Tin tức - Sự kiện

Để không còn nỗi lo thất nghiệp

Các bạn tân cử nhân, người người, nhà nhà thi nhau rải hồ sơ xin việc chỉ với mong muốn duy nhất là nhanh chóng tìm được một công việc ưng ý để không phải vướng vào hai chữ “thất nghiệp”. Vậy phải làm gì để chống lại nỗi lo thất nghiệp này?

Dành cho những ai còn là sinh viên
Nếu các bạn “may mắn” vẫn đang là sinh viên thì hãy biết quý trọng thời gian của mình. Các bạn nên tranh thủ thời gian để học tập, nắm vững kiến thức của những môn chuyên ngành. Nhiều bạn cho rằng, kiến thức khi học ở nhà trường khác xa so với thực tế đi làm. Nhưng bạn cũng nên biết rằng, kiến thức trong nhà trường là nền tảng để chúng ta có thể làm được các công việc đó. Và hiển nhiên khi bạn đi phỏng vấn xin việc, chưa có kinh nghiệm, nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn về các kiến thức bạn được học trong trường. Bạn học ngân hàng chẳng nhẽ là lại không biết gì về quy trình tín dụng, bạn học công nghệ thông tin chẳng nhẽ lại không biết về ngôn ngữ lập trình nào đó, bạn học luật chẳng nhẽ lại không nắm được một luật nào?

Bên cạnh đó là đầu tư cho việc học ngoại ngữ. Thời đại mở cửa, hòa nhập với thế giới bên ngoài. Có ngoại ngữ sẽ là một lợi thế rất lớn cho các bạn khi đi xin việc lẫn vấn đề  lương bổng. Hai bạn có cùng một tấm bằng đại học như nhau, một bạn có ngoại ngữ và một bạn không. Thì cơ hội việc làm dành cho hai người sẽ có sự khác biệt vô cùng lớn.

Ngoài việc học, các bạn sinh viên cũng cần và phải nâng cao kĩ năng mềm của mình, bằng việc tham gia các câu lạc bộ của khoa, của trường hoặc đi làm thêm. Sinh viên phần đa là có rất nhiều thời gian rảnh. Chúng ta chưa phải lo nhiều đến vấn đề tài chính, việc làm. Thế nhưng, nhiều bạn đã bỏ phí thời gian đó vào game hay suốt ngày chỉ ở nhà ăn, ngủ và ôm laptop lên mạng. Tham gia các câu lạc bộ hoặc đi làm thêm sẽ giúp bạn có thêm những kĩ năng về giao tiếp, ứng xử, cách sắp xếp, quản lý thời gian, cách xử lý các tình huống phát sinh không lường trước được trong công việc, cuộc sống và những mối quan hệ khác.

Hình ảnh minh họa.
Hình ảnh minh họa.

Và dành cho những ai đã là “cựu” sinh viên mới ra trường
Một CV ấn tượng: trước hết là sự trình bày chuyên nghiệp. Ngay từ font chữ, cỡ chữ, bố cục như thế nào trông cho đẹp mắt. Thông tin cá nhân cần phải đầy đủ. Đặc biệt là các thông tin như họ tên, địa chỉ, số điện thoại, ngày sinh, email là không thể thiếu. Nếu với những vị trí đòi hỏi con mắt nghệ thuật, óc sáng tạo thì chính bạn có thể tự tạo ra cho mình một mẫu CV độc, lạ, mang thương hiệu riêng của bản thân.

Bên cạnh đó là những kinh nghiệm bạn có. Nhiều bạn đều nói rằng nhà tuyển dụng yêu cầu có kinh nghiệm, còn sinh viên mới ra trường thì lấy đâu ra kinh nghiệm. Nhưng thực tế  những việc bạn đã làm thêm khi còn là sinh viên, từ gia sư, bồi bàn, phục vụ tại các nhà hàng… nhà tuyển dụng vẫn chấp nhận và vẫn xem như những công việc đó đã đưa lại cho bạn những kinh nghiệm, kĩ năng khác nhau, mặc dù nó không phải là kinh nghiệm chuyên môn với vị trí bạn ứng tuyển. Rất có nhiều khả năng, nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn  với những câu như “bạn đã học được những gì từ các công việc đó? Ở đó bạn làm nhiệm vụ gì?”

Các bạn cũng nên nhớ rằng, trong CV không nên “chém gió” những điều không có trong thực tế. Những gì bạn ghi trong đó, nhà tuyển dụng sẽ đề cập đến, Ví như nếu bạn không đi làm thêm công việc đó thì tốt nhất là không vào, hoặc bạn yếu kĩ năng giao tiếp nhưng trong CV lại ghi là giao tiếp tốt…Chỉ cần một vài câu hỏi trong lúc phỏng vấn, bằng con mắt nhà nghề, họ dễ dàng nhận ra bạn đang nói thật hay đang nói dối.

