Dè dặt hàng Tết
Thời gian này những năm trước, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh, đã cấp tập sản xuất để chuẩn bị cho thị trường Tết. Thế nhưng năm nay, tình hình yên ắng hẳn.
Chịu lỗ để giữ thị trường
Theo Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh, năm nay do khó khăn chung của nền kinh tế, sức mua thị trường chậm, các doanh nghiệp lo ngại về khả năng tiêu thụ hàng trong thời điểm Tết. Ngoại trừ một số doanh nghiệp tham gia bình ổn giá (được vay vốn sản xuất kinh doanh hàng Tết với lãi suất 0%, bán với giá thấp hơn giá hàng cùng chủng loại trên thị trường 5%-10%) đã lên kế hoạch sản xuất dự trữ hàng hóa vượt chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao và tăng trên 60% so với lượng hàng hóa bán ra Tết Nhâm Thìn 2012; hầu hết doanh nghiệp còn lại đều dè dặt khi lên kế hoạch sản xuất hàng Tết.
Gần giữa tháng 10 nhưng tình hình kinh doanh của hầu hết doanh nghiệp chưa có nhiều dấu hiệu khả quan. Lượng hàng tồn kho của nhiều doanh nghiệp vẫn còn cao, đặc biệt là nhóm hàng nước giải khát (có gaz và không gaz), thực phẩm đông lạnh và đóng hộp, gia vị… Hiện các doanh nghiệp đang phối hợp với siêu thị, trung tâm phân phối tổ chức chương trình giảm giá, tặng quà đính kèm để giải phóng hàng tồn nhằm quay vòng vốn, giải phóng kho. Sức mua quá yếu khiến các doanh nghiệp khó định liệu, tính toán và cũng không kỳ vọng nhiều vào mùa kinh doanh Tết.
Giám đốc một công ty chuyên về thủy hải sản chế biến cho hay từ đầu năm đến nay, công ty gần như không tăng giá các mặt hàng bán tại thị trường nội địa mà phải liên tục chạy các chương trình khuyến mãi giảm giá, tặng kèm sản phẩm để bán được hàng. Tổng kết lại, lợi nhuận không có đã đành mà càng bán được nhiều hàng càng lỗ nên cũng không mặn mà với mùa kinh doanh Tết. “Các doanh nghiệp đều đang quay trong guồng chung, cắn răng chịu lỗ để giữ thị trường và nuôi công nhân. Nếu đơn độc tăng giá lúc này là tự loại khỏi cuộc chơi”- vị giám đốc này cho biết.
Lo dư, không lo thiếu
Trao đổi với phóng viên, hầu hết doanh nghiệp ngành hàng chủ lực dịp Tết như thực phẩm chế biến, thực phẩm tươi sống, nước giải khát… đều cho rằng tình hình năm nay chỉ lo dư chứ không lo thiếu hàng. Dự đoán người tiêu dùng sẽ ăn Tết tiết kiệm nên các doanh nghiệp chỉ tăng nhẹ, thậm chí không tăng sản lượng phục vụ Tết.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Giám đốc Công ty SG Food, cho hay 9 tháng đầu năm, doanh số công ty tăng 15% nhưng lợi nhuận không có. Nếu như mọi năm, sau Tết Trung thu là tập trung sản xuất hàng, lưu kho để bán Tết thì năm nay, không chỉ SG Food mà các công ty trong ngành chỉ dám lên kế hoạch dự trữ nguyên liệu chứ chưa sản xuất. Mức chuẩn bị cũng chỉ bằng năm rồi. “Chúng tôi chuẩn bị trước nguyên liệu, thị trường cần đến đâu sẽ sản xuất đến đó chứ không sản xuất sẵn. Ngoài ra, từ nay đến Tết, công ty đẩy mạnh mở mới điểm bán, tham gia các chương trình đưa hàng về nông thôn, chợ truyền thống, các hoạt động tiếp thị để kích thích sức mua. Song song đó là ra mắt sản phẩm mới, thay đổi kích thước bao bì một số sản phẩm theo hướng tiện dụng hơn để thu hút người tiêu dùng…” - bà Lê Thị Thanh Lâm cho biết.
Ngay cả các doanh nghiệp ngành bánh kẹo, mặt hàng không thể thiếu trong dịp Tết cũng giảm lượng hàng chuẩn bị cho thị trường Tết 5% - 10% so với Tết năm 2012. Ông Phan Văn Thiện, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bibica, cho biết đã chuẩn bị xong điều kiện sản xuất đầu vào. Tuy nhiên, dự đoán người tiêu dùng sẽ thắt chặt chi tiêu nên công ty không sản xuất nhiều mà sẽ châm hàng theo từng đợt, tùy tình hình mà điều chỉnh kế hoạch để hạn chế tồn kho.
Bà Nguyễn Thị Tâm Ái, Giám đốc Công ty TNHH - TM - DV - SX Trí Đức (nhãn hiệu mứt Lạc Xuân), lo ngại: Thị trường không có dấu hiệu khởi sắc nên công ty chỉ làm theo đơn đặt hàng của các nhà phân phối chứ không dám sản xuất trước, không tự kinh doanh. Bán được hàng đã khó, thu được tiền càng khó hơn. Năm trước, hàng đã bán hết từ Tết nhưng đến tháng 7/2012 chúng tôi mới được thanh toán hết tiền, doanh nghiệp kẹt cứng...
Sẽ có nhiều chương trình khuyến mãi lớn Để kìm giữ giá và bảo đảm nguồn cung hàng hóa Tết, TP.Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều biện pháp chuẩn bị nguồn hàng, bảo đảm cung cầu trước, trong và sau Tết; không để thiếu hàng, tăng giá đột biến. Đặc biệt, một số siêu thị lớn như Co.opmart, BigC… chủ động làm việc với nhà cung cấp để chủ động nguồn hàng, cam kết giữ giá một số mặt hàng thiết yếu từ nay đến Tết và dự kiến sẽ tiếp tục có nhiều chương trình khuyến mãi lớn… |
Hà Chi (Theo NLĐ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024
Thương lái gom hàng hoa phục vụ Tết