưa được dự án vào hoạt động ngay năm sau đó.
“Bước đầu sau hai năm đi vào sản xuất kinh doanh, dự án của chúng tôi đã có được hiệu quả”, ông Viện cho hay. Trung bình, mỗi năm Công ty liên doanh Tiền Phong đạt doanh thu khoảng 1,5 triệu USD. “Thị trường nước bạn Lào tuy nhỏ, nhưng chúng tôi nghĩ doanh thu ban đầu như vậy cũng là đáng kể”, ông Viện nói.
Tại thị trường Lào, các DN Việt Nam buộc phải cạnh tranh rất mạnh với các mặt hàng cùng loại của Thái Lan, nhưng đã cạnh tranh phải sòng phẳng. Hai lợi thế đang khiến cho sản phẩm của Nhựa Tiền Phong “thắng thế” tại Lào là chất lượng đi kèm uy tín thương hiệu. Thêm nữa, đây cũng là DN “nội” trong quan điểm của Chính phủ nước này.
Ông Viện nói: “Với chúng tôi, chất lượng sản phẩm, giá cả là điều có thể khẳng định sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh”. Cung cấp sản phẩm ống nhựa chất lượng cao với giá thành hợp lý, sản phẩm ống nhựa của Công ty liên doanh SMP đã được thị trường Lào chấp nhận. “Các dự án cần sản phẩm chất lượng cao của Chính phủ Lào đã sử dụng sản phẩm của Công ty chúng tôi”, ông Viện cho hay.
Dòng chảy vốn Việt
Trên thực tế, đầu tư vào nước bạn Lào mới được các DN Việt Nam quan tâm trong ít năm gần đây. Tuy thế, sức hút từ thị trường này càng lúc càng “mãnh liệt”. Sự “nhanh chân” của nhiều DN tư nhân với những thành công trong kinh doanh đang kích thích ngay cả các “ông lớn” ở trong nước.
Lần lượt là các ngân hàng, DN viễn thông hàng đầu, cả Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng “tiến quân” sang Lào, hình thành một cộng đồng DN hỗ trợ nhau trong kinh doanh. Trong số đó, những kinh nghiệm kinh doanh tại thị trường lớn hơn, cạnh tranh nhiều hơn ở trong nước đã giúp không ít DN Việt Nam trụ vững tại nước bạn Lào.
Ông Hoàng Anh Xuân - Tổng giám đốc Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel cho biết, DN này đã “cứu nguy” cho công ty viễn thông của nước bạn khỏi phá sản. Hơn nữa, với các giải pháp kinh doanh bài bản được lấy từ mô hình thành công trong nước, Viettel đã nhanh chóng có lãi với khoản đầu tư này. “Dòng tiền đem lại tính đến nay đã là 50% giá trị đầu tư, trừ cả khấu hao”, ông Xuân cho biết như vậy về hiệu quả cao từ nguồn vốn đầu tư vào Lào của DN mình.
Với các ngân hàng Việt Nam “đem chuông đi đánh xứ người”, trường hợp của MB là thành công nhất. Chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2010, MB Lào có vốn đầu tư ban đầu là 12 triệu USD, được hình thành với nhiệm vụ phục vụ các đối tượng DN Việt Nam đầu tư tại Lào, các DN và pháp nhân Lào; các khách hàng cá nhân là người Việt Nam tại Lào và người Lào.
Lãnh đạo nhà băng này cho biết, ngay năm đầu tiên gia nhập thị trường Lào, ngân hàng này đã kinh doanh có lãi. Tính đến cuối quý III/2012, MB Lào cũng đã đạt được những kết quả rất khả quan với mức lợi nhuận đạt 82% kế hoạch năm 2012.
Theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế Lào sẽ còn tiếp tục đạt tăng trưởng cao trong các năm tới. Với nhiều DN, đây là yếu tố khiến cho quyết định đầu tư vào Lào là một sự “đón lõng” cơ hội phát triển rực rỡ hơn trong thời gian tới.
MB đang lên kế hoạch đẩy mạnh hơn nữa công tác bán hàng, giới thiệu sản phẩm dịch vụ phù hợp với nhu cầu của thị trường tài chính Lào, từng bước tăng năng lực cạnh tranh... Còn với Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, ông Viện cho hay: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu nếu kinh tế phát triển và thị trường nước bạn tăng quy mô thì tiếp tục đầu tư giai đoạn hai của dự án trong vài năm tới”.
Quyết Thắng
Theo TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo