Để gạo Việt không vô danh
Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, tuy chỉ trong một thời gian ngắn tham gia trên thị trường lương thực của thế giới, hiện tại gạo của Campuchia đã có mặt tại hơn 30 quốc gia. Campuchia còn thực hiện chiến lược thâm nhập các thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc nhập khẩu số lượng lớn và ổn định, giá mua rất cao.
Học kinh nghiệm Campuchia
Chính phủ nước này cũng thường xuyên khuyến khích nông dân tăng cường sản xuất gạo chất lượng cao để nâng cao vị thế hạt gạo trên thương trường quốc tế. Gạo Campuchia đang dần trở thành mối đe dọa đối với các nước XK gạo lớn nhất thế giới, trong đó dĩ nhiên có cả VN.
Theo đánh giá của GS.TS Võ Tòng Xuân: “Gạo Campuchia được thế giới chú ý thông qua các hội chợ và tôi thấy rõ ràng khách hàng đến rất đông để ký hợp đồng. Campuchia hiện nay đã đi vào quy hoạch vùng nguyên liệu và có nhà máy để sản xuất gạo có chất lượng tốt. Chính vì vậy mà qua hai năm liên tiếp gạo Lài của Campuchia đều giành được Kỷ niệm Chương cho giải thưởng gạo ngon nhất thế giới tại “Hội nghị Các nhà buôn gạo thế giới”. Đây là giải thưởng mà VN chưa từng được nhận dù là nước có sản lượng XK lớn nhất nhì thế giới. Thông tin này đã tạo sự bất ngờ bởi từ trước đến nay, gạo Campuchia chưa hề được nhắc đến trong thị trường XK gạo thế giới”.
Ngoài ra, trong khi gạo Việt hoàn toàn vắng bóng tại các kỳ hội chợ lúa gạo ở Thái Lan thì Cục xúc tiến thương mại của Campuchia đã hỗ trợ để 8 DN XK gạo nước này tham dự hội chợ này. Thái Lan vốn dĩ đứng đầu thế giới về chất lượng gạo cao cấp nhưng Campuchia vẫn cố gắng tấn công vào thị trường này. Gạo chất lượng tốt và cách làm thương hiệu rất bài bản, đây là điều mà ngành gạo VN nên học hỏi kinh nghiệm, GS.TS Xuân chia sẻ.
Tạo dựng thương hiệu Việt
Mặc dù mỗi năm có hàng triệu tấn gạo được xuất đi, lại nằm trong Top 3 nước XK gạo lớn nhất thế giới, nhưng hạt gạo Việt hầu như vẫn vô danh trên bản đồ gạo thế giới, do chưa có thương hiệu riêng mà chỉ được gọi là “gạo hạt dài”, “gạo 5 - 10 - 25% tấm” và chỉ quanh quẩn ở một số nước Châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Philippines, Bờ biển Ngà và vài nước Châu Phi với gạo chất lượng thấp.
Ông Nguyễn Đình Bích - Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương), cho rằng: “Từ trước tới nay, chất lượng gạo của VN không đồng đều, mà thẳng thắn nhìn nhận thì gạo VN chưa có chất lượng nào là chuẩn chung cả. Mọi thứ đều do nông dân tự làm. Họ tự lựa chọn cho mình các giống lúa khác nhau, chăm bón, thu hoạch… không đồng nhất. Đối với đầu ra, các DN XK không hề làm việc trực tiếp với nông dân, chỉ làm việc qua thương lái”. Do vậy, những việc phải làm hiện nay là câu chuyện nâng cao chất lượng gạo ra sao, xây dựng thương hiệu gạo XK thế nào, hay cần điều chỉnh gì trong chính sách XK gạo thì quan trọng nhất để tháo gỡ mọi khúc mắc và dần nâng cao giá trị hạt gạo Việt cần sự vào cuộc của các nhà quản lý.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định, ở cả ba khâu từ sản xuất, chế biến đến XK gạo đều có bất cập, kể cả công tác điều hành cũng chưa thực sự hiệu quả. Vì vậy, vấn đề giá trị hạt gạo XK cần được xem xét một cách tổng thể trong chuỗi từ sản xuất, thu mua, tạm trữ, chế biến, bảo quản, xây dựng thương hiệu và XK. Theo bà Lan, cần rà soát, tính toán lại để định hướng phát triển sản xuất lúa gạo theo ba hướng lớn: tổ chức sản xuất, xây dựng và quảng bá thương hiệu, tăng cường xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường XK. Đặc biệt là xây dựng thương hiệu, bởi “tồn tại lớn nhất trong XK gạo là chưa xây dựng thương hiệu gạo, tự làm mất khả năng cạnh tranh của mình”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 24/1/2025: Tiếp tục tăng
Giá nông sản ngày 24/1/2025: Cà phê và hồ tiêu tiếp tục tăng mạnh
TP Hồ Chí Minh: Gần 1.000 sản phẩm OCOP quy tụ tại phiên chợ 'Tết xanh - Quà Việt'
Tỷ giá hôm nay 24/1: Giá ngoại tệ ghi nhận xu hướng trái ngược
Một mặt hàng xuất sang Philippines tăng mạnh, đạt 2,6 tỷ USD
Lợi nhuận trước thuế FPT Retail vượt kế hoạch năm 2024