Một cuộc PV tự tin
Sự tự tin đến từ đâu? Tự tin đến từ nhiều yếu tố khác nhau. Quan trọng nhất vẫn là kiến thức và kỹ năng mà bạn có trong mình. Bạn chưa có kinh nghiệm trong công việc đó, đừng lo. Nếu bạn chưa có nhà tuyển dụng sẽ không hỏi.  Chỉ cần bạn nắm vững kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ bạn có, chắc chắn bạn đỗ. Chính vì vậy điều đầu tiên cần làm là xem lại thật kĩ những kiến thức đã học.

Sự tự tin còn đến từ ngoại hình bên ngoài. Vì vậy, hãy chuẩn bị cho mình một bộ trang phục lịch sự, phù hợp với môi trường ở nơi bạn đi sẽ đi phỏng vấn. Nhưng cũng đừng quên bộ trang phục phải đem lại cho bạn một sự thoải mái nhất. Bạn không cần buộc bản thân mình ngồi cả giờ để trang điểm thật đẹp trước buổi phỏng vấn nếu điều đó làm bạn khó chịu. Bạn chỉ cần trang điểm nhẹ nhàng và thêm một chút son. Bạn cũng không cần ép buộc bản thân phải mặc váy hay juyp nếu bạn ngượng ngùng. Thay vào đó bạn cũng có thể lựa chọn quần âu và áo sơ mi sơ viên, nếu điều đó làm bạn cảm thấy mình thoải mái khi đối diện nhà tuyển dụng.

 

Phỏng vấn tự tin để tránh tránh tình trạng thất nghiệp.
Phỏng vấn tự tin để tránh tránh tình trạng thất nghiệp.

Phong thái tự tin còn thể hiện ở  tâm lí mình đi xin việc là xin thật, làm thật  chứ không phải đến để thứ cho biết, vì bạn mất thời gian, công sức. Nhiều bạn cho rằng thôi cứ đi thử cho biết, đậu thì tốt mà trượt cũng không sao. Lấy kinh nghiệm lần sau. Chính vì vậy mà các bạn không tìm hiểu kĩ về công ty, về yêu cầu của vị trí đang tuyển,  thậm chí còn không xem lại cả kiến thức mình đã học trong trường như thế nào. Khâu chuẩn bị của các bạn rất  hời hợt. Từ việc làm bài thi viết cho đến khi đi phỏng vấn, trả lời nhà tuyển dụng và các câu hỏi lại nhà tuyển dụng. Phải đến 90% các bạn sinh viên mới ra trường đều bị thụ đông trước câu hỏi “Em/bạn có điều gì muốn hỏi không?" Nhiều bạn im lặng không trả lời, nhiều bạn trả lời là “không”, nhiều bạn cũng chỉ hỏi thêm một câu “Khi nào thì công ty có kết quả?” 

Nếu các bạn chuẩn bị kĩ càng, tìm hiểu trên mạng thì sẽ biết có rất nhiều thứ để mình hỏi lại nhà tuyển dụng. Ví dụ như “Anh/chị đã làm việc tại công ty trong thời gian bao lâu rồi?/ Điều gì khiến anh, chị gắn bó với công ty như vậy?/ Công việc đầu tiên mà anh chị sẽ giao cho em nếu em được nhận vào làm là gì?/ Dự án có bao nhiêu người? Đã đến giai đoạn nào rồi?/ Nếu em được nhận vào công ty thì anh, chị có thể cho em lời khuyên, em nên nâng cao kĩ năng nào ABCXYZ chẳng hạn”. Tất cả những điều này sẽ khiến nhà tuyển dụng đánh giá là bạn là một người như thế nào trước khi quyết định có chọn lựa bạn hay không?

Khi đi xin việc, bạn đừng mang tâm thế mình là kẻ dưới, mình là người đi xin. Như thế tâm lí rất dễ bị “cơ ma run”. Hãy xác định rõ ràng rằng, nhà tuyển dụng và ứng viên ở vị trí ngang bằng nhau,. Một bên có nhu cầu và một bên có cung, đáp ứng nhu cầu đó, Vì vậy bạn có gì bạn hãy cứ thể hiện ra. Như một cuộc mua bán trao đổi giữa hai bên, thuận mua vừa bán. Không có ai là người  ở bề trên và ai là kẻ ở phía dưới cả. Bạn nên biết cách khiêm tốn đúng lúc, tự tin đúng chỗ và đừng tỏ tự cao trước mặt nhà tuyển dụng.

Lời cảm ơn đến nhà tuyển dụng - điều không thể thiếu
Kết thúc cuộc phỏng vấn, các bạn nên mỉm cười và nói lời cảm ơn đối với nhà tuyển dụng vì họ đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn đó, cùng những chia sẻ của người đi trước dành cho mình. Nếu có thể thì bạn cũng nên gửi mail nói lời cảm ơn họ. Điều này thể hiện cách làm việc chuyên nghiệp, sự nghiêm túc, chân thành của ứng viên dành cho công việc, công ty.
Chúc tất cả các bạn sinh viên mới ra trường sớm tìm được công việc như mong muốn của bản thân mình !

Theo Lethuy248 / Trí Thức Trẻ
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo