Đẩy nhanh việc hoàn thiện Đề án Chính quyền đô thị
Chiều 6/3, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương xây dựng Đề án Chính quyền đô thị đã họp phiên toàn thể dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban xây dựng Đề án thí điểm tổ chức chính quyền đô thị.
(TTXVN) Hội nghị đã thảo luận về Tờ trình Đề án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị do Ban Cán sự đô thị Bộ Nội vụ trình Ban Chỉ đạo xem xét, thảo luận, nhằm đóng góp ý kiến để Ban Chỉ đạo tiếp thu, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ-Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, trên cơ sở kết quả khảo sát, tổng hợp báo cáo chuyên đề của các thành viên Ban Chỉ đạo, các cuộc hội thảo lấy ý kiến tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, Bộ Nội vụ đã xây dựng dự thảo Đề án chính quyền đô thị trình Chính phủ.
Việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị nhằm xác định rõ sự khác biệt giữa đô thị và nông thôn, từ đó xác định rõ mô hình tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, cơ chế hoạt động phù hợp đối với chính quyền ở địa bàn đô thị và chính quyền ở nông thôn. Nhiệm vụ này đã được đặt ra trong nhiều Nghị quyết của Đảng về cải cách hành chính thời gian qua.
Mô hình chính quyền đô thị trong Đề án được nghiên cứu trên cơ sở thực trạng tổ chức chính quyền địa phương ở Việt Nam hiện nay cũng như kết quả từ việc thí điểm không tổ chức Hội đồng Nhân dân quận, huyện, phường và những bất cập, hạn chế trong mô hình tổ chức quyền địa phương hiện nay. Ban soạn thảo đề xuất 3 phương án tổ chức chính quyền đô thị để lấy ý kiến của các đại biểu, nhằm hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến.
Góp ý về dự thảo đề án thí điểm, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình việc xây dựng mô hình chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị hiện nay như tạo sự nhanh nhạy, hiệu lực hiệu quả, nâng cao công tác quản lý nhà nước…
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là đề án lớn, phản ánh sự đổi mới tư duy hiện nay, đồng thời cũng cho thấy tính chất phức tạp của đề án. Do đó, việc nghiên cứu, triển khai Đề án cần có lộ trình, bước đi cụ thể, vững chắc, có tổng kết từ kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống.
Chỉ rõ tính cần thiết của đề án này, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, đây sẽ là cơ sở để kiến nghị Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 xem xét đưa vào Hiến pháp lần này quy định về chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện Đề án đúng tiến độ đặt ra. Đặc biệt, các vấn đề đưa ra trong đề án phải có cơ sở lý luận và thực tiễn với các nguyên tắc cụ thể, từ đó đi đến thống nhất tên gọi là Mô hình tổ chức chính quyền đô thị./.
Hồng Lĩnh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cột tin quảng cáo