Để “giấc mơ tỷ USD” thành hiện thực
Làm sao để đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển thương hiệu Quốc gia cho cây sâm Việt Nam để sâm Ngọc Linh có thương hiệu trong nước và trên thế giới? Làm sao đến năm 2025, Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm đứng thứ 2 trên thế giới, hàng năm sản xuất được từ 500 - 1.000 tấn?
Theo ông Bửu, trong những năm qua, công tác xúc tiến đầu tư vào phát triển sâm Ngọc Linh chưa được quan tâm đúng mức. Giá trị của sâm Ngọc Linh - một loài dược liệu quý hiếm bị lãng quên chỉ được tổ chức trồng, khai thác theo quy mô nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu trên quy mô toàn quốc và thế giới ngang tầm với giá trị vốn có của sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam). Do đó, rất cần sự chung tay ủng hộ của Nhà nước và doanh nghiệp.
- Thưa ông! Xin ông cho biết thực trạng phát triển cây sâm Ngọc Linh hiện nay?
Hiện nay, huyện Nam Trà My đang hình thành 27 chốt trồng sâm với hơn 653.500 cây sâm bao gồm nhiều độ tuổi khác nhau. Trong đó, trại sâm giống Tắk Ngo, thôn 2 xã Trà Linh, do UBND huyện Nam Trà My quản lý (được hình thành năm 2013) với hơn 20.000 cây sâm giống, có độ tuổi 2 năm. Trại dược liệu Trà Linh trực thuộc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam quản lý; tổng diện tích đang quản lý là 7,127 ha, với tổng số lượng cây sâm là 167.658 cây cũng với nhiều độ tuổi khác nhau. Trên 4.000m2 sâm của người dân làng Lạc Bông, xã Ngọc Lei tỉnh Kon Tum được trồng từ năm 1995. Trung tâm sâm Ngọc Linh thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đắk Tô, tỉnh Kon Tum đang quản lý trên 5 ha cây giống sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam).
Nhìn chung, công tác bảo tồn và phát triển cây sâm trong thời gian đã có những kết quả nhất định, đã giúp cho một số hộ đã nhanh chóng xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu, giải quyết một số vấn đề khó khăn của địa phương.
Cụ thể, đã đổi mới được phương thức, thời vụ trồng cây con vào tháng 7-8 hàng năm khi cây sâm chưa ngủ đông (sam ngủ đông vào tháng 10-11) làm giảm đáng kể tổn thất cây giống; phối hợp với Viện dược liệu Hà Nội trồng vườn cây giống theo đề tài nghiên cứu trồng sâm dưới dàn che mái, ươm giống trong khay; hướng dẫn nhân dân trong vùng trồng sâm tổ chức gieo ươm, nuôi trồng, chăm sóc, phát triển cây sâm; từ các nguồn vốn của nhà nước, đã đầu tư trồng, phát triển cây sâm Việt Nam đến nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số xã: Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang và đến nay một phận nhân dân tại các xã trên đã trồng có hiệu quả theo mô hình trồng sâm theo từng nhóm hộ (chốt), mỗi nhóm hộ từ 15-25 hộ. Đặc biệt, điều đáng mừng là hiện nay, dự án phát triển sâm Ngọc Linh đã được tỉnh Quảng Nam quan tâm, UBND tỉnh đã tổ chức khảo sát, xây dựng vùng trồng, bảo tồn và phát triển sâm với quy mô 19 ngàn ha và đã xây dựng Đề án phát triển sâm Ngọc Linh với tầm quốc gia.
Như vậy, bước đầu công tác quy hoạch và định hướng phát triển sâm Ngọc Linh đã được triển khai tích cực. Tôi tin rằng với tiến độ như hiện nay và được sự quan tâm tích cực của các bộ ngành thì đề án sẽ sớm được triển khai thực hiện.
- Ông từng nói, nếu đề án cây sâm Ngọc Linh được Chính phủ phê duyệt sẽ mở ra cơ hội mới và giấc mơ sâm Việt Nam. Cụ thể đó là cơ hội gì?
Đề án cây sâm Ngọc Linh được Chính phủ phê duyệt sẽ mở ra cơ hội mới và giấc mơ sâm Việt Nam. Trước hết nói về cơ hội mới: Hàng trăm năm nay, giá trị của cây sâm Ngọc Linh chưa được đánh thức. Một loại cây dược liệu quý hiếm mà trên toàn thế giới chỉ có 5 quốc gia được thiên nhiên ưu đãi, theo các nhà khoa học, giá trị của sâm Ngọc Linh Việt Nam sánh ngang hoặc cao hơn giá trị của sâm Hàn Quốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - ông Đinh Văn Thu cùng đoàn công tác đang trên đường khảo sát mở đường lên vùng sâm Ngọc Linh chuẩn bị cho chiến lược phát triển cây sâm Ngọc Linh
Tuy nhiên, hiện nay sâm Ngọc Linh Việt Nam chỉ được trồng và phát triển với quy mô chưa được vài trăm ha, chưa phát triển thành hàng hóa quý hiếm như sâm Hàn Quốc, sâm Mỹ. Do đó khi Đề án được Chính phủ phê duyệt để triển khai thực hiện thì chắc chắn cây sâm Ngọc Linh Việt Nam sẽ trở thành một thương hiệu nổi tiếng trên toàn thế giới, do đó cơ hội thoát nghèo bền vững và vươn lên giàu có của người dân địa phương là rất rõ ràng.
Ngoài ra, khi dự án được triển khai thực hiện, ngoài nguồn lợi từ cây sâm, các chương trình như: Ngành dược phẩm, mỹ phẩm, nước giải khát, ngành du lịch sinh thái, tham quan nghỉ dưỡng cũng sẽ phát triển. Hơn thế nữa trồng sâm là trồng rừng, đây là lợi kép vừa bảo vệ môi trường vừa có kinh tế cho dân cho đất nước.
- Theo ông cái thiếu lớn nhất để phát triển sâm Ngọc Linh hiện nay là gì? Vì sao doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà tham gia dự án?
Theo tôi, cái thiếu lớn nhất để phát triển sâm Ngọc Linh hiện nay là giá trị của một loại cây dược liệu vô cùng quý hiếm của quốc gia, của thế giới chưa được quan tâm, đánh giá đúng mức, công tác quảng bá giới thiệu và đầu tư phát triển, bảo tồn bị lãng quên. Chúng ta đầu tư rất nhiều tiền của, cơ chế, chính sách phát triển cây lúa, cây cà phê, cây cao su, cây điều… để xuất khẩu nhưng luôn bị cạnh tranh, được mùa mất giá, mà quên đầu tư phát triển một loại sản phẩm có giá trị kinh tế rất cao, không bị cạnh tranh: Đó là cây sâm Ngọc Linh.
Tuy có giá trị kinh tế cao như vậy nhưng đến nay các DN vẫn chưa thực sự quan tâm đầu tư, tham gia phát triển cây sâm Ngọc Linh vì một số nguyên nhân. Trước hết, cây sâm Ngọc Linh chỉ phát triển ở vùng núi cao trên 1.000m2 đến 2.400m2 so với mực nước biển, khí hậu lạnh, địa hình núi cao, vực sâu vô cùng hiểm trở, giao thông gần như chưa có. Do đó chi phí đầu tư bước đầu để xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là rất lớn, bên cạnh hiện nay sản phẩm sâm Ngọc Linh chỉ mới được tiêu thụ ở dạng thô, công nghệ chế biến, quy trình sản xuất các loại sản phẩm chức năng từ cây sâm Ngọc Linh chưa được nghiên cứu đầy đủ và chưa được đầu tư mà muốn xây dựng được các vấn đề này cần sự đầu tư của cấp nhà nước… Thứ hai, cơ chế cho thuê đất rừng nguyên sinh để trồng sâm chưa cụ thể, doanh nghiệp rất loay hoay trong việc này. Thứ ba, có chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư lên miền núi cao còn chung chung, chưa có cụ thể, chưa sát thực từng loại ngành nghề cho doanh nghiệp.
- Để "giấc mơ Sâm Việt Nam thành hiện thực", ông có đề xuất như thế nào đối với tỉnh Quảng Nam, Chính phủ và các ban ngành có liên quan?
Theo tôi, cần có giải pháp để nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp người dân về phát triển cây sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) song song với việc ban hành những chủ trương, chính sách sát thực tế để tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp đầu tư mạnh vào phát triển cây sâm Việt Nam. Cùng với đó, các nhà khoa học ở Trung ương cần quan tâm hơn nữa về nghiên cứu phát triển cây sâm, các sản phẩm sản xuất ra từ cây sâm Việt Nam để có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Đặc biệt, kính đề nghị Trung ương sớm quan tâm phê duyệt và phân bổ kinh phí để UBND tỉnh Quảng Nam triển khai thực hiện.
Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, do Đề án quốc gia về phát triển cây sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) là một Đề án có tầm chiến lược để phát triển mở rộng quy mô của các công ty, doanh nghiệp tư nhân và của nhà nước; nhất là đối với các công ty, doanh nghiệp đang phát triển ngành dược của đất nước, do đó rất cần sự vào cuộc đầu tư của các công ty, doanh nghiệp. Điều này là thật sự cần thiết để hiện thực hóa đề án.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo