Đẩy mạnh đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, triệt để đường sắt
Phát biểu tại cuộc họp Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Việc đầu tư, phát triển nhanh đến đổi mới đường sắt là nhiệm vụ bức thiết, phát triển nhanh để đổi mới đường sắt đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như đảm bảo quốc phòng an ninh đất nước. Đường sắt để trì trệ quá lâu rồi. Tuy nhiên một phần cũng do vốn đầu tư hạn hẹp và rõ ràng trong tư duy chúng ta cũng nghiêng về đường bộ nhiều. Vì đường bộ đầu tư khai thác được ngay, thời gian ngắn trong khi đường sắt phải đầu tư tổng thể và dài hạn hơn, tiền nhiều hơn.
Theo đó Bộ trưởng yêu cầu Vụ Kế hoạch đầu tư cùng với Cục Đường sắt Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam hoàn chỉnh lại Chiến lược đường sắt đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; căn cứ vào Chiến lược được phê duyệt để khẩn trương trình ngay Quy hoạch điều chỉnh phát triển đường sắt đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 cho phù hợp với Chiến lược phát triển đường sắt cũng như phù hợp với Chiến lược phát triển Giao thông Vận tải đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ trưởng giao cho Vụ Pháp chế chủ trì cùng với Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và các đơn vị liên quan rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất sửa đổi, trước hết là sửa Luật Đường sắt, tiếp đó là các Nghị định, Thông tư cần sửa đổi bổ sung cho phù hợp với yêu cầu đổi mới toàn diện đường sắt, yêu cầu của xã hội hóa. Trên cơ sở đó, đề xuất thể chế, chính sách để kêu gọi, thu hút xã hội hóa đầu tư.
Cùng với đó, Bộ trưởng đề nghị Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục tích cực công cuộc đổi mới toàn diện, tái cơ cấu, sắp xếp lại đường sắt mà trọng tâm là cổ phần hóa các công ty vận tải cũng như các công ty hạ tầng. “Vấn đề này là sự sống còn, cổ phần hóa để đổi mới về tư duy quản trị doanh nghiệp theo hướng thị trường. Chúng ta phải lấy thị trường để nuôi đường sắt, hạ tầng đường sắt để nuôi đường sắt và phát triển đường sắt. Đây chính là tài nguyên mà đất nước trao cho đường sắt” - Bộ trưởng nói.
Ban PPP cùng với Cục và Tổng công ty khẩn trương công bố danh mục các dự án kêu gọi đầu tư xã hội hóa, bao gồm cả kho bãi, nhà ga, đoàn tàu, tuyến đường mà tập trung vào tuyến Hà Nội - Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng…; Việc xã hội hóa sẽ thực hiện từ đầu, ngay từ khi lập báo cáo tiền khả thi đều không dùng ngân sách. Làm rõ lộ trình đầu tư hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc - Nam; khẩn trưởng nghiên cứu các tuyến TP Hồ Chí Minh - Nha Trang, Hà Nội - Vinh trên cơ sở nghiên cứu của JICA. Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc kết nối đường sắt với Trung Quốc và ASEAN, cần làm rõ lộ trình và các giải pháp.
Bộ trưởng yêu cầu các Cục, Vụ tập trung cùng đường sắt thực hiện xã hội hóa, nếu cần thiết có thể thành lập nhóm để thực hiện xã hội hóa đường sắt; tổ chức đoàn học tập kinh nghiệm xã hội hóa đường sắt của một số nước trong khu vực và trên thế giới. Nhân cuộc họp, Bộ trưởng cũng yêu cầu TCT ĐSVN tập trung sửa chữa ngay cầu Thăng Long; việc sửa chữa cầu Long Biên phải hết sức chặt chẽ không được để thất thoát, lãng phí. Ban QLDA đường sắt rà soát, chuẩn hóa lại các gói thầu của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tích cực đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng công trình. Bộ trưởng yêu cầu Cục ĐSVN và Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông tích cực hơn nữa để Dự án sớm được thi công trở lại. " Dân khổ lắm rồi..." - Bộ trưởng nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024