Tin tức - Sự kiện

Đẩy vốn FDI vào thực hiện

2,7 tỷ USD là tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước tính đã giải ngân trong quý I/2013, tăng 7,1% với cùng kỳ năm 2012.
Đang tiếp tục có nhiều động thái tích cực để đẩy nhanh vốn FDI vào thực hiện.
 
Cuộc đàm phán mua lại Khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương) giữa hai tập đoàn dệt may lớn của Hồng Kông là Pacific và Công ty TNHH Tinh Lợi (Công ty con của Tập đoàn Dệt may Crystal) với Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) đã được nối lại trong đầu tuần này.
 
Mức giá cũng như các điều kiện đàm phán chưa được xác nhận, nhưng về chủ trương, UBND tỉnh Hải Dương đang kỳ vọng về một thương vụ thành công với sự thế chân của Pacific và Tinh Lợi trong vai chủ đầu tư mới của Khu công nghiệp Lai Vu.
 
Đây được coi là giải pháp tốt nhất để làm sống lại 200 ha của khu công nghiệp vốn thuộc về Vinashin và đã từng đứng trên bờ vực phá sản. Đồng thời đây cũng là một hướng mở để các nhà đầu tư nước ngoài này thực hiện các kế hoạch đầu tư của mình.
 
Bởi, trước khi bắt tay vào thương vụ này, năm 2011, Pacific và Tinh Lợi đã được UBND tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư 1 dự án dệt và sản xuất các nguyên phụ liệu với có tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 423 triệu USD và 1 dự án sản xuất hàng may mặc trị giá khoảng 115 triệu USD tại Cụm công nghiệp Nguyên Giáp (cùng trên địa bàn Hải Dương). Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng ở Cụm công nghiệp Nguyên Giáp vì nhiều lý do vẫn chưa hoàn tất, khiến việc triển khai hai dự án bị đình trệ.
 
Rõ ràng, đó chính là điểm thuận kép của thương vụ này. Theo đó, cùng với kế hoạch thoái vốn của PVN theo yêu cầu của Chính phủ khi nhận lại một phần tài sản của Vinashin, thương vụ sẽ giải quyết mong muốn được triển khai ngay kế hoạch đầu tư của Pacific và Tinh Lợi. Thông tin từ Ban quản lý khu công nghiệp Hải Dương cho biết, ngay cả khi việc đàm phán chưa thể sớm kết thúc như kỳ vọng, hai tập đoàn cũng sẽ thuê lại một phần diện tích tại Khu công nghiệp Lai Vu để bắt tay vào triển khai các dự án đã được cấp phép.
 
Với những động thái rất cụ thể này, trong tổng vốn FDI giải ngân những tháng tới của Hải Dương nhiều khả năng sẽ ghi thêm những khoản đầu tư đầu tiên của hai dự án này sau 2 năm được tính vào tổng vốn FDI đăng ký.
 
Cũng trong tuần này, một cuộc làm việc giữa Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Kenmark (chủ đầu tư đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng và nhà xưởng trong Khu công nghiệp Việt Hòa - Kenmark) với 5 đối tác của Đài Loan để bàn về khả năng chuyển nhượng dự án này cũng sẽ được tổ chức tại Đài Loan. Đại diện UBND tỉnh Hải Dương đã được mời tham gia cuộc làm việc này để có những giải pháp phối hợp cùng với nhà đầu tư nhanh chóng tìm ra lối thoát cho dự án có tổng vốn đầu tư trên 98 triệu USD đang phải đóng cửa do khó khăn về tài chính của chủ đầu tư.
 
Ông Nguyễn Đình Cung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, các động thái này thực sự tích cực theo cả hai hướng, đó là, giải quyết ngay các tồn tại và cả hướng tạo thay đổi về chất cho các dự án FDI.
 
“Cách thức tốt nhất để làm sống lại các dự án đang đình trệ là tạo điều kiện để chúng có được những chủ đầu tư mới theo đúng xu hướng và giá trị thị trường. Với trường hợp của Khu công nghiệp Lai Vu, nếu vụ chuyển nhượng thành công, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ phải tìm ngay khách hàng để lấp đầy các khoảng trống, nhanh chóng thu hồi khoản đầu tư đã bỏ ra. Phía cơ quan quản lý khu công nghiệp cần tranh thủ nhân tố mới này để cùng thu hút vốn FDI đúng theo yêu cầu phát triển”, ông Cung đề xuất.
 
 
 
 
Minh Trí
Theo Đầu tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo