Đẩy mạnh xúc tiến thị trường Myanmar, Campuchia và Lào
Năm 2013, cơ quan xúc tiến đầu tư TPHCM đẩy mạnh các hoạt động tại ba thị trường là Myanmar, Lào và Campuchia nhằm tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp trên địa bàn.
Trao đổi bên lề buổi tổng kết hoạt động năm 2012 và chương trình năm 2013 của Trung tâm xúc tiến Đầu tư và Thương mại TPHCM (ITPC), bà Phó Nam Phượng, Giám đốc ITPC, cho biết nhiệm vụ quan trọng nhất của đơn vị này trong năm 2013 mà UBND TPHCM giao cho là tập trung công tác xúc tiến để doanh nghiệp xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa sản xuất và tồn kho, mở rộng mạng lưới phân phối…
Vì vậy, ba thị trường Lào, Campuchia, Myanmar với đặc điểm là thị trường truyền thống, dễ tính và đã có hàng Việt Nam hiện diện cũng như có nhiều tiềm năng phát triển được xác định là thị trường trọng điểm xúc tiến.
Ví dụ, tại Campuchia, hàng Việt Nam đã có độ phủ lớn, rất nhiều doanh nghiệp đã mở được kênh phân phối. Hiện tại, có 41 dự án của doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép tại đây.
Tại từng thị trường, ITPC sẽ có những chương trình riêng để xúc tiến các hoạt động giao thương. Trong đó, tại Campuchia là 3 chương trình lớn vào tháng 4 (hội chợ triển lãm thương mại dịch vụ tại Phnom Penh từ ngày 3 đến ngày 7); tháng 6 (hội chợ triển lãm thương mại du lịch tại Siemreap) và tháng 11 (hội chợ thương mại tại Battambang).
Tại Lào, sẽ có các chương trình hội thảo về xúc tiến, kết nối giao thương để tiến tới tổ chức hội chợ thương mại, đầu tư vào tháng 5. Còn với Myanmar, thị trường mới nổi được xác định rất tiềm năng, bên cạnh các chương trình hội chợ cũng sẽ có thêm những đoàn doanh nghiệp khảo sát, tìm hiểu thị trường vào tháng 6.
Cũng theo bà Phượng, bên cạnh ba thị trường trọng điểm kể trên, ITPC cũng sẽ tiếp tục khai thác các thị trường cũ như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ và các thị trường mới như châu Phi, Nam Á…
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc các chương trình xúc tiến sẽ được tổ chức như thế nào khi sức hút đang giảm xuống do doanh nghiệp gặp khó khăn, cắt giảm chi phí, bà Phượng cho rằng, đây là áp lực khiến cơ quan tổ chức xúc tiến phải có những điều chỉnh để chương trình thiết thực hơn, hiệu quả hơn.
Theo đó, ITPC sẽ làm việc với các cơ quan thương vụ ở nước ngoài để sắp xếp các buổi gặp gỡ, tạo điều kiện để doanh nghiệp giao thương nhiều hơn với đối tác.
Bên cạnh đó, cơ quan tổ chức cũng sẽ tính toán chi phí tham dự ở mức thấp, tiết kiệm cho doanh nghiệp.
UBND TPHCM có kế hoạch hỗ trợ cho doanh nghiệp hàng tiêu dùng thông qua việc tài trợ toàn bộ chi phí quảng bá sản phẩm trên các bảng hiệu, đài phát thành và kênh truyền hình Apsara (Campuchia) trong đầu tháng 6. Hoạt động này đã được thực hiện trong năm 2012 và phát huy được hiệu quả cao.
Đến thời điểm này, theo bà Phượng, hầu hết các chương trình xúc tiến kể trên đã được doanh nghiệp đăng ký tham gia. Trong đó, nhiều nhất là các doanh nghiệp ngành dệt may, da giày, thực phẩm chế biến, thủy sản, điện điện tử, trang trí nội thất…
Tại buổi tổng kết, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TPHCM đã yêu cầu ITPC cần bám sát nhu cầu thực tế, yêu cầu của doanh nghiệp thông qua việc theo sát các hiệp hội ngành nghề, các sở ban ngành, các quận huyện trên địa bàn TPHCM để tổ chức các chương trình hiệu quả và thiết thực.
Không chỉ vậy, cần liên kết với các tỉnh thành để mời các doanh nghiệp các địa phương tham gia cùng doanh nghiệp TPHCM trong các chương trình xúc tiến ở nước ngoài.
Minh Trí (Theo TBKTSGO)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vì sao dự án mở rộng nhà ga T1 sân bay Đà Nẵng chậm được triển khai?
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Việt Nam lần thứ 8 được vinh danh là "Điểm đến Golf tốt nhất châu Á năm 2024"
Một hãng hàng không lớn tuyển phi công tại Việt Nam
Báo Pháp giới thiệu Việt Nam như một hình mẫu chuyển đổi nông nghiệp sinh thái
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé
Cột tin quảng cáo