ĐBQH Uông Chu Lưu: Chiếm nhà công vụ là có... tư lợi!
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã chia sẻ quan điểm của mình trước thông tin nhiều bộ ngành có trụ sở mới nhưng không trả lại trụ sở cũ. Cùng với đó cũng có những cán bộ lãnh đạo không muốn trả lại nhà công vụ.
PV: - Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, mới đây Bộ TNMT chính thức thông tin việc không trả lại trụ sở cũ vì phải thêm nhiệm vụ, nhiều cán bộ. Ông bình luận gì về điều này?
PCT Uông Chu Lưu: - Họ nói như vậy thì khó thật. Phải xem lại từ khi lập dự án xây dựng trụ sở mới họ đã được giao thêm nhiệm vụ chưa hay là nhiệm vụ này có sau dự án.
Về vấn đề này phải rất cụ thể. Về nguyên tắc kể cả Quốc hội hay Chính phủ khi có trụ sở mới ở chỗ khác thì phải trả lại trụ sở cũ.
Thực tế bây giờ họ nói thêm nhiệm vụ, thêm biên chế, chỗ mới không đủ làm việc và giữ lại trụ sở cũ thì phải làm rõ, cụ thể từng bộ. Còn về nguyên tắc có trụ sở mới là phải trả trụ sở cũ.
PV: - Không chỉ riêng Bộ TNMT, mà theo phản ánh của HN, đa số các bộ có trụ sở mới nhưng vẫn không trả lại trụ sở cũ. Một vị lãnh đạo Cục Công sản, thuộc Bộ Xây dựng đã giải thích, thực tế không phải bộ, ngành nào được xây dựng trụ sở mới cũng dư thừa diện tích. Phải lý giải như thế nào về chuyện đầu tư xây trụ sở mới mà vẫn không đủ diện tích mà vẫn phải dùng trụ sở cũ? Vấn đề này theo Phó Chủ tịch cần quy trách nhiệm ra sao?
PCT Uông Chu Lưu: - Cái này còn phải xem Chính phủ đã chỉ đạo đến đâu.
PV: - Còn nhớ, khi nói về việc xây trụ sở nguy nga, có vị lãnh đạo địa phương cũng giải thích, vì thêm nhiều người nên phải xây trụ sở to. Điều này đi ngược hoàn toàn với chủ trương tinh giản biên chế, cũng như nhận định của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng, 30% công chức cắp ô. Ông bình luận như thế nào về những mục tiêu đi ngược đường nhau như vậy? Theo ông, nguyên nhân của tình trạng này là vì đâu?
PCT Uông Chu Lưu: - Chủ trương chung của nhà nước chúng ta là tinh giản biên chế, từ nay đến năm 2016 là phải tiếp tục tinh giản.
Nói như thế không có nghĩa là tất cả các đơn vị phải đồng loạt giảm. Cũng có những nơi cần bổ sung thêm biên chế vì thêm chức năng nhiệm vụ mới. Rõ ràng với những nơi này thì phải bố trí trụ sở, nơi làm việc cho họ.
PV: - Có đại biểu đã thẳng thắn nhận định, hết nhiệm kỳ công tác mà không trả lại nhà công vụ có thể bị coi như tham nhũng. Vậy theo ông việc xây trụ sở mới mà vẫn không đủ chỗ nên không trả trụ sở cũ phải được coi là hành động như thế nào?
PCT Uông Chu Lưu: - Việc không trả lại nhà công vụ không nên gọi là tham nhũng vì nói vậy là không chính xác. Tham nhũng gồm những hành vi gì thì trong Luật Tham nhũng và Luật hình sự đã quy định rõ.
Còn việc chưa trả nhà thì có thể gọi là sử dụng trái phép tài sản của nhà nước. Còn nói tham nhũng thì không hẳn vì người ta không chiếm đoạt, chưa rõ động cơ.
Nhưng có thể khẳng định rằng trong việc làm này là có sai phạm, có tư lợi ở đó nhưng đã cấu thành tội phạm chưa, rơi vào dấu hiệu của tham nhũng chưa thì cần phải cụ thể hơn.
PV: - Theo ông vấn đề này nên giải quyết như thế nào để có thể tận dụng được trụ sở cũ như ĐB Lê Như Tiến đã nói sẽ là “gà đẻ trứng vàng” cho ngân sách?
PCT Uông Chu Lưu: - Tất nhiên là nếu thu lại được trụ sở cũ thì còn rất nhiều việc để bố trí. Ví dụ như bố trí cho các cơ quan chưa có trụ sở cũng là một phương án.
Hoặc có thể đấu giá để thu lại nguồn thu để cho ngân sách làm vào việc khác. Nói chung là nhiều khả năng có thể xảy ra khi trụ sở cũ được trả lại.
PV: - Thưa ông, trong nhiều trường hợp đối với người đứng đầu các cơ quan tại Việt Nam không hoàn thành nhiệm vụ quản lý ngành nhưng khi nói đến vấn đề từ chức thì rất khó khăn. Trong khi đó vấn đề trách nhiệm cũng không rõ. Theo ông vì sao lại như vậy?
PCT Uông Chu Lưu: - Về điều này tôi cho rằng có nhiều yếu tố, có thể do hoàn cảnh, điều kiện, bối cảnh xã hội của ta nặng nề.
Mọi người cảm giác việc từ chức là rất nặng nề kể cả với cán bộ công chức cũng như người thân của họ.
Đây là một áp lực rất lớn và được người ta xem như là một hình thức kỷ luật chứ không phải là giải pháp tự nguyện của người cán bộ công chức đang đảm nhiệm chức vụ.
Ở các nước người ta quan niệm chức vụ rất bình thường. Hôm nay người ta có thể đảm đương ở lĩnh vực này nhưng ngày mai có thể họ chuyển hẳn sang lĩnh vực khác đúng năng lực, sở trường của họ. Họ tự nguyện và xem việc từ chức là rất bình thường.Tuy nhiên ở ta chưa có thói quen đó.
Hiện nay mong muốn của cử tri cũng như ĐBQH là các dự án Luật tổ chức phải quy định rõ vị trí vai trò, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn cụ thể.
Có như vậy mới tạo cơ sở pháp lý để người ta hoạt động có hiệu quả và phát huy được năng lực, trách nhiệm của họ và khi họ không hoàn thành nhiệm vụ thì có cơ chế để kiểm tra, giám sát, xử lý.
Hiện pháp luật của chúng ta đang đi theo hướng đó nhưng hiện tính cụ thể vẫn còn hạn chế. Do vậy khi cần làm rõ trách nhiệm là rất khó. Chưa làm rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc