Tin tức - Sự kiện

Đề án 35.000 tỷ: Bộ Giáo dục lại “chơi chữ”?

Đề án 35 nghìn tỷ lại được giải thích là bị hiểu lầm, số tiền này không chỉ dành riêng cho đổi mới sách giáo khoa mà còn 7, 8 hạng mục khác...

Đề án đổi mới sách giáo khoa phải thực hiện

GS. Văn Như Cương - Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh trao đổi về đề án Đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. 

Đổi mới không đúng chỗ!
 
PV: Vừa qua, tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã trình bày đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Thế nhưng, nội dung được đánh giá là thiếu thực tế, thậm chí sơ sài, mặc dù đây đã là lần thứ 2, Bộ lên tiếng trình bày đề án này. Ông có nhận xét gì về sự cố này?
 
Tất nhiên, 2 lần cùng chung 1 lỗi, trên tinh thần đó chúng ta khó có một lòng tin cho ngành giáo dục.
 
Tất cả mọi người, đặc biệt là thầy giáo, học sinh khi nào cũng nằm trong tình trạng hoang mang, đặc biệt là học sinh sắp tốt nghiệp. Bộ Giáo dục đã cực kỳ sai lầm khi cứ kiên quyết thi kiểu này, thi kiểu kia, hay cho cái chế độ tự chọn. Tất cả cứ làm lung tung mà không có định hướng nào cụ thể, giống như con rối càng lắc càng rối.
 
PV: Trước đây, rất nhiều chuyên gia giáo dục đã lên tiếng cho rằng cần phải có một cuộc cách mạng giáo dục thì mới đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay, giờ thì cơ hội ấy đã có, vậy tại sao các chuyên gia giáo dục và Bộ GD lại loay hoay mãi không thực hiện được chỉ một vấn đề là sách giáo khoa? Do Bộ GD chưa sử dụng đúng người tài hay do chúng ta chỉ quen phê phán mà không quen làm việc?
 
Cái vấn đề căn bản của chương trình đổi mới không phải ở việc đổi mới sách giáo khoa, càng không phải thay đổi cách thi cử.
 
Thế mà, năm nay Bộ GD đã làm lung tung hết lên làm cho học sinh gần đến lúc thi mà vẫn còn hoang mang, điều này là những mở đầu không phải cái quan trọng nhất.
 
Đồng ý là chương trình đổi mới sách giáo khoa quan trọng nhưng phải làm trước khi đổi mới thi cử, trước khi xác định ra giáo dục của chúng ta đi theo hướng nào. Ví dụ, như PTTH thì chỉ có một chương trình hay bao nhiêu chương trình, cho đến hiện nay, chỉ có 1 con đường học hết là làm gì, là thi vào đại học.
 
Trong khi, hiện nay, tất cả đều học như nhau: Toán –Lý – Hóa – Văn – Sử - Địa và thi tốt nghiệp rồi đi thi đại học cũng bằng đó môn. Vậy tức là sau khi học phổ thông chỉ có duy nhất 1 con đường thi vào đại học.
 
Đáng lẽ chúng ta phải phân luồng, phân loại, phân hạng các trường THPT lớp 10,11,12 có thể ra đời bằng nhiều con đường khác nhau.
 
Một là, con đường đi vào đại học. Hai là, con đường đi học cao đẳng, trung cấp dạy nghề để 2 -3 năm ra làm nghề kiếm sống. Ba là, con đường sau khi tốt nghiệp phổ thông học mấy tháng, nửa năm là có việc làm. Ví dụ phân loại ra có 3 loại trường PTTH, trường học nghề thường, học nghề vừa phải và trường nghiên cứu, nếu như thế chỉ riêng chương trình PTTH cũng đã có 3 loại,
 
Sách giáo khoa cũng khác nhau, nhưng chuyện đó chưa bàn đến, đã tính đến đổi mới sách giáo khoa.
 
Vậy thì nói đổi mới theo hướng nào, kiểu nào, như Anh hay như Đức theo mô hình nào cũng không biết. Có nghĩa, Bộ GD đang thực hiện theo quy trình lộn ngược, việc cần làm thì không làm.
 
Đừng chỉ chú trọng dạy chữ, quên dạy người
 
PV: Ai cũng nói rằng sự nghiệp giáo dục là cao quý, là sự nghiệp trồng người, vậy tiêu chí cơ bản để xác định con người đã được giáo dục của chúng ta là gì, thưa ông? Liệu có thể biên soạn sách giáo khoa mà không có các tiêu chí cơ bản này không?
 
Trước kia chúng ta đều thống nhất nhận định rằng cái sự học ở trường phổ thông của chúng ta hiện nay chỉ học chữ, không học người, không học nghề.
 
Vậy trong chương trình mới, để đào tạo ra một con người tốt nghiệp PTTH phải tính đến dạy chữ, dạy người có cả dạy nghề. Vậy thì dạy chữ bao nhiêu %, dạy người bao nhiêu %, dạy nghề có nhiều loại, loại nhiều %, loại ít %.
 
Để đào tạo được lên đại học thì cũng có biết nghề nghiệp, bản thân nên lao động. Hiện nay, cái chúng ta phải phấn đấu phải là một nền giáo dục có dạy chữ, dạy người và có nghề nghiệp.
 
Ngay việc dạy chữ cũng phải có quan điểm thay đổi, không phải dạy 1 cách áp đặt mà phải dạy 1 cách thông minh, dạy 1 cách học sinh tự chủ, có quan sát, có nghiên cứu, tất cả phải thay đổi lớn như vậy theo yêu cầu của xã hội.
 
Nên đổi mới sách giáo khoa cũng phải thay đổi sao cho phù hợp. Ngay sách giáo khoa về Toán học, yếu tố dạy người trong đó là gì, áp dụng thực tế thế nào, học Toán để nhìn vào sinh hoạt thực tế của mình, của gia đình như thế nào, chứ không phải làm bài toán mà chúng ta ngồi bịa ra, cho học trò giải phương trình thế này, thế kia.
 
Hiện nay chương trình của mình toàn là kiến thức cao siêu, hóc búa như vậy học sinh vẫn giải được, nhưng đặt câu hỏi phương trình ấy gặp ở đâu trong thực tế đời sống hàng ngày, thực tế nghiên cứu của các nhà Toán học, thực tế của các ông kỹ sư ra công trình làm việc, hay cho đến các nhà kinh tế…thì gặp ở đâu, như vậy học để làm gì?
 
PV: Được biết, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết trước đây Bộ đưa ra đề án đổi mới với tổng mức đầu tư lên tới con số 70.000 tỷ, nhưng để chống sốc Bộ đã tách ra làm 2 đề án khác nhau. Nhưng dường như con số này vẫn chưa được rõ ràng. Quan điểm của ông ra sao, trước sự lạ lùng này?
 
Về đề án 70.000 năm 2011, dư luận bàn tán rất nhiều, sau đó được giải thích 70.000 tỷ ấy không phải chỉ dành cho đổi mới chương trình sách giáo khoa, mà còn hạng mục khác, như xây dựng cơ sở vật chất… Do đó, đề án 70.000 tỷ gây hiểu lầm.
 
Bây giờ đề án mới gần 35 nghìn tỷ thì cũng được giải thích là bị hiểu lầm, cái tiền này không chỉ dành riêng cho đổi mới sách giáo khoa mà còn 7, 8 hạng mục khác, cho nên nếu mà chỉ cho chương trình sách giáo khoa thì chỉ 5000 tỷ.
 
Đó là một con số quá hoang mang, có nghĩa 1/7 của tổng số tiền xin của đề án, nhưng vẫn mang tên đổi mới sách giáo khoa đó gây hiểu lầm lớn, sao không rút kinh nghiệm. Chưa bàn đến việc hạng mục khác là gì, nhưng 5000 tỷ dành cho đổi mới sách giáo khoa cũng là quá nhiều.
 
Ví dụ tôi có tính toán riêng, việc khác tôi không biết, nhưng để viết sách giáo khoa chỉ cần 50 tỷ là đủ, cần 1/10 số tiền Bộ cần.
 
Sau khi bị phản đối, Bộ lại lên tiếng, trong dự án 5000 tỷ đó, thì riêng cho viết sách giáo khoa cũng chỉ có 115 tỷ thôi, còn nhiều hạng mục khác, đặc biệt, 20 nghìn tỷ trong gần 35 nghìn tỷ, sẽ dành cho việc trang thiết bị và thiết bị dạy học.
 
Vậy tôi thực sự hoang mang, với số tiền đó, Bộ lúc giải thích thế này, lúc giải thích thế kia, bây giờ hoang mang chính của tôi 20 nghìn tỷ dành cho trang thiết bị trường học, dạy học, vì trên thực tế từ trước đến nay, các trang thiết bị dạy học đã phát huy thực tế như thế nào, trong việc dạy học có thể nói là con số không.
 
Bộ không cho người về từng trường phổ thông tìm hiểu sâu, hầu hết là đắp chiếu các thiết bị để không, vì sử dụng không chính xác làm mất thì giờ cho dạy học, không giáo viên nào muốn mời học sinh đến phòng thí nghiệm làm các thiết bị ấy, thậm chí là trình chiếu trước mặt học sinh. Còn bên cạnh đó các hạng mục bồi dưỡng giáo viên chưa được nhắc đến.
 
Bây giờ tôi không hiểu đổi mới sẽ đến mức độ nào, chủ trương đổi mới như thế nào, thiết bị dạy học ra sao, hay cứ làm như cũ. Bộ sản xuất ra hay đặt hàng cho các nhà máy làm cái này, cái kia, việc này là khó hiểu, khiến 20 nghìn tỷ lại càng khó hiểu. Thử đặt vấn đề 20 nghìn tỷ đó nó mang lại những lợi ích gì?
 
Con số đầu tư quá vô lý!
 
PV: Vậy có nghĩa là đang tồn tại sự vô lý trong những con số này?
 
Quá vô lý! Vì theo như Thứ trưởng Hiển báo cáo thường vụ Quốc hội là số tiền gần 35 nghìn tỷ chưa tính đến việc nâng cấp hiện đại các trường trung học để phục vụ cho công cuộc, đổi mới toàn bộ nền giáo dục.
 
Quá khó hiểu! Xung quanh số tiền này sử dụng vào việc gì, làm việc gì, cho đến nay thực sự rất lung tung, khi nói 5 nghìn tỷ, khi nói chưa có gì, rồi 115 tỷ, quả thật ai biết đâu mà nói.
 
Tôi thiết nghĩ, Bộ GD thường yêu cầu các trường đại học, trung học phải minh bạch về tài chính, về số chi tiêu, số thu làm những gì, minh bạch trước phụ huynh, xã hội, điều đó rất hay và quan trọng. Vậy bây giờ Bộ đã thực hiện điều ấy vào con số gần 35 nghìn tỷ ra sao.
 
Năm 2013 khi đề xuất 70 nghìn tỷ, tôi có thấy có những con số kỳ lạ, tuyên truyền, phổ biến báo chí , mời họp báo, đưa đăng lên báo từng đợt 1, có đợt hơn 10 tỷ, đúng là những con số không thể tưởng tượng ra.
 
PV: Theo quan điểm của ông thì nếu thay đổi sách giáo khoa thì chúng ta phải so sánh với cái gì, lấy cái gì làm chuẩn mực?
 
Cái chuẩn mực là tất cả mọi bộ môn, xác định thế nào là hiểu biết ở mức độ phổ thông, cái con người tốt nghiệp người có thể trực tiếp làm việc, người có thể học đại học, tất cả trang bị đấy đến mức độ nào là vừa phải.
 
Không phải như bây giờ môn Văn yêu cầu như là mọi học sinh tốt nghiệp lớp 12 đều trở thành những nhà phê bình văn học, học toán thì thành nhà toán học. Cho nên môn nào cũng nhồi, cũng nhét, phê bình văn học, phê bình thơ ca, thế là không được, con người phải có kiến thức phổ thông, nó rất quan trọng nhưng hiểu biết đến mức độ nào nên cần phải xác định.
 
Ngay cả những việc gần với thực tế nhất như môn quân sự, yêu cầu gì đối với học sinh PTTH về quân sự tại sao phải ném lựu đạn, phải lăn lê, cái đó là yêu cầu đối với 1 con người, yêu cầu 17 -18 tuổi thì làm gì, có ra làm lính đâu mà phải đi rèn luyện như quân đội. Vậy kiến thức quân sự thể hiện như thế nào? Thế nào là đủ?
 
Cho nên về bộ môn giáo dục quốc phòng cũng phải xem lại, rồi bây giờ giáo dục chống tham nhũng đưa vào trường học, yêu cầu là gì, chuyện tham nhũng người lớn làm còn không xong, lại lôi cả trẻ con. Người lớn thì tham nhũng, trẻ con có biết tham nhũng không, dậy nó làm gì, yêu cầu gì?
 
PV: Trong khi nội dung chưa có, thì Bộ GD-ĐT lại đưa ra số tiền dành cho dự án lên tới gần 35 tỷ đồng, một con số không hề nhỏ, số tiền này có đủ cho dự án đổi mới hay không? Và với thời gian 1,5 năm khi chưa có bất kì nội dung nào trong đề án thì Bộ có làm được không? Thậm chí, hiện nay, hệ thống các cấp học của chúng ta còn chưa hề có sự liên thông, thay vào đó là quanh co, đứt đoạn?
 
Bộ đặt ra mục tiêu 2015 bắt đầu viết soạn sách giáo khoa, sau đó thay sách cho đến 2023, 8 năm sau 2015 thì sẽ hoàn thành, nhưng tôi không tin đến năm 2023, Bộ có thể làm được điều đó, năm 2015, Bộ có thể bắt đầu viết sách giáo khoa khi tất cả còn mông lung như vậy.
 
Cũng như chúng ta xây một ngôi nhà mới, bây giờ nguyên liệu chưa chở đến, chưa biết có bao nhiêu sắt, bao nhiêu xi măng, hình thù ngôi nhà ấy cũng chưa hình dung ra có bao nhiêu tầng, cổng trước , cổng sau ra sao, chưa có thiết kế làm sao thi công được mà nói 2015 viết sách giáo khoa.
 
Bây giờ mới thống nhất kiến thức phải học, vẫn 12 năm như cũ, tiểu học 5 năm, cơ sở 4 năm, phổ thông 3 năm, đó tôi chỉ thấy có được 1 việc thành công, còn lớp này lớp kia ra sao thì chưa cụ thể.
 
PV: Nếu so với các nước bạn thì hiện nay công cuộc đổi mới sách giáo khoa của chúng ta đang gặp khó khăn ở đâu, trong khi, nhìn ra các nền giáo dục Mỹ, Pháp, Đức, Nga hoặc sát cạnh chúng ta là Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan... công cuộc giáo dục của họ đặc biệt nội dung sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy của họ đã đạt được những thành tựu lớn?
 
Cái khó khăn thực ra không lớn, chuyện tiến bộ của thế giới về việc viết sách giáo khoa cũng vậy, đề cập chương trình muốn thì có thể học tập được ngay, không có gì khó khăn, sau đó bồi dưỡng cho giáo viên có thể làm được, vấn đề là chúng ta xác định như thế nào, một mô hình cụ thể, một mẫu cụ thể và làm theo kiểu ấy của riêng ta.
 
Phải có những người đề ra những đề án, duyệt qua, cứ nhìn xem một đề án, một trình bày của Bộ mà nhiều người chê như bảo vệ thử đã bị bác thì sao chấp nhận được.
 
PV: Việc Bộ GT-ĐT cần làm ngay là gì, để tránh việc “mất tiền oan” thưa ông? Vì sao?
 
Tôi tin chắc nếu Bộ không làm cụ thể, chi tiết thì sẽ không được duyệt.
 
Cho nên Bộ phải tập trung mà làm, tiền nong tính toán cẩn thận cho rõ ràng, minh bạch. Tập trung việc nào làm trước, làm sau, hiện nay lung tung, ngay cả Bộ mỗi người nói 1 cách, làm gì có chuyện tôi biết đến đâu, tôi nói đến đấy thì thật là buồn cười.
 
Xin trân trọng cảm ơn GS!

 

Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo