Bình luận

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa

Trong điều kiện kinh tế hội nhập như hiện nay, các doanh nghiệp muốn đứng vững và phát triển cần phải dựa vào Khoa học và Công nghệ (KH&CN). Bởi KH&CN không chỉ là động lực phát triển mà còn trở thành lực lượng sản xuất hàng đầu, góp phần nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Lợi thế này sẽ thuộc về doanh nghiệp nào biết ứng dụng và đổi mới công nghệ vào sản xuất và kinh doanh. Tuy nhiên trên thực tế nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa mặn mà với việc đổi mới công nghệ.

Đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn ( Bùi Hiếu)

Hiệu quả chưa cao

Mặc dù hoạt động đổi mới sáng tạo từ lâu được nhà nước đặc biệt quan tâm và khuyến khích, tuy nhiên đến nay hoạt động này vẫn chưa được doanh nghiệp trong nước chú trọng. Theo thống kê của Chương trình đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan (IPP), đến thời điểm hiện tại chỉ có khoảng 20-30% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạọ. Đây là con số quá ít so với số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước.

Theo ông Trần Quốc Thắng, giám đốc chương trình IPP, Từ năm 2009 đến nay chương trình đã triển khai giai đoạn 1 tại 7 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ, Lâm Đồng và An Giang. Tổng ngân sách được duyệt là 7 triệu Euro, trong đó Việt Nam đóng góp 11%.

IPP là chương trình tiên phong trong việc hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân, đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo đối với việc nâng cao khả năng cạnh tranh, thương mại hóa thành công các sản phẩm, dịch vụ mới. Mô hình đổi mới sáng tạo mở dựa trên hợp tác 3 nhà, bước đầu cũng được áp dụng thành công, đặc biệt là hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà nghiên cứu đã mang lại những kết quả khả quan.

Tuy vậy cho đến nay, chương trình IPP chỉ mới tiếp nhận được 400 đề xuất về các ý tưởng đổi mới sáng tạo trong 4 lĩnh vực và đã xét chọn được 60 tiểu dự án, cho phép triển khai 12 dự án về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ sạch, đào tạo đại học…

Ông Trần Quốc Thắng cho biết thêm, chương trình IPP đặc biệt ưu tiên cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có ý tưởng về đổi mới sáng tạo, tuy nhiên nhìn chung doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam hiện vẫn ngại đổi mới sáng tạo trong các ý tưởng và kế hoạch sản xuất kinh doanh.

Cần có giải pháp đồng bộ

Hiện nay, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định doanh nghiệp được trích tới 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển KH&CN, nhưng hầu hết doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm và cũng chưa đầu tư. Trong thời gian tới, cần phải có các giải pháp đồng bộ để doanh nghiệp phải trích một phần lợi nhuận của họ cho phát triển KH&CN. Những doanh nghiệp quá nhỏ có thể đóng góp cho Quỹ phát triển KH&CN của địa phương để quỹ này có được một nguồn đủ lớn cho phép tái đầu tư theo tứ tự ưu tiên, làm sao mỗi năm sẽ có một số doanh nghiệp được hỗ trợ để đổi mới công nghệ. Chúng ta có thể mở rộng các phương thức đầu tư của doanh nghiệp dành cho KH&CN.

Hiện nay, Chính phủ đã cho phép các tỉnh thành lập quỹ phát triển KH&CN của mình, Nhà nước hỗ trợ vốn ban đầu để hoạt động và về lâu dài, quỹ phải tự bảo tồn và phát triển vốn. Nếu chúng ta buộc các doanh nghiệp phải trích 10% lợi nhuận trước thuế như trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định, chắc chắn chúng ta sẽ có một nguồn đầu tư lớn gấp đôi tiền ngân sách Nhà nước đã đầu tư cho KH&CN.

Bên cạnh đó cần thúc đẩy phát triển hơn nữa thị trường KH&CN gắn với việc tăng cường thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ để thúc đẩy hoạt động hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ Phát triển KH&CN quốc gia, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia mở rộng hình thức hỗ trợ, như hỗ trợ lãi suất vay, cho vay ưu đãi, bảo lãnh vốn vay giúp doanh nghiệp xây dựng và thực hiện lộ trình đổi mới công nghệ. Đẩy mạnh Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế – xã hội nông thôn miền núi. Hỗ trợ tổ chức đào tạo ngắn hạn cho lãnh đạo doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghệ cao về quản trị công nghệ.

Đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cả người làm chính sách và nhà quản trị doanh nghiệp về yêu cầu cấp thiết phải thực hiện nhanh và hiệu quả các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Doanh nghiệp là trung tâm của quá trình đổi mới công nghệ và là nơi để ứng dụng những kết quả của giới nghiên cứu khoa học trên cả nước. Bộ KH&CN hết sức coi trọng vai trò của các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có tinh thần khoa học, dám ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong nước và quốc tế để tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh khi Việt Nam hội nhập quốc tế.

Đổi mới sáng tạo được xem là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Trong đó phải kể đến việc đổi mới công nghệ và quản trị được xem là chìa khoá, là nhân tố quyết định góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, tạo nền tảng để tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hướng đến nền kinh tế phát triển một cách bền vững.

Theo IPP
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo