Tin tức - Sự kiện

ĐBQH lo thất thoát tài sản Nhà nước nếu giá cổ phần không được đấu giá minh bạch

Trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 28/5, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước là nội dung được các đại biểu chất vấn nhiều hơn cả.

Tranh luận về hiệu quả cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước ở Bộ Giao thông Vận tải đã làm nóng hội trường khi các đại biểu chất vấn về vấn đề định giá, quản lý doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa. Băn khoăn nhiều nhất nằm ở nguy cơ thất thoát tài sản Nhà nước nếu giá cổ phần không được đấu giá minh bạch, công khai, đảm bảo sát giá trị thị trường. Hàng loạt các ví dụ được đại biểu "điểm mặt chỉ tên", qua đó kiến nghị những trách nhiệm của tập thể và cá nhân lãnh đạo với cử tri cả nước.

Xét cả giai đoạn 2011-2015, số lượng doanh nghiệp Nhà nước đã tiến hành cổ phần hóa chiếm hơn 98%. Tuy nhiên, tính tới cuối 2016, số vốn thực bán mới chỉ chiếm 3% tổng số vốn Nhà nước. Các đại biểu cho rằng cổ phần hóa gần đạt kế hoạch về lượng nhưng chưa tạo được sự biến đổi về chất khi Nhà nước vẫn chi phối quá lớn hoạt đông của doanh nghiệp. Ngoài ra, các đại biểu còn không ít ý kiến băn khoăn về khâu tổ chức thực hiện cổ phần hóa, thậm chí nêu rõ những trường hợp cụ thể.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái .

Ông Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre nói: "Phải xem xét lại vấn đề cổ phần hóa Tổng công ty Vận tải thủy Việt Nam, trong đó tại sao 10 doanh nghiệp Nhà nước với hàng trăm đoàn tàu, rất nhiều tài sản của Nhà nước mà chỉ được định giá 327 tỷ đồng, tức chỉ tương đương với một căn nhà tại phố cổ Hà Nội. Rất nhiều người bức xúc nhưng vừa qua kết luận giải quyết khiếu nại, tố cáo lại cho rằng không có vấn đề gì xảy ra".

Ông Nguyễn Minh Sơn - Đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang nói: "Một số doanh nghiệp có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa nhưng không có tính giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá khởi điểm để đấu giá thì giá trúng cao hơn nhiều so với giá khởi điểm như công ty cổ phần Khách sạn Kim Liên giá khởi điểm 30.600 đồng, giá trúng là 274.200 đồng".

Ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội - cho rằng kể cả khi thuê tư vấn nước ngoài định giá đất cũng khó chính xác 100% vì không loại trừ có sự câu kết.

"Khi doanh nghiệp thua lỗ phải bán máy móc thiết bị đây sẽ là cơ hội làm ăn béo bở cho một nhóm người. Do vậy, tôi thấy rằng cần phải thanh tra kiểm tra các vụ việc bán tài sản Nhà nước và kiểm tra cả các tổ chức thực hiện việc định giá, thẩm định giá, tổ chức đấu giá để quy trách nhiệm cho các đơn vị này", ông Cường nói.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái chỉ ra cần phải kiểm soát chặt việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa: "Nếu thuê 50 hay chuyển quyền sử dụng đất giá trị sẽ rất lớn, vì vậy khi cổ phần hóa đất thuế hàng năm hay đất chuyển đổi mục đích hoặc khi chuyển từ thuê hàng năm sang thuê dài hạn phải tính toán và đấu giá chuyển sang giá trị thị trường".

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết: "Việc chuyển đổi đất doanh nghiệp như có đại biểu nói là tối đa hóa lợi nhuận nhưng trong đó không loại trừ những động cơ không trong sáng và người quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất từ đất kinh doanh hoặc trụ sở văn phòng sang đất nhà ở phải tính tiền sử dụng đất theo thị trường. Tuy nhiên, chúng ta không làm được điều đó, vì vậy không rõ trách nhiệm, trắng đen lẫn lộn, thiếu minh bạch và thất thoát, rất nhiều đại biểu phát biểu chúng tôi thấy rất đúng".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cũng cho biết kỳ họp này Chính phủ sẽ siết chặt khâu kiểm định việc đổi mục đích sử dụng đất sau cổ phần hóa để tránh thất thoát tài sản Nhà nước.

Nên đọc
Theo VTV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